Thời tiết bất thường dồn dập đầu năm có đáng lo?

Mới đầu năm nhưng chúng ta đã thấy có nhiều hiện tượng thời tiết bất thường thuộc loại ít, hiếm gặp xuất hiện. Đó là bão trong tháng Giêng và dù đang trong tháng chính đông, nhưng suốt một tuần liền đầu năm mới không hề có đợt không khí lạnh nào. Điều này làm nhiều người lo ngại về một năm 2018 đầy bất thường về thời tiết.

Mới đầu năm đã dồn dập các hiện tượng thời tiết bất thường.

Muộn và hiếm

Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, ngay những ngày đầu năm 2018, chúng ta đã đón tới hai hiện tượng được coi là ít gặp.

Đầu tiên là sự xuất hiện của bão số 1. Trường hợp bão số 1 vào tháng Giêng thực ra không phải là lần đầu xuất hiện, nhưng cũng không phải là hiện tượng xuất hiện thường xuyên. Theo thống kê, trong 73 năm (1945 – 2018), trung bình cứ 2 năm mới có 1 cơn vào tháng Giêng ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương; và trên biển Đông như cơn số 1 này thì còn hiếm hơn, khoảng 10 năm mới có 1 cơn. Lần gần đây nhất bão xuất hiện trên biển Đông vào tháng Giêng là năm 2010.

Trường hợp đặc biệt thứ hai, cũng ít gặp, là hầu như không có đợt không khí lạnh trong suốt 7 ngày đầu của năm mới. Thông thường, vào tháng Giêng (tháng chính đông) cứ khoảng 4 – 5 ngày lại xuất hiện một đợt không khí lạnh tràn xuống hoặc tăng cường thêm. Tuy nhiên, suốt cả tuần đầu tiên của năm 2018, không khí lạnh không xuất hiện.

Thông thường khi không khí lạnh xuất hiện, thời tiết sẽ thay đổi, mưa phùn, ẩm ướt sẽ nhường chỗ cho khô ráo. Song, do suốt cả tuần đầu của năm 2018 không có đợt không khí lạnh nào xuất hiện, chủ yếu chỉ là không khí lạnh lệch đông (tức là đến Đông Nam Trung quốc), thay đổi tính chất lạnh khô, thành lạnh ẩm, khiến cho kiểu thời tiết mưa phùn nhỏ, độ ẩm không khí cao kéo dài liên tiếp suốt tuần.

Phải đến tận ngày 8/1, không khí lạnh mới xuất hiện. Và đây là một đợt rét mạnh gây ra rét hại ở vùng núi phía Bắc và rét đậm ở đồng bằng Trung du Bắc bộ và Bắc Trung bộ.

Theo ông Lê Thanh Hải, hai hiện tượng này không phải là quá bất thường hay chưa từng gặp, tuy nhiên nó cũng cho thấy năm 2018 này chúng ta cần phải cảnh giác cao. Nhìn chung trong thời gian tới, do ảnh hưởng của La Nina, dù là La Nina yếu, chúng ta cần phải chuẩn bị để đương đầu với rét đậm, rét hại, thậm chí là rét đậm, rét hại kéo dài ngày ở phía Bắc và có thể sẽ có nhiều mưa dông trái mùa ở phía Nam.

Chú ý thực phẩm khô

Theo chuyên gia ẩm thực Trần Văn Đông, chuỗi nhà hàng Vinh Việt, Bắc Từ Liêm, Hà Nội, thời tiết ẩm ướt chính là khắc tinh của các loại thực phẩm khô như lạc, vừng, đỗ, măng khô, thậm chí là các loại thịt bò khô, thịt lợn khô… Bản chất của đồ khô là khả năng hút ẩm rất nhanh, vì thế, trong giai đoạn này cần hết sức lưu ý bảo quản đồ khô. Ví dụ, với vừng, lạc, chè… sử dụng đến đâu mua đến đó, dùng không hết phải buộc thật chặt trong vài lớp túi nilon để tránh nhiễm ẩm, tốt nhất nên cho vào chai/hộp/lọ đậy thật chặt lại.

Ẩm ướt kéo dài

Ông Lê Thanh Hải cho biết thêm, sau khi không khí lạnh tràn về, thời tiết ẩm ướt, khó chịu như tuần đầu tiên của năm 2018 sẽ được cải thiện. Tuy nhiên, tình trạng khô ráo sẽ không kéo dài.

Thời gian tới, nhìn chung chúng ta sẽ chìm trong kiểu thời tiết mưa lạnh ẩm. Thông thường mùa đông sẽ chia làm hai giai đoạn, giai đoạn đầu mùa đông là trời rét khô, còn giai đoạn sau kéo dài đến hết sang đến mùa xuân là tình trạng rét ẩm.

Mỗi loại rét ẩm, rét khô có những ưu nhược điểm khác nhau. Rét khô trời khô ráo khiến chúng ta có cảm giác lạnh nhưng không khó chịu, tuy nhiên, do hanh khô, bụi nhiều nên chất lượng không khí vào giai đoạn đó thường rất kém.

Với rét ẩm, chất lượng không khí được cải thiện hơn, tuy nhiên, rét, mưa phùn đặc biệt là kèm theo độ ẩm cao trong không khí khiến người dân luôn cảm thấy khó chịu, ngột ngạt. Ngoài ra, mưa phùn kèm độ ẩm không khí cao còn tạo điều kiện cho vi khuẩn, nấm mốc phát triển. Các loại dịch bệnh như sởi, cúm, các bệnh về hô hấp.. rất dễ gia tăng vào giai đoạn này. Nguy cơ bùng phát các dịch bệnh như cúm, sởi… rất dễ xảy ra.

Huy Khánh

Theo Đời sống
back to top