Thừa Thiên Huế thấp thỏm nỗi lo sạt trượt núi

Gần 1 năm qua, người dân vùng sạt lở ở Thừa Thiên Huế chưa được di dời tái định cư nơi khác. Việc tiếp tục sống dưới những ngọn núi đã sạt lở và có nguy cơ tái diễn sụt trượt đất khiến người dân lo âu.

Hai ngày qua tại miền núi Thừa Thiên Huế có mưa to, bà con trong thôn Lập, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông lại thấp thỏm lo âu trước nguy cơ sạt lở ập xuống bất cứ lúc nào. Toàn thôn có 78 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Phía trước của thôn này là công trình thủy điện Thượng Nhật. Ông Hồ Văn Vang, ở thôn Lập, xã Thượng Nhật lo lắng, khi mưa lớn dài ngày mọi người trong thôn lại phải sơ tán đến nơi an toàn. Sống ở đây suốt 40 năm qua nhưng chưa bao giờ ông Vang và bà con lo sợ sạt lở đất như bây giờ.

“Lúc mưa bão, bà con ở đây rất lo. Thứ nhất là lo sạt lở. Thứ hai, phía trên là thủy điện, mình ở chân núi, sợ sạt lở. Khi mưa bão, cán bộ và người dân rất lo lắng. Tâm tư nguyện vọng của người dân là Đảng, Nhà nước xem xét, di dời, giúp bà con yên tâm sinh sống”- ông Hồ Văn Vang cho biết. 

Huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận 10 vị trí có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét khi mưa lớn kéo dài, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hơn 230 hộ dân. Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, trước mắt, để bảo đảm an toàn cho người dân, địa phương vận động và thực hiện sơ tán tạm thời các hộ có nguy cơ bị ảnh hưởng khi mưa lớn kéo dài; cắm biển báo tại các khu vực nguy hiểm, nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét. Về lâu dài, địa phương triển khai rà soát, xác định những vị trí có nguy cơ sạt lở để xây dựng phương án bố trí tái định cư, di dời các hộ ở các vị trí nguy hiểm đến nơi an toàn. Ông Lê Thanh Hồ cho biết thêm, tính toán là thế nhưng kinh phí của địa phương có hạn nên chưa biết giải quyết như thế nào?.

“Sau này, sẽ có dự án để di dời, đảm bảo an toàn về lâu dài cho các vùng có nguy cơ sạt lở cao. Nguyện vọng của người dân là đề nghị huyện có dự án di dời các hộ này. Về trách nhiệm của huyện và của tỉnh cũng đã có rồi nhưng nguồn lực hiện vẫn còn khó khăn. Mong muốn là trong đầu tư trung hạn của tỉnh nên có phần này”- ông Lê Thanh Hồ cho hay. 

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện vẫn còn 48 điểm đối mặt với nguy cơ xảy ra sạt lở, tập trung chủ yếu ở các khu vực gò đồi, rừng núi thuộc các huyện Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và 2 thị xã Hương Thủy, Hương Trà. Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, Khoa Địa lý- Địa chất, Trường Đại học Khoa học Huế cho biết, trong điều kiện thời tiết như hiện nay, với sự tác động của biến đổi khí hậu, hiện tượng sạt lở đất sẽ thường xuyên xảy ra, đặc biệt là sạt lở núi ở gần các khu dân cư. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Tuyên, tỉnh Thừa Thiên Huế cần xây dựng bản đồ cảnh báo các vị trí nguy cơ sạt lở thật chi tiết ở cấp xã; tiến hành điều tra, đánh giá độ rủi ro các khu dân cư, công trình quan trọng nằm ở các vùng sạt lở đất, từ đó có giải pháp di dời và thực hiện tái định cư; xây dựng các trạm cảnh báo nguy cơ sạt lở đất.

“Trong điều kiện lượng mưa nhiều, mưa kéo dài nhiều ngày như đã từng xảy ra trong năm 2020, hiện tượng sạt lở sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tính mạng. Vì vậy, các cấp chính quyền, có thể có rất nhiều giải pháp cảnh báo, xây dựng các bảng đồ nguy cơ. Trước mắt, nên đánh giá cụ thể mức độ an toàn của các điểm, các cụm dân cư nằm trong vùng được xác định là có nguy cơ cao và dự báo được để có những biện pháp di dời trong các trận mưa lũ lớn”- TS Trần Hữu Tuyên cho biết. 

Để ứng phó với tình trạng sụt lở đất cần có giải pháp công trình và phi công trình. Trước mắt, các địa phương phải nhanh chóng cập nhật, rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở, tiến hành cắm biển cảnh báo trước khi mưa bão đến, tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng sạt lở đất trước khi mưa bão ập đến…

Ông Nguyễn Đình Đức, Giám Đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương rà soát, lập các dự án để bố trí nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, di dời dân các vùng sạt lở đến nơi an toàn. 

“Trong năm 2021, tỉnh đã có đánh giá nhanh những vị trí có nguy cơ sạt lở. Trên cơ sở đó, tỉnh chỉ đạo các vùng có nguy cơ sạt lở, một số vùng như ở Phú Lộc, ở Nam Đông, ở Phong Điền, chỉ đạo các địa phương có phương án di dời các hộ dân ở gần khu vực đó ra khỏi khu vực có nguy cơ. Về phương án lâu dài, sau khi có đánh giá một cách chính thức có cơ sở, có khoa học về những vị trí sẽ bị sạt lở trong thời gian tới, sẽ có phương án di dời, sơ tán những hộ dân này ra khỏi vùng sạt lở"- ông Nguyễn Đình Đức cho biết./.

Theo vov.vn
Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Tràn lan rác thải ô nhiễm vùng ven đô Hà Nội

Nhiều vị trí đất trống ven đô Hà Nội được “tận dụng” làm bãi chứa rác thải không đúng quy định. Rác không được phân loại, bốc mùi hôi thối, bủa vây khu dân cư. Thậm chí, rác được đốt trực tiếp, tạo ra luồng khói ô nhiễm, ngột ngạt.
back to top