Thực đơn cho thai phụ bị tiểu đường

(khoahocdoisong.vn) - Tiểu đường thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, khởi phát hoặc được phát hiện đầu tiên trong lúc mang thai.

Thai phụ bị tiểu đường gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Một chế độ dinh dưỡng hợp lý không chỉ giúp kiểm soát tốt đường huyết khiến thai phụ không cần dùng thuốc hoặc giảm liều thuốc dùng …mà còn khiến thai nhi và mẹ được khỏe mạnh, tránh nhiều biến chứng.

TS Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, nguyên tắc cơ bản nhằm góp phần kiểm soát thật chặt chẽ đường huyết suốt trong thời kỳ mang thai đó là chế độ và kế hoạch ăn uống. Cần đặc biệt chú ý tới lượng calo cung cấp, cần điều chỉnh thật tốt nhằm tránh giảm cân hoặc tăng cân. 

Nói chung cần tiêu thụ 30 – 32 Kcal/kg trọng lượng lý tưởng của cơ thể trong 3 tháng đầu, tăng lên 35 – 35 Kcal/kg cho 3 tháng tiếp theo, trong đó 50 – 55% là carbohydrate, < 30% mỡ và 1 – 1,5g protein/kg trọng lượng lý tưởng (trừ khi bị thương tổn thận do tiểu đường, lượng protein cần thấp hơn). Bổ sung thêm 0,4 - 0,8mg axit folic/ngày. Mỗi ngày cần chia làm 3 bữa chính và 3 bữa phụ nhằm tránh hạ glucose huyết ban đêm và trước các bữa ăn. Cách ăn cụ thể như sau:

Thứ 2 và thứ 5: Giá trị dinh dưỡng khẩu phần ăn (NLKP) = 2206,5 Kcal, protein (P) 99,2g, lipid (L) 61,2g, gluxit (G) 300g. Tỷ lệ P:L:G= 18:25:57. Thức ăn gồm: 7h phở bò (bánh phở 150g, thịt bò 30g, hành lá, rau thơm 10g, dầu ăn 5g); chuối tây 200g; 11h30 cơm tẻ (gạo) 100g, canh củ quả nấu xương sườn (sườn lợn 20g, bí đao 40g, súp lơ xanh 40g, cà rốt 40g), cá cam sốt cà chua (cá cam 80g, cà chua 15g, dầu ăn 8g), trứng đúc thịt (thịt lợn nạc 20g, trứng gà 20g, dầu ăn 7g), vú sữa 100g; 15h sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường/sữa tươi không đường 250ml; 17h30 cơm tẻ (gạo) 100g, canh cải xanh nấu thịt nạc (cải xanh 120g, thịt lợn nạc 20g), cá kho nước dừa (cá quả 50g, nước dừa non tươi 5g), nộm ngó sen tôm thịt 20g (ngó sen 15g, cà rốt 15g, tôm biển 10g, thịt ba chỉ 2g, rau răm 3g, lạc hạt 5g, gia vị trộn nộm 10g), sữa chua 100g; 20h sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường 200ml.

Thứ 3 và thứ 6: NLKP = 2201 Kcal, protein 100g, lipit 64g, gluxit 295g. Tỷ lệ P:L:G= 19:25:56. Thức ăn gồm: 7h miến gà (miến dong khô 45g, thịt gà ta 50g, hành lá 10g, dầu ăn 3g); 9g bưởi 200g; 11h30 cơm tẻ (gạo) 100g, trứng cút kho thịt (thịt lợn nạc 50g, trứng chim cút 20g), súp lơ xào tôm nõn (tôm biển nõn 30g, súp lơ trắng 50g, cà rốt 60g, hành lá 5g, rau mùi 10g, dầu ăn 5g), canh cua rau đay (cua đồng 5g, rau đay 30g, rau mồng tơi 20g), thanh long 100g; 15h sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường/sữa tươi không đường 250ml; 17h30 cơm tẻ (gạo) 100g, canh khoai sọ nấu thịt nạc (khoai sọ 80g, hành lá 5g), thịt gà rang lá chanh (thịt gà ta 100g, dầu ăn 2g), cải chíp luộc chấm xì dầu 120g; 20h sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường 200ml.

Thứ 4 và thứ 7: NLKP = 2236,2 Kcal, protein 108,1g, lipid 58,4g, gluxid 307,6g. Tỷ lệ P:L:G= 19:25:56. Thức ăn gồm: 7h bún cá (bún tươi 160g, cá rô phi 50g, cải xanh 30g, thìa là, hành, gừng 5g, dầu ăn 3g); 9g táo 200g; 11h30 cơm tẻ (gạo) 100g, rau lang xào tỏi (rau lang 150g, tỏi ta 5g, dầu ăn 3g), ốc xào lá lốt (ốc nhồi 50g, sả gừng tỏi 5g, lá lốt 20g), canh cải nấu thịt băm (cải xanh 50g, thịt nạc vai 10g), thịt bò xào súp lơ cà rốt (súp lơ xanh 30g, cà rốt 30g, thịt bò nạc 40g, tỏi ta 3g, dầu ăn 5g), đu đủ chín 100g; 15h sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường/sữa tươi không đường 250ml; 17h30 cơm tẻ (gạo) 100g, trứng đúc thịt (thịt lợn nạc vai 30g, trứng gà 40g, dầu ăn 3g, mộc nhĩ 5g, nấm hương khô 1g), đậu côve xào thịt (đậu côve 50g, thịt lợn nạc vai 30g, dầu ăn 3g), canh chua cá quả (dứa ta 20g, cá quả 50g, giá đậu xanh 20g, cà chua 15g, dầu ăn 2g), củ quả luộc (củ cải trắng 50g, quả su su 50g, cà rốt 50g); 20h sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường 200ml.

Chủ nhật: NLKP = 2206 Kcal, protein 107,2g, lipid 60g, gluxid 297,6g. Tỷ lệ P:L:G= 20:25:55. Thức ăn gồm: 7h phở gà (bánh phở 180g, thịt gà ta 30g, hành lá 2g, dầu ăn 3g); 9g dưa hấu 200g; 11h30 cơm tẻ (gạo) 100g, cá trắm kho (cá trắm 50g, khế 5g, riềng 5g, thịt lợn ba chỉ 20g), thịt gà rang (thịt gà ta 50g, sả 2g, dầu ăn 2g, gừng tươi 1g), canh bầu nấu cua (bầu 50g, cua đồng 20g), cải chíp xào nấm (cải chíp 140g, nấm hương khô 3g, tỏi ta 3g, dầu ăn 3g), chuối tây 100g; 15h sữa dành cho bệnh nhân tiểu đường/sữa tươi không đường 250ml; 17h30 cơm tẻ (gạo) 100g, đậu sốt thịt (thịt lợn nạc 30g, đậu phụ 40g, dầu ăn 2g, hành lá 2g, cà chua 30g), thịt bò kho tiêu (thịt bò nạc 50g, dầu ăn 3g), canh mồng tơi nấu ngao (rau mồng tơi 50g, thịt ngao 10g), nộm dọc mùng (dọc mùng 20g, lạc hạt 3g, rau thơm 10g, đường kính 3g, chanh 2g) sữa chua 100g; 20h sữa 200ml.

Lưu ý: Thai phụ bị tiểu đường nên ăn nhiều loại thực phẩm (15-20 loại/ngày) để cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể. Trong ngày có thể chuyển đổi thành các loại thực phẩm khác nhau, cùng nhóm song phải đảm bảo NLKP trong ngày, cũng như tỷ lệ các chất P:L:G hợp lý. Tốt nhất nên chọn thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp.

Nhật Hà

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top