Thừa canxi cũng gây lùn

(khoahocdoisong.vn) - Trẻ có dấu hiệu chậm lớn, chiều cao không đạt hoặc chiều cao tăng trưởng chậm, dưới 5cm/năm đối với trẻ từ 3 tuổi trở lên, cha mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán, điều trị càng sớm càng tốt để trẻ đạt được chiều cao trung bình khi trưởng thành.

Tranh thủ 1.000 ngày đầu đời

Theo báo cáo của Viện Dinh dưỡng QG, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất trong các loại suy dinh dưỡng. PGS.TS Nguyễn Thị Lâm,  nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng QG cho biết, muốn tăng chiều cao cho trẻ, giai đoạn 1000 ngày đầu đời rất quan trọng, là giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ một cách nhanh nhất, sau giai đoạn này, chiều cao của trẻ tiếp tục tăng mạnh vào thời kỳ tiền dậy thì và dậy thì. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh, trẻ có thể tăng 25cm trong năm đầu tiên và 10cm mỗi năm trong 2 năm tiếp theo, nếu được bổ sung dinh dưỡng đúng và đủ. Đây là giai đoạn quyết định đến 60% khả năng tăng trưởng chiều cao của trẻ trong tương lai.

TS.BS Phan Bích Nga, Viện Dinh dưỡng QG cho biết, muốn trẻ sinh ra có chiều dài tối đa, người mẹ khi mang thai nên chú trọng chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi, sinh hoạt khoa học. Với những bà mẹ nghén nhiều, kém ăn, lên cân không đạt 12kg/9 tháng mang thai, cần được bổ sung sữa và các vitamin và khoáng chất cần thiết như vitamin B, C, canxi, sắt, kẽm, vitamin A (liều thấp dưới 5.000ui/ngày). Một số bà mẹ sau sinh do ăn uống kiêng khem nên dễ dẫn đến thiếu chất trong khi người mẹ cho con bú cần uống thêm sữa tối thiểu 400ml/ngày, ăn đủ chất, được ăn thịt các loại, trứng, tôm, cua, cá, rau quả…mẹ chỉ phải kiêng những loại gia vị chua cay, tỏi và những thực phẩm lên men có thể gây rối loạn tiêu hóa. Mẹ cần được ngủ đủ giấc để tinh thần thoải mái, sữa tiết nhiều hơn, đủ chất và lượng cho trẻ bú. Theo các chuyên gia, thời gian trẻ trong bào thai, nếu người mẹ ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng, tăng từ 10 – 25kg thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50cm trở lên. Dưới 1 tuổi, trẻ đạt tốc độ phát triển nhanh nhất so với các giai đoạn khác, cân nặng tăng gấp 3 còn chiều cao tăng gấp rưỡi so với lúc mới sinh. Từ 1 đến 2 tuổi, trẻ có nguy cơ suy dinh dưỡng cao nhất, nếu trẻ bị suy dinh dưỡng trong giai đoạn này sẽ bị ảnh hưởng đến thể lực, đặc biệt là chiều cao trong giai đoạn vị thành niên. Muốn trẻ không suy dinh dưỡng, cố gắng giữ không để trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa. Trẻ ít dùng kháng sinh ít ảnh hưởng đến sự phát triển của sụn xương.

Thừa canxi cũng gây lùn

Thừa canxi trẻ có thể lùn, điều này được lý giải là do hàm lượng canxi trong máu tăng cao, có thể đi vào xương nhiều hơn, làm cốt hóa các đầu xương sớm, dẫn đến hạn chế sự phát triển xương, ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình phát triển chiều cao. Theo TS.BS Phan Bích Nga, muốn bổ sung canxi đúng cách cần có sự tư vấn của các chuyên gia dinh dưỡng. Bổ sung canxi luôn cần sự kết hợp của vitamin D thì mới giúp canxi hấp thu được qua thành ruột để vào máu. Nếu không có vitamin D thì canxi chỉ hấp thu vào máu được khoảng 10%, 90% còn lại sẽ lắng đọng ở ruột, thận hoặc đào thải ra ngoài. Nhưng nếu chỉ có vitamin D thì canxi cũng chỉ hấp thu tối đa được khoảng 40%. Việc bổ sung vitamin D bao nhiêu là vừa cũng phải có sự thăm khám. Tại Trung tâm khám Viện Dinh dưỡng QG đã có nhiều cháu bé do bổ sung vitamin D liều cao (2.000-3.000.ui hàng ngày) dù trẻ không bị thiếu vitamin D và bổ sung canxi 500-1.000mg hàng ngày dù trẻ không thiếu canxi, hậu quả là trẻ bị ngộ độc vitamin D, canxi (nồng độ các chất này trong máu cao hơn bình thường), có các dấu hiệu nhiễm độc thần kinh, rối loạn tiêu hóa, lắng đọng sỏi thận… 

Tăng vận động tăng hormon tăng trưởng

Sụn xương là yếu tố hình thành chiều cao của trẻ. Để xương phát triển, việc tập thể dục, thể thao là điều cần thiết. Trẻ càng hoạt động càng giúp các kích thích tố làm việc tốt hơn, hoạt động nhiều giúp trẻ ngủ sâu giấc, hormon tăng trưởng phát triển. Đối với trẻ lớn, các môn thể thao tốt cho việc phát triển chiều cao như đu xà, bơi lội, bóng rổ, các bài tập kéo dài như rướn dài người tốt cho tăng trưởng chiều cao. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ ưa hoạt động, thúc đẩy quá trình trao đổi chất và chuyển hóa, giúp cơ thể phát triển tốt. Mỗi ngày duy trì tập từ 20-60 phút sẽ giúp trẻ tăng tiết dịch ổ khớp, tăng hormon tăng trưởng.

Theo Đời sống
back to top