Thu hút FDI: "Sóng" sang nước khác, lợi thế trong nước "chạy" đâu?

(khoahocdoisong.vn) - Chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu đứt gãy do dịch Covid-19 là nguyên nhân trực tiếp khiến các tập đoàn đa quốc gia phải thay đổi chuỗi cung ứng. Làn sóng dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên thế giới đang diễn ra. Tuy nhiên, Việt Nam có cơ hội đón làn sóng FDI này hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào những đột phá về chính sách và hạ tầng.


Cơ hội tăng, thu hút giảm

Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng kế hoạch dịch chuyển, xắp xếp lại các doanh nghiệp (DN) FDI sau cú sốc lớn do Covid-19 gây ra. Đối với nhà đầu tư nước ngoài, bài toán lợi ích và lợi nhuận (trước mắt và dài hạn) luôn là ưu tiên hàng đầu, một cuộc di dời chỉ xảy ra khi có những lợi thế so sánh vượt trội.

Đón dòng FDI dịch chuyển này, nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang tìm cách thu hút nhiều nhất các nhà đầu tư. Ấn Độ, quốc gia có quy mô kinh tế lớn đang có tham vọng thu hút các công ty lớn trong quá trình dịch chuyển FDI. Trong khu vực ASEAN, không chỉ có Việt Nam, nhiều quốc gia như Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar, đặc biệt là Indonesia với lợi thế dân số gấp 3 lần Việt Nam, GDP trên 1.000 tỷ USD, hiện thu hút FDI cao hơn Việt Nam... cũng đang tung ra nhiều chính sách ưu đãi.

Mặc dù đứng thứ ba ASEAN trong thu hút FDI, nhưng Việt Nam vẫn còn những hạn chế nội tại không nhỏ. Năng lực của DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa còn yếu; sự liên kết giữa các DN FDI và DN trong nước còn lỏng lẻo và thiếu hiệu quả; chất lượng nguồn nhân lực tuy đã được cải thiện nhưng vẫn nằm trong top dưới trong khu vực ASEAN, khó khăn khi tiếp nhận các dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Hệ thống logistics còn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển và giá thành khá cao so với khu vực... Môi trường pháp lý đã được cải thiện, song việc thực thi còn nhiều bất cập... Tình trạng “trên rải thảm dưới rải đinh” còn gây quan ngại cho các nhà đầu tư.

Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến FDI của Việt Nam những tháng đầu năm có thời điểm thấp kỷ lục. Tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam chỉ đạt 19,54 tỷ USD, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Sau những tháng đầu năm 2020 chững giảm, gần đây dòng vốn FDI đã khởi sắc. Việt Nam đang nỗ lực tìm kiếm các giải pháp để đột phá trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Tại Việt Nam, Hàn Quốc đang dẫn đầu về tổng vốn FDI, theo sau là Hồng Kông, Trung Quốc, Singapore và Nhật Bản. FDI tại Việt Nam đăng ký mới sụt giảm, trong khi giải ngân thực hiện gia tăng, chủ yếu nhờ vào dư âm của dòng vốn đăng ký các năm trước nay đến giai đoạn thực hiện. Việt Nam vẫn đang thực hiện các hình thức ưu đãi phổ biến để thu hút FDI, như miễn thuế đối với một số loại thu nhập; ưu đãi suất thuế; ưu đãi về thời gian miễn giảm thuế; chuyển lỗ; khấu hao nhanh... Tuy nhiên, quy mô vốn FDI đang giảm mạnh, đặt ra thách thức cho Việt Nam trong cách thức thu hút dòng vốn đầu tư. 

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (ĐTNN), Bộ KH&ĐT, các quốc gia trên thế giới áp dụng nhiều chính sách mạnh để giữ chân và lôi kéo các nhà ĐTNN về nước mình. Do đó, Việt Nam cần có các giải pháp đột phá, các cách làm mới thì mới có thể cạnh tranh thu hút FDI. Các giải pháp cần phải thực hiện một cách nhanh chóng, kịp thời và đồng bộ thì mới tận dụng được cơ hội.

Làm gì để không bỏ lỡ cơ hội

Theo các chuyên gia Việt Nam cần phát huy những ưu thế, nhưng cần hơn nhiều nỗ lực cải cách để trở thành điểm đến hấp dẫn của FDI. Ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, điểm nổi trội khác biệt nhất của Việt Nam so với các nước khác để có thể cạnh tranh trong thu hút đầu tư đó là Việt Nam ký rất nhiều hiệp định thương mại tự do. Với các FTA đã ký kết, Việt Nam hợp tác với các đối tác đều là những thị trường chủ yếu trên thế giới. Đây là một ưu thế cần tận dụng triệt để.

Ông Cung cho rằng, các nhà đầu tư muốn chính sách, luật pháp của Việt Nam phải ổn định. Trong văn bản phải cụ thể, khi thực thi phải dự đoán được. Không có tiền "gầm bàn", không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu là cực kỳ quan trọng, bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp. Đây là điều đầu tiên chúng ta phải khắc phục.

Chuyên gia tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng cho rằng phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, mới có thể đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng. Việc thu hút vốn FDI trong giai đoạn hiện nay cần phải có hành động và cách làm đột phá, nếu vẫn làm theo cách cũ sẽ bỏ lỡ cơ hội.

Theo ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, muốn tránh tụt hậu về thu hút đầu tư nước ngoài, có 2 vấn đề: Thứ nhất là thay đổi chính sách và thể chế. Thứ hai là khắc phục điểm yếu phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cung cấp nguyên vật liệu và bán thành phẩm. Nếu giải quyết được hai vấn  đề này thì có thể chớp được thời cơ thu hút FDI.

Ông Đỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định, để thu hút FDI, cần sự hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đến từ các yếu tố nội tại của nền kinh tế và các tác động của yếu tố bên ngoài. Các yếu tố bên trong lợi thế gồm: Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, thị trường rộng lớn, chi phí cạnh tranh, chính sách ưu đãi hấp dẫn, nền kinh tế đang hội nhập ngày càng sâu rộng và vị trí địa lý thuận lợi. Sự thành công trong việc kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam cũng là một yếu tố tạo sự tin tưởng cho nhà đầu tư nước ngoài, tăng thêm uy tín cho Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn và an toàn.

Để thu hút đầu tư, các chính sách ưu đãi mới chỉ là điều kiện cần. Thực tế đã cho thấy, những nhà đầu tư lớn, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, luôn tìm kiếm nguồn nhân lực có kỹ năng nghề nghiệp. Đây lại được xem là điểm còn hạn chế của Việt Nam, cần nhanh chóng khắc phục. Đã qua cái thời thu hút đầu tư bằng sử dụng lao động chi phí thấp. Vấn đề lao động chất lượng cao không chỉ cần đối với đầu tư nước ngoài mà ngay cả đối với trong nước. Trước mắt, khắc phục bằng cách thiết kế những gói đào tạo cho từng dự án theo yêu cầu của nhà đầu tư. Có như vậy mới khắc phục được phần nào hạn chế này.

Theo Đời sống
back to top