Thực hư về nghiên cứu mối quan hệ giữa nhóm máu và Covid-19

(khoahocdoisong.vn) - Theo một công bố nghiên cứu mới tại Trung Quốc, những người có nhóm máu O sẽ khó bị nhiễm Covid-19 hơn và những người có nhóm máu A dễ bị nhiễm bệnh hơn. Vậy các nhà khoa học đánh giá như thế nào về kết quả và độ tin cậy của nghiên cứu này?   

Mối quan hệ giữa nhóm máu và bệnh lý

Nghiên cứu được tiến hành trên 2.173 bệnh nhân mắc Covid-19 tại 3 bệnh viện hàng đầu của Trung Quốc bao gồm: Bệnh viện Kim Ngân Đàm, Bệnh viện nhân dân đại học Vũ Hán, Bệnh viện nhân dân số 3 thành phố Thâm Quyến, rồi so sánh với những người khỏe mạnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người có nhóm máu A có tỉ lệ nhiễm bệnh cao hơn và gặp các triệu chứng nghiêm trọng hơn nhóm máu khác. Đồng thời, những người thuộc nhóm máu này cần thời gian chữa trị và phục hồi lâu nhất, trong khi đó những người có nhóm máu O là nhóm đối tượng khó bị nhiễm bệnh.

BS Wang Xinghuan, Trưởng nhóm nghiên cứu, đến từ Bệnh viện Trung Nam thuộc Đại học Vũ Hán, cho biết người thuộc nhóm máu A cần được tăng cường bảo vệ để giảm nguy cơ nhiễm bệnh. Dẫn chứng về mặt con số, trong số 206 bệnh nhân tử vong vì Covid-19 ở Vũ Hán, 85 bệnh nhân có nhóm máu A (chiếm hơn 63%) cao so với số 52 bệnh nhân có nhóm máu O.

Đây là lần đầu tiên có một nghiên cứu khoa học về sự liên hệ giữa các nhóm máu với khả năng mắc Covid-19. Trước đó, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy, người già trên 70 tuổi, nam giới là nhóm đối tượng dễ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hơn nhóm đối tượng phụ nữ và trẻ em.

Chuyên gia huyết học, TS.BS Đặng Quốc Nam cũng cho rằng, sự hiểu biết về nhóm máu của mỗi người có ý nghĩa quan trọng trong việc dự đoán một số bệnh và từ đó thực hiện các khuyến cáo để phòng ngừa như: Tỷ lệ bị viêm loét dạ dày tá tràng ở những người có nhóm O cao hơn các nhóm khác khoảng 30 đến 35 %; Tỷ lệ bị mắc ung thư ở người có nhóm máu A cao hơn các nhóm khác khoảng 13 %; Người nhóm máu AB thường có liên quan đến bệnh cao huyết áp...

Theo PGS TS Bùi Thị Mai An, mối liên quan giữa nhóm máu và bệnh lý được giải thích một cách khoa học là do kháng nguyên của nhóm máu. Ví dụ, hồng cầu của người nhóm máu O mang nhiều kháng nguyên H hơn nhóm máu A, B và AB. Do vậy, khi một vi khuẩn gây bệnh lý mang một kháng nguyên giống kháng nguyên H, người nhóm máu O sẽ không thể tạo ra kháng thể chống lại kháng nguyên H để chống lại vi khuẩn gây bệnh đó nên nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn.

Chỉ mang tính chất thống kê nhưng có thể tham khảo

Theo TS.BS Bạch Quốc Khánh, Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, công bố nghiên cứu về việc nhóm máu O khó nhiễm Covid-19 của Trung Quốc không có cơ sở khoa học vững chắc.

Tất cả những nghiên cứu khoa học cần hết sức thận trọng trong đánh giá. Phải có ít nhất 3 tới 10 nghiên cứu có cùng kết luận, cỡ mẫu phải đủ lớn, ở nhiều chủng tộc, nhiều quốc gia khác nhau và phải được Hội đồng khoa học đánh giá thì nghiên cứu mới có giá trị.

Nhà khoa học Gao Yingdai tại Phòng thí nghiệm huyết học thực nghiệm quốc gia ở Thiên Tân (không tham gia vào nghiên cứu nói trên) cũng cho rằng, nghiên cứu chưa đưa ra được sự giải thích rõ ràng về sự tương tác giữa virus và các loại hồng cầu khác nhau. Đó là một hạn chế. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng nhấn mạnh, đây chỉ là nghiên cứu sơ bộ và cần nghiên cứu sâu hơn. Họ khẳng định nghiên cứu này chưa được đánh giá ngang hàng và có thể có rủi ro nếu sử dụng kết quả nghiên cứu này để hướng điều chỉnh phương pháp điều trị hiện nay. Vì vậy, những người nhóm máu A không phải quá lo lắng vì chưa chắc 100% sẽ nhiễm bệnh. Ngược lại, người nhóm O cũng đừng nghĩ mình an toàn.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top