Sáng 12/2, thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong quá trình phát triển luôn sinh ra các mâu thuẫn mới, chúng ta phải giải quyết mâu thuẫn mới thì mới tiếp tục phát triển được. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các luật là bình thường; yêu cầu đặt ra là làm sao quy định đơn giản, dễ hiểu và giải quyết được những vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Theo Thủ tướng, lần này, chúng ta đang tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng cán bộ công chức, viên chức. Đây là chủ trương lớn của Đảng. Trên thực tế chúng ta đã làm sắp xong, trong tháng 2 cố gắng xong tất cả các tổ chức để tháng 3 bắt đầu vận hành. Khi mới vận hành, có thể có thuận lợi, cũng có thể có vướng mắc, trục trặc, thì chúng ta tiếp tục điều chỉnh.
![]() |
Thủ tướng khẳng định, sửa các luật lần này hướng tới “đúng vai thuộc bài” - Ảnh: Như ý/ Báo Tiền Phong |
Sửa các luật lần này hướng tới “đúng vai thuộc bài”, phân biệt rõ cơ quan hành pháp, lập pháp, phân định càng rõ thì càng dễ đánh giá, dễ xác định trách nhiệm. Đồng thời, phân cấp theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân; bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, từ thực tiễn thấy cái gì vướng mắc phải sửa.
Thủ tướng cho rằng, dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) phân định rõ quy trình chính sách và quy trình soạn thảo là sự "đổi mới".
“Phân định như vậy để rõ trách nhiệm, song vẫn phải có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa cơ quan trình và cơ quan thẩm tra như hiện nay”, Thủ tướng nói.
Vấn đề thứ hai được Thủ tướng đề cập là xây dựng, ban hành chính sách như thế nào để đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh diễn biến cuộc sống rất nhanh.
Có những vấn đề cá biệt, đặc biệt, phải xử lý ngay, Chính phủ có thể họp trong 1 tiếng, ngay trong đêm để quyết định, nhưng ban hành văn bản ra mà không có tính pháp quy thì không ai dám làm. Trong khi đó, nghị định dù ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn vẫn phải mất nhiều thời gian, quy trình hơn trong lấy ý kiến.
Cũng theo Thủ tướng, những gì đã rõ, đã chín, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số ý kiến đồng tình thì chúng ta luật hóa, tiếp tục thực hiện. Còn những gì còn biến động, nhất là những vấn đề kinh tế thì trao quyền cho cơ quan hành pháp, trên cơ sở đó mới xử lý linh hoạt, kịp thời và báo cáo lại Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, quy định trong luật cần mang tính khung, tính nguyên tắc; nếu cần thì cho thí điểm, trên cơ sở thí điểm thì nghiên cứu đưa vào luật để dư địa cho cơ quan hành pháp thực hiện linh hoạt, hiệu quả, để không gian cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, người dân, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Thủ tướng cho rằng, chúng ta chấp nhận rủi ro, vừa khuyến khích và bảo vệ người đổi mới, sáng tạo, vừa phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; vừa đề cao trách nhiệm cá nhân, đồng thời không xử lý, truy tố những người không có động cơ cá nhân, vụ lợi.