Thu phí rác theo khối lượng: Bộ TN&MT căn cứ vào đâu?

(khoahocdoisong.vn) - PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc thu phí rác theo khối lượng là do ông và các nhà khoa học tham vấn cho Bộ trưởng Trần Hồng Hà trên cơ sở kinh nghiệm quốc tế.

Người xả nhiều rác cũng nộp như người xả ít là bất công

Thông tin về việc dự kiến quy định thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng khiến dư luận “nổi sóng”, đặc biệt là việc cân rác. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Theo tôi, thải rác càng nhiều thì sẽ phải nộp phí càng nhiều, xét về mặt xã hội đó là sự công bằng. Chứ thu đồng đều như hiện nay, là rất bất công. Người xả nhiều rác cũng nộp giống như người xả ít rác là không đúng. Người dân phản đối là do chưa hiểu đúng, trong đó có việc cho rằng thu theo khối lượng là chỉ cân rác.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường.

Vậy hiểu đúng sẽ là như thế nào, thưa ông?

Thu theo khối lượng xả ra là có thể thu theo cân, theo túi hoặc theo thùng, tùy theo cách thu nào hợp lý nhất, phù hợp với từng địa phương. Ví dụ ở Hàn Quốc họ thu theo cân điện tử. Nhật Bản và một số nước khác thu qua túi, nộp phí qua mua túi. Có nơi lại thu theo thùng rác.

Nhưng tóm lại, là sẽ không thu đồng đều, mà trên nguyên tắc xả càng nhiều rác thì phải nộp phí càng nhiều. Và cân chỉ là một hình thức của việc thu theo khối lượng. Tuy nhiên, theo tôi, cân là hình thức dễ thực hiện nhất.

Nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của việc làm này. Đánh giá của ông thế nào?

Theo tôi là khả thi. Nhưng hiện tại, phải thực hiện phân loại tại nguồn. Khi phân loại rác tại nguồn, có những loại người dân sẽ đem bán luôn, có những loại sẽ tiêu thụ ngay tại gia đình, như ở nông thôn, một số rác thải sẽ được sử dụng làm phân bón... Sau đó, còn thừa những thứ không xử lý được thì mới đem đi cân, đựng vào túi hoặc dùng thùng rác.

Chúng ta cũng đã từng triển khai việc thu rác tại nguồn nhưng nhiều nơi thất bại. Vậy liệu việc này có thể thực hiện được không, thưa ông?

Thất bại là do ở những nơi đó không biết cách quản lý. Muốn đạt được thành công, theo tôi, trước khi phân loại phải nhìn thấy đầu ra của phân loại là gì, về đâu, ai tiêu dùng, rồi sau đó mới đặt vấn đề phân loại. Phải nghĩ tới nhu cầu thị trường, và lấy động lực kinh tế làm quan trọng.

Ví dụ, một nhà máy được đầu tư không chỉ đốt được rác, mà còn sản xuất ra phân compost để bán cho các nơi trồng cà phê, cao su, phát điện… Như hiện nay, ở Hà Tĩnh không có phân để bán, lo không có đủ rác mà đốt.

Bất cứ một nước nào, khi thực hiện trước hết cũng phải tiến hành phân rác tại nguồn. Đây là gốc của vấn đề. Tới đây, Việt Nam cũng sẽ bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn, không có cách nào khác.

Tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 16/6, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, người dân sẽ hưởng lợi khi phân loại rác. Cụ thể, do chất thải không phải hoàn toàn là chất thải mà là tài nguyên, 40% chất thải là tài nguyên sẽ được thu gom, tái chế, tái sử dụng. Việc xử lý này người dân tham gia trực tiếp sẽ có lợi về vấn đề bảo đảm môi trường và sẽ có lợi về mặt kinh tế, bởi thu được tài nguyên từ chất thải tái chế, tái sử dụng.

Chính phủ sẽ hết sức thận trọng, tức là sẽ có lộ trình bài bản và đồng thời có nhiều phương thức trên kinh nghiệm quốc tế để tính toán, định lượng và lộ trình để hỗ trợ kịp thời cho những người dân yếu thế, khó khăn.

Cái gì lợi cho dân thì phải làm

Hiện nay, việc vứt rác bừa bãi đã khá nan giải. Thu phí rác theo khối lượng lo ngại có thể làm gia tăng việc này do vứt trộm. Làm thế nào để quản lý được tình trạng này?

Cần phải có cơ chế hành chính, các nước cũng như vậy. Hiện nay, mình đã có đủ điều kiện để thực hiện, ví dụ như cơ chế camera, cơ chế phạt, tức là cùng một lúc áp dụng nhiều công cụ. Trong đó, kinh tế chỉ là một công cụ.

Nhưng quan trọng vẫn là nhận thức của người dân, thưa ông?

Đúng vậy. Đầu tiên là nhận thức, văn hóa của người dân. Truyền thông cần phải giải thích để người dân hiểu, ai xả nhiều rác thì phải nộp nhiều tiền là sự công bằng, và có nhiều hình thức thu phí, chứ không phải chỉ cân rác.

Thực tế hiện nay, muốn xử lý 1 tấn rác thì cũng phải nộp phí từ 300.000 - 400.000đ. Như vậy, ngay cơ sở xử lý rác đã phải nộp theo khối lượng rồi. Cớ gì thu rác lại thu theo bình quân đầu người? Như vậy là quá sai, rất bất công.

Đi cùng với đó, là đánh vào túi tiền. Ví dụ, ở Nhật Bản để đựng rác sẽ có túi xanh, túi đỏ, và giá mua loại túi này cao. Sử dụng càng nhiều túi thì phải nộp càng nhiều tiền, thu phí qua mua túi. Khi xót tiền thì sẽ phải hạn chế xả rác. Hoặc người dân có ý thức phân loại rác, loại nào có thể bán được thì thu lại để giảm khối lượng rác phải nộp phí.

Theo ông phân tích thì để triển khai được cần rất nhiều yếu tố, vậy ngay lập tức áp dụng có phù hợp?

Đương nhiên, phải có lộ trình, có thí điểm, không thể làm ngay được. Hàn Quốc mất 10 năm mới làm được, nhưng Việt Nam chỉ 4 năm là xong. Mình sẽ học tập kinh nghiệm, cái tốt của họ để vận dụng vào nước mình.

Người dân phản đối cũng giống như lúc đầu người ta phản đối mũ bảo hiểm vậy, bây giờ có phản đối nữa đâu? Cái gì có lợi cho dân và đúng thì phải làm thôi.

Việc thu phí rác theo khối lượng là do tôi và các nhà khoa học đề xuất theo nguyên tắc thế giới. Bộ trưởng đã có sự tham vấn rất kỹ từ kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của các nhà khoa học, kinh nghiệm thực tiễn chứ không phải tự Bộ trưởng đặt ra. Đừng đổ tội cho Bộ trưởng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Đời sống
back to top