Thực hư về cá báo trước hiểm họa, sóng thần

(khoahocdoisong.vn) - Trước khi xảy ra sóng thần, động đất, cá hố rồng sẽ bơi dạt vào bờ báo trước cho người dân nhận biết thảm họa. Thậm chí, một số người chơi cá rồng cảnh còn cho rằng chúng có thể báo trước vận hạn trong làm ăn.

Cá báo trước sóng thần

Thảm họa động đất và sóng thần vừa xảy ra ở Indonexia khiến hàng trăm người chết. Việc nhận biết các dấu hiệu báo trước sóng thần được nhiều người quan tâm. Nhiều người cho rằng, chỉ cần nhìn thấy cá mái chèo hay còn gọi là cá hố rồng xuất hiện ở ven biển là phải chuẩn bị phương án đối phó với sóng thần.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, nguyên cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật cho biết, cũng có một số người gửi thắc mắc đến ông về việc quan sát sự xuất hiện của loài cá mái chèo để biết sóng thần sắp xảy ra. Cá mái chèo có tên khoa học là Regalecus glesne, sống ở độ sâu 1.000m so với mực nước biển. Đây là loài sống lâu đời nhất được biết đến trong các loài cá có xương và cũng là loài cá có xương dài nhất thế giới. Cá mái chèo có chiều dài lên tới 17m và có thể nặng tới 270kg.

Theo niềm tin truyền thống của người Nhật Bản, nếu cá mái chèo xuất hiện nhiều thì rất có thể sẽ có một trận động đất xảy ra. Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn, điều này được lý giải vì các loài cá sống ở đáy biển sâu thường nhạy cảm hơn với những tác động của chuyển động đứt gãy. Tuy nhiên, trong các tài liệu nghiên cứu khoa học và về loại cá này tôi chưa từng thấy có thông tin nói rằng sự xuất hiện của loài cá có thể báo hiệu một trận động đất xảy ra.

“Về lý thuyết, khi động đất xảy ra, áp lực trong các lớp đá có thể tạo ra điện tích tĩnh, khiến các ion tích điện được giải phóng trong nước. Loài cá mái chèo có thể cảm nhận được sự thay đổi đó nên dạt vào bờ. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong những nguyên nhân khiến chúng dạt vào bờ.

Có thể do các yếu tố không liên quan đến động đất như hạ âm sinh ra từ hoạt động của tàu ngầm, đặc biệt là sự ô nhiễm môi trường nước. Vì môi trường biển đang bị ô nhiễm bởi dầu tràn, kim loại nặng, các hóa chất độc hại khiến cá mái chèo thiếu oxy. Chúng buộc phải lên tầng cao hơn để tồn tại. Do không thích ứng với môi trường mặt biển, nên chúng có thể chết và trôi dạt vào bờ”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Cá báo trước vận hạn cho chủ nhân

Lời đồn cá rồng có khả năng báo trước cho chủ nhân về rủi ro kinh doanh khiến loài cá nằm trong sách đỏ này càng trở nên quý giá. Nhiều đại gia sẵn sàng chi tiền tỷ để sở hữu loài cá quý hiếm này. Theo thông tin được giới chơi cá cảnh lan truyền thì với thân hình cong mềm mại và bộ vảy lấp lánh, cá rồng châu Á là một trong những loài thủy sinh đắt nhất thế giới, được cho là có giá lên tới 300.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng). Tuy không phải con nào cũng có giá bạc tỷ, nhưng một con cá rồng con ở Singapore được bán với giá 300 USD (7 triệu đồng), cá rồng bạch tạng trưởng thành có giá từ 70.000 USD (1,6 tỷ đồng) trở lên.

Nhiều người tin rằng cá rồng mang lại may mắn và sự giàu có. Không chỉ vậy, họ còn bị hấp dẫn bởi những câu chuyện ly kỳ như cá rồng hy sinh tính mạng, nhảy vọt ra khỏi bể nước để cảnh báo chủ nhân về các phi vụ làm ăn rủi ro và nhiều mối nguy hiểm khác. TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết, cá rồng hay còn gọi là cá mơn là loài gần như bị tận diệt, nằm trong sách đỏ.

Ở Việt Nam, cá rồng chỉ xuất hiện ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, những nơi có cây ngập nước, môi trường ẩm thấp, nhiều côn trùng. Nhưng do biến đổi khí hậu và môi trường ô nhiễm, cộng với sự săn lùng ráo riết, chúng dần đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Không có nghiên cứu nào khẳng định cá rồng có thể báo trước rủi ro. Có thể do chủ nhân bận làm ăn, quên chăm sóc nên chúng đói mà nhảy khỏi mặt nước chăng? Việc gán cho cá rồng những  ý nghĩa tâm linh chỉ là chiêu thổi giá của một vài người chơi cá cảnh”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

“Rất khó để nhận biết trước thảm họa sóng thần. Tuy nhiên nếu thấy có sự bất thường liên tục về việc xuất hiện các loài cá lạ ở bờ biển như cá mái chèo thì cũng có thể xem xét khả năng có hay không thảm họa sắp đến”, TS Nguyễn Kiêm Sơn.

Theo Đời sống
back to top