Thực phẩm giúp đẩy lùi viêm amidan

(khoahocdoisong.vn) - Viêm amidan dễ tái phát lúc giao mùa, thay đổi thời tiết, khi ra ngoài trời lạnh quá lâu mà không bảo vệ giữ ấm cơ thể, đặc biệt vùng cổ họng.

Trời lạnh khiến nhiệt độ và độ ẩm giảm mạnh, yếu tố lạnh và khô rất dễ gây kích ứng đường hô hấp so với điều kiện thời tiết thông thường có không khí ấm và ẩm. Vào mùa đông, sức đề kháng bị suy giảm, tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn gây bệnh sinh sôi phát triển. Trời lạnh ở những nơi đông người chúng ta vẫn phải đóng kín cửa để tránh gió khiến không khí không được lưu thông, tạo ra môi trường thuận lợi cho các tác nhân vi sinh vật gây bệnh. Viêm amidan cấp và mãn tính rất hay xảy ra trong mùa lạnh. Nhiều người tối hôm trước vẫn còn bình thường nhưng sáng ngủ dậy đã thấy cổ họng khô rát, nuốt nước bọt thấy vướng, hơi thở có mùi hôi, khó chịu, ho khan hoặc ho có đờm, sốt cao trên 39 độ C kèm đau đầu, mệt mỏi, đi khám phát hiện viêm amidan và phải điều trị cả tuần bằng kháng sinh.

Để phòng tránh bệnh viêm mũi họng, amidan trong mùa lạnh nên bổ sung thực phẩm giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, thanh long. Việc tăng cường vitamin C giúp cơ thể khỏe mạnh, tăng sức đề kháng, miễn dịch tốt với các loại vi khuẩn, virus, nấm chứa mầm bệnh gây viêm amidan. Khi đã bị viêm mũi họng, amidan, họng có đau rát nên bổ sung thực phẩm có tính chống viêm, kháng khuẩn như gừng. Có thể ngậm gừng trực tiếp, sử dụng gừng làm gia vị khi nấu các món ăn hoặc pha nước gừng, mật ong để uống. 

Nghệ cũng là thực phẩm chống viêm, kháng khuẩn tốt nhưng không cay, nóng nên trẻ nhỏ cũng dùng được. Khi chế biến món ăn nên cho thêm nghệ để chống viêm. Mật ong giúp làm lành các vùng tổn thương, giảm sưng tấy, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của vi khuẩn gây. Khi bị viêm amidan, người bệnh có thể pha trà gừng mật ong, nghệ mật ong, bạc hà mật ong để giảm bớt triệu chứng khó chịu của bệnh. Khi viêm amidan cấp tính, cổ họng đau rát, sốt cao, sợ gió nên ăn vị cay mát, thanh nhiệt  tiêu viêm như rau dấp cá, rau má, rau hẹ, mướp đắng, cải cay, củ cải, cải soong, rau đắng, bông bí, bí đao, giá đậu. Nếu ho đàm thì chưng bông khế hoặc bông đu đủ đực đường phèn ngậm nuốt cả cái lẫn nước. Nếu amidan sưng đến độ sốt nhẹ, người mệt nên ăn các món ăn có vị cay ấm như kinh giới, tía tô, bông lý, cải cay, cải rổ, cải soong, rau mùi, thì là, nghệ, gừng, tỏi, hành ta, hành tây, hẹ, kiệu, ngải cứu, bí đỏ, quýt, táo, lê, dâu, cá nạc, nếu có ho đàm chưng gừng, vỏ quít ngậm.

Lương y Nguyễn Văn Phúc (128 Nguyễn Tri Phương, Vũng Tàu)

Theo Đời sống
Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Lợi ích bất ngờ của hạt đu đủ

Các lợi ích từ quả, hoa đực của cây đu đủ được rất nhiều người biết đến, thế nhưng ít ai biết hạt của loại quả này cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe nếu tiêu thụ đúng cách.
back to top