Thống đốc NHNN lý giải nguyên nhân vàng SJC chênh 16-17 triệu đồng/lượng

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đặt câu hỏi cho Thống đốc Ngân hàng: "Việc độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia - SJC là nguyên nhân dẫn đến giá loại vàng miếng này tăng cao như hiện nay"?

Thời gian qua, thị trường vàng trong nước diễn biến bất thường và bất hợp lý, điều này đã ảnh hưởng tới các nhà đầu tư và người dân. "Việc này gây tâm lý lo lắng, bất an cho người dân, làm giảm niềm tin vào giá trị của đồng tiền Việt Nam và gia tăng lạm phát", đại biểu Thuỷ nói.

Trả lời về vẫn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng cho biết, thị trường vàng thế giới trong thời gian qua do bị tác động bởi nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay là căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga... Điển hình như có thời điểm giá vàng tăng lên đến 2.000 USD/ounce, rồi lại giảm về quanh mức 1.700-1.800 USD/ounce.

ba-nguyen-thi-hong.jpeg
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng

Còn giá vàng trong nước có cùng xu hướng với giá thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng nhanh hơn, nhưng tốc độ giảm lại chậm hơn giá thế giới.

Đáng chú ý, có hiện tượng giá vàng của các nhãn thương hiệu khác ngoài SJC, tức là vàng nguyên liệu, chênh lệch so với quốc tế khoảng 2 triệu đồng một lượng. Nhưng giá vàng SJC chênh lệch ở mức lớn, khoảng 16-17 triệu trên một lượng.

Bà Hồng lý giải, do thực hiện chủ trương chống vàng hóa nên từ năm 2014, NHNN không nhập vàng về để sản xuất vàng miếng. Việc này khiến nguồn cung vàng trong nước giảm. Chưa kể, với biến động của giá vàng thế giới, bản thân các doanh nghiệp kinh doanh vàng miếng cũng lo ngại về rủi ro, nên thường niêm yết giá rất cao.

Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết, tuy nhiên, theo số liệu cập nhật được thì người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều.

"Tổng hợp số liệu của các tổ chức kinh doanh vàng, chúng tôi thấy người dân cũng không có nhu cầu mua vàng miếng nhiều trong thời gian qua mà thực tế là bán ròng. Có nghĩa khi giá càng cao, nhiều người dân mang đi bán để lấy VND", Thống đốc cho hay.

Do đó, Ngân hàng Nhà nước chưa nhập khẩu để can thiệp thị trường vàng. "Nhập khẩu vàng sẽ phải dùng tới dự trữ ngoại hối nhưng Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng phương án can thiệp trong trường hợp cần thiết".

Ngoài ra, đối với vấn đề độc quyền thương hiệu vàng miếng quốc gia - SJC, bà Hồng lý giải. TheoNghị định 24/2012 về chống vàng hoá ra đời, Ngân hàng Nhà nước được độc quyền sản xuất vàng miếng và khi đánh giá tình hình nên sản xuất một thương hiệu vàng miếng riêng, mới hay chọn loại vàng của thương hiệu đã có sẵn trên thị trường.

"Nếu chọn làm một thương hiệu vàng quốc gia mới thì xã hội có thể mất nhiều chi phí. Sau khi cân nhắc các mặt lợi ích, chi phí, Ngân hàng Nhà nước chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia, loại chiếm hơn 90% thị phần ở thời điểm đó", Thống đốc giải thích.

Từ năm 2014 đến nay giá vàng biến động khó lường, nên doanh nghiệp để giá cao do lo sợ rủi ro. "SJC mua cao thì bán cao, nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn mua thương hiệu khác thì mua thấp, bán thấp".

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng việc ra Nghị định 24 đã mất nhiều công sức để có được sự ổn định thị trường, giờ cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng thì cần đánh giá kỹ lưỡng. Do đó, nếu sửa Nghị định 24, sẽ xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top