Thủ tướng: Dập tắt đợt dịch này càng nhanh, càng tốt

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo TP.HCM và các tỉnh lân cận tập trung trao đổi về phương án đẩy lùi dịch bệnh và phục hồi sản xuất.

Chiều 26/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến với TP.HCM và các địa phương lân cận thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Cuộc họp nhằm mục đích đôn đốc, tìm giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế, đảm bảo đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Tham dự cuộc họp tại điểm cầu TP.HCM có Phó thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình, Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và các lãnh đạo của TP.HCM.

Điểm cầu Hà Nội có Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại điểm cầu 7 tỉnh có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.

F0 trong cộng đồng bắt đầu giảm

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết TP sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động, công nhân, doanh nghiệp... cũng sẽ được thực hiện. Phấn đấu đến cuối năm nay, 70% người dân thành phố được tiêm vaccine.

Dự kiến GRDP của thành phố sẽ tăng khoảng 5,2% trong 6 tháng đầu năm, cao hơn nhiều so với cùng kỳ (1,02%). Ngoài ra, thành phố đã xây dựng 4 kịch bản tăng trưởng cho cả năm, cao nhất là 6,05% và thấp nhất là 3,24%.

Thu tuong Pham Minh Chinh tham TP.HCM anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát công tác chống dịch tại TP.HCM vào sáng 26/6. Ảnh: Ngọc Tân.

Tại cuộc họp, lãnh đạo các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước đã khái quát về kết quả phòng chống dịch bệnh tại địa phương, nêu những khó khăn và phân tích nguyên nhân, đánh giá các nguy cơ của dịch bệnh.

Trên cơ sở đó, lãnh đạo các tỉnh đã đề xuất một loạt các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Lãnh đạo các bộ sau đó đã giải đáp các đề xuất, kiến nghị và khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ các địa phương trong phòng chống dịch bệnh.

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, về cơ bản tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát. Kinh nghiệm qua các đợt chống dịch vừa rồi cho thấy khi có dịch phải khoanh nhanh, khoanh gọn. Các địa phương cũng phải rất lưu ý nguy cơ lây nhiễm chéo trong khu cách ly tập trung.

Về cơ bản tình hình dịch trên cả nước đang được kiểm soát

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam

Về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu chỉ nghe báo cáo về số lượng ca nhiễm lớn thì có thể thấy tình hình thành phố nóng lên nhưng phân tích trên dữ liệu cho thấy chủ yếu các ca lây nhiễm là trong khu vực cách ly, còn xu hướng lây nhiễm bên ngoài cộng đồng bắt đầu giảm.

Phó thủ tướng cũng lưu ý bài học ở một số nước cho thấy dù đã tiêm vaccine cho 50-70% dân số nhưng dịch vẫn có thể bùng phát. Vì vậy, dù đã có vaccine phòng Covid-19, chúng ta vẫn phải coi như chưa có vaccine trong các biện pháp phòng chống dịch.

"Kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn"

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ TP.HCM và 7 tỉnh lân cận chiếm 20% dân số, 45% GDP, 40% thu ngân sách của cả nước. Đây là trung tâm giao dịch quốc tế lớn nhất. Đến nay, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại TP.HCM, tác động tới các tỉnh xung quanh.

Ngoài nguyên nhân khách quan là chủng virus mới mạnh hơn, lây lan nhanh hơn và khó kiểm soát hơn thì còn nguyên nhân chủ quan khiến Việt Nam có đa nguồn lây, đa ổ dịch, đa chuỗi lây nhiễm.

Đó là tâm lý lơ là, chủ quan, mất cảnh giác khi chưa có dịch và khi dịch đã đi qua; có những sơ hở trong quản lý cách ly và sau cách ly, nhập cảnh và cư trú trái phép, dẫn tới mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài vào Việt Nam.

Thu tuong Pham Minh Chinh tham TP.HCM anh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm công xưởng, nhà máy trên địa bàn TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Trong bối cảnh tiếp tục phải phòng chống dịch bệnh, việc phát triển kinh tế gặp nhiều trở ngại, đời sống người lao động, các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, buôn bán hàng rong, vỉa hè đang gặp rất nhiều khó khăn.

Một số doanh nghiệp bị đình đốn trong sản xuất kinh doanh và cung ứng vật tư, hàng hóa. Các khu công nghiệp, khu chế xuất, các chuỗi cung ứng dễ bị tác động, thậm chí đứt gãy nếu không có giải pháp hiệu quả. Trật tự, an toàn xã hội cũng bị ảnh hưởng nếu không có biện pháp phù hợp.

Các địa phương, đơn vị đã kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã bám sát tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt. Nhờ đó, chúng ta vẫn đang thực hiện được mục tiêu kép dù chưa ngăn chặn triệt để được dịch bệnh. Với hơn 10 triệu dân, hoạt động giao thương sôi động, TP.HCM không tránh khỏi lây lan dịch bệnh và khó kiểm soát hơn so với các tỉnh khác.

“Cái khó của TP.HCM như vậy, nên việc kiểm soát được tình hình như hiện nay là nỗ lực rất lớn”, Thủ tướng nhấn mạnh.

TP.HCM và 7 tỉnh đều đạt tăng trưởng GRDP trên 5% trong 6 tháng đầu năm (cao hơn cùng kỳ năm ngoái) và các nhiệm vụ, giải pháp được triển khai cơ bản phù hợp. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, vẫn còn có nơi, có lúc, có bộ phận lơ là, chủ quan, mất cảnh giác hoặc lo sợ, mất bình tĩnh, hoảng hốt, đưa giải pháp chưa thực sự phù hợp tình hình, nên hiệu quả chống dịch và sản xuản kinh doanh đều thấp, tác động tiêu cực tới việc thực hiện mục tiêu kép và đời sống nhân dân.

Điều đáng mừng là các địa phương, đơn vị đã kịp thời nhận ra bất cập, điều chỉnh phù hợp.

Nhiều bài học kinh nghiệm quý báu

Thủ tướng nêu rõ bài học kinh nghiệm thứ nhất được rút ra từ đợt dịch hiện nay là phải nắm chắc tình hình thực tế để lãnh đạo, chỉ đạo, đưa ra nhiệm vụ giải pháp khả thi, tổ chức thực hiện có hiệu quả, không máy móc, không hành chính đơn thuần trong phong tỏa, giãn cách xã hội và tổ chức sản xuất kinh doanh.

Bài học thứ hai là các cơ quan, đơn vị, địa phương phát huy tính tự lực, tự cường, tự chịu trách nhiệm trong phạm vi thẩm quyền, đối tượng, địa bàn quản lý; vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định chung để thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, nhuần nhuyễn giữa các lực lượng tuyến đầu dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng.

Thu tuong Pham Minh Chinh tham TP.HCM anh 3

TP.HCM rút ra nhiều bài học từ công tác tổ chức chống dịch. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thứ ba là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động có vai trò rất quan trọng để người dân tích cực tham gia phòng chống dịch và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Bài học thứ tư là không để tình trạng “chặt ngoài, lỏng trong”, tức là phong tỏa chặt bên ngoài nhưng để lây nhiễm trong khu vực cách ly, phong tỏa. Nhiều địa phương của TP.HCM như quận 9, Cần Giờ đã làm tốt…

Thủ tướng lưu ý về bài học quý về khoanh vùng ổ dịch theo "3 lớp” gồm kiểm soát nghiêm ngặt lớp lõi bên trong có ca F0 với khả năng lây nhiễm lớn; giãn cách, quản lý chặt chẽ ở lớp thứ 2 và thực hiện phòng ngừa mức độ cao ở lớp ngoài cùng.

Một bài học khác là kiểm soát chặt chẽ các cơ sở y tế, nhà thuốc, nơi cách ly và sau cách ly; kiểm soát, xử lý nghiêm việc nhập cảnh và cư trú trái phép theo đúng quy định.

Không chủ quan nhưng có thể lạc quan

Dự báo thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục diễn biến phức tạp hơn, có yếu tố khó lường, chưa kiểm soát hết, sản xuất kinh doanh có thể gặp khó khăn hơn do tác động từ các biện pháp phòng chống dịch, Thủ tướng yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu kép, TP.HCM và 7 tỉnh phải tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, dập tắt đợt dịch càng nhanh, càng sớm, càng hiệu quả càng tốt. Các địa phương căn cứ tình hình thực tế để đặt mục tiêu cho phù hợp, nhanh chóng ổn định tình hình, khắc phục hậu quả và đẩy mạnh sản xuất kinh doanh; bảo đảm ổn định chính trị, an ninh trật tự, an toàn xã hội; từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân, không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các điều kiện sinh hoạt tối thiểu.

Thu tuong Pham Minh Chinh tham TP.HCM anh 4

Thủ tướng yêu cầu TP.HCM và 7 tỉnh phải tập trung dập tắt đợt dịch càng nhanh, càng tốt. Ảnh: Việt Linh.

Về nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng nêu rõ trước hết phải thống nhất nhận thức rằng việc thực hiện mục tiêu kép là rất khó khăn nhưng không thể không làm, không có lựa chọn nào tốt hơn. Chống dịch được để thúc đẩy sản xuất kinh doanh được, sản xuất kinh doanh được mới có nguồn lực để chống dịch tốt hơn.

Chống dịch là công việc thường xuyên, lâu dài, không phải ngày một, ngày hai. Càng khó khăn, thách thức, càng phải coi đây là động lực, là cơ hội để phấn đấu, vươn lên, khẳng định, trưởng thành và phát triển. Phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần 4 tại chỗ, tinh thần đoàn kết trong nội bộ, trong cộng đồng, trong xã hội và nhân dân.

Thủ tướng yêu cầu, các địa phương phải chủ động, linh hoạt áp dụng các giải pháp để thực hiện cho được mục tiêu kép, kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chống dịch và phát triển kinh tế. Tùy tình hình trong từng thời điểm, từng nơi để dành ưu tiên, tập trung cho nhiệm vụ phát triển kinh tế hoặc nhiệm vụ chống dịch, có những nơi phải thực hiện đồng bộ, đồng thời các giải pháp cho cả hai nhiệm vụ này. TP.HCM vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch, nhất là những nơi dịch bùng phát, những nơi tâm dịch, nhưng những nơi tình hình đã ổn định thì ưu tiên phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

TP.HCM vào thời điểm này phải ưu tiên cho việc chống dịch

Thủ tướng Phạm Minh Chính

Xác định lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, hệ thống chính trị ở cơ sở là nền tảng phòng chống dịch và thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong tình hình hiện nay. Quán triệt, thực hiện nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia... linh hoạt, sáng tạo, bám sát tình hình để đưa ra giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả.

Cả hệ thống chính trị cần nỗ lực lớn hơn, quyết tâm cao hơn, hiệu quả hơn nữa với tinh thần mạnh mẽ, quyết liệt. Có những nhiệm vụ phải thần tốc hơn như lấy mẫu xét nghiệm, khoanh vùng cách ly.

Xây dựng các kịch bản về chống dịch, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với tình hình, cùng các giải pháp phù hợp với từng kịch bản để các cấp ủy lãnh đạo, các cấp chính quyền triển khai thực hiện, tránh bị động, lúng túng. Lấy phòng ngừa là thường xuyên, liên tục, cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định; khi có dịch thì phải tấn công chủ động, quyết liệt, đột phá, hiệu quả.

Xét nghiệm cần nhanh hơn, thần tốc hơn

Thủ tướng lưu ý TP.HCM phải phân tích kỹ hơn, xác định rõ nguồn lây nhiễm trong khu cách ly, trong cộng đồng để đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài các ca bệnh trong khu cách ly, cần lưu ý còn một số ca mắc không rõ nguồn lây, vì thế phải xét nghiệm diện rộng hơn để truy vết.

Việc xét nghiệm cũng cần nhanh hơn, thần tốc hơn trong vùng có dịch, khu cách ly, khu phong tỏa. Thực hiện xét nghiệm diện rộng, xét nghiệm xác suất tại những nơi nghi ngờ, có nguy cơ cao. Mạnh dạn nhưng thận trọng khi thí điểm tự xét nghiệm vì liên quan tới sức khỏe, tính mạng con người, phải tuân thủ quy định, quy trình rất nghiêm ngặt.

Về giãn cách, phong tỏa, cách ly, các địa phương cần thực hiện linh hoạt theo tình hình dịch tễ, có sự phối hợp liên vùng trong cung cấp thông tin, truy vết. Khi chưa rõ thông tin, căn cứ cụ thể thì có thể giãn cách diện rộng nhưng phải nhanh chóng điều tra, truy vết để thu hẹp phạm vi phong tỏa, cách ly gọn nhất có thể, kiểm soát chặt chẽ bên trong.

Nhắc đến việc nguồn cung vaccine sẽ khan hiếm trên phạm vi toàn cầu từ nay đến tháng 9, Thủ tướng cho biết chúng ta khuyến khích việc tiếp cận mọi nguồn vaccine nhưng tránh cạnh tranh giữa nhà nước và tư nhân. Bộ Y tế là đầu mối quản lý Nhà nước về chất lượng, cấp phép và điều phối, kiểm soát tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước nhanh nhất, nhiều nhất có thể, các đơn vị nghiên cứu, sản xuất phải tuân thủ chặt chẽ các quy định, quy trình, với sự hỗ trợ của chuyên gia WHO.

Thu tuong Pham Minh Chinh tham TP.HCM anh 5

Người làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp ở TP.HCM được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: Duy Hiệu.

Hoan nghênh TP.HCM có kế hoạch triển khai rất nhanh chiến dịch tiêm chủng và đã thực hiện cơ bản tốt, Thủ tướng lưu ý thành phố phải bảo đảm an toàn, hiệu quả, đồng thời cần rút kinh nghiệm ngay một số bất cập. Bộ Y tế phối hợp với UBND TP.HCM để rút kinh nghiệm cho cả nước trong thời gian tới.

Về an sinh xã hội, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết để thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về một số chính sách với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ngoài quy định chung, các địa phương căn cứ vào điều kiện cụ thể, vận dụng sáng tạo để bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, nhất là các vướng mắc, khó khăn mới phát sinh khi có dịch. Dịch bệnh bùng phát là cơ hội để tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng của mỗi địa phương. Đây cũng là cơ hội chuyển đổi số để phòng chống dịch và đẩy mạnh cải cách hành chính, phục vụ người dân tốt hơn.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đánh giá các kiến nghị đều xác đáng, có cơ sở thực tiễn. Chính phủ và các bộ ngành sẽ khẩn trương giải quyết theo quy định, nếu vượt quá thẩm quyền sẽ trình cơ quan liên quan xem xét, quyết định.

Ngoài ra, Thủ tướng lưu ý TP.HCM và các địa phương tổ chức tốt kỳ thi THPT quốc gia an toàn, hiệu quả, đúng quy định, giảm phiền hà cho thí sinh và người dân.

 

v

Theo zingnews.vn
back to top