Thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây: Gây khó doanh nghiệp và báo chí

(khoahocdoisong.vn) - Nghị định 38 của Chính phủ ban hành về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6. Tuy nhiên, nghị định vẫn đang gây nhiều tranh cãi bởi những bất cập, gây khó cho doanh nghiệp và các cơ quan báo chí.
Quảng cáo trên báo điện tử. (Ảnh minh họa)

Quảng cáo trên báo điện tử. (Ảnh minh họa)

Nghị định triệt tiêu cạnh tranh

Ông Nguyễn Trường Sơn, Tổng Thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam vừa qua đã có công văn đến Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh bất cập của Nghị định 38 về "Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo". Theo ông Sơn, điểm b, khoản 2, điều 38 của nghị định 38, quy định phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng, nếu thời gian chờ tắt hoặc mở quảng cáo trên báo điện tử và trang thông tin điện tử "không ở vùng cố định quá 1,5 giây". Có nghĩa thời lượng quảng cáo tối đa 1,5 giây, sau đó người dùng có thể bấm nút bỏ qua. Đây là quy định "thiếu thực tế, quá ngắn để có thể truyền tải thông điệp". Trong khi đó, các công ty công nghệ lớn như Google (với nền tảng Youtube) ngày càng có xu hướng nới lỏng thời gian chờ này tới 5 giây còn Facebook, game và các nền tảng OTT khác thậm chí còn không giới hạn.

Theo thông lệ quốc tế, với các nền báo chí miễn phí tương tự Việt Nam, quảng cáo được phép xen kẽ với nội dung tin, bài và tùy biến dựa trên đối tượng đọc báo. Người đọc có quyền nhấp chuột xem hay bỏ qua nội dung quảng cáo. Tuy nhiên, điểm c, khoản 2, điều 38 nghị định 38 lại quy định xử phạt từ 10 - 15 triệu đồng nếu "thiết kế, bố trí phần quảng cáo lẫn vào phần nội dung tin bài". Rõ ràng, quy định này thiếu công bằng trong việc đảm bảo quyền của cá nhân/tổ chức mua dịch vụ quảng cáo, cũng như doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ quảng cáo. Các công cụ tiếp cận khách hàng thông qua sản phẩm truyền thông chính thống sẽ bị thu hẹp, gây nhiều trở ngại, khó khăn cho ngành quảng cáo. Các cơ quan quản lý đang can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật.

Đó là cơ chế tạo nên sự cạnh tranh thiếu công bằng cho báo và trang tin trong nước so với các nhà sản xuất nội dung khác.

Mạng xã hội đang chiếm thị phần lớn trong quảng cáo.

Mạng xã hội đang chiếm thị phần lớn trong quảng cáo.

Quyết định sự tồn tại hay lụi tàn của báo chí

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Tập đoàn truyền thông Lê (Le Bros) nhìn nhận, Nghị định 38 không sai vì đưa ra các chế tài để thực thi Luật Quảng cáo. Vấn đề là Luật Quảng cáo đã quá lạc hậu. Trong 3 chủ thể là bạn đọc - cơ quan báo chí - doanh nghiệp trả tiền quảng cáo, luật và nghị định chỉ đang bảo vệ cho quyền lợi một chủ thể là người đọc. 

Theo ông Vinh, nếu báo chí không có nguồn thu từ quảng cáo, không sống được thì cũng không đủ nguồn lực để thực hiện sứ mệnh người cung cấp thông tin chính thống cho bạn đọc, thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao. Tuyệt đại đa số cơ quan báo chí hiện nay tự chủ 100% tài chính. Báo chí đang bị áp một luật chơi khắt khe, dẫn đến triệt tiêu sức cạnh tranh, nhất là khi ở Việt Nam, độc giả vẫn đọc báo miễn phí như hiện nay. Các quy định về quảng cáo sẽ quyết định sự lớn mạnh, tồn tại hay lụi tàn của cơ quan báo chí.

Đại diện DN quảng cáo, bà Trịnh Thu Hường, Giám đốc Công ty Times Media cho biết, trong định hướng truyền thông quảng cáo, DN thường phải dựa vào đối tượng khách hàng tiếp cận để chọn nền tảng phù hợp. Các báo chính thống kiểm duyệt thông tin kỹ, sản phẩm muốn quảng cáo phải đảm bảo thông tin đúng về nội dung và chất lượng nên sẽ tạo được mức độ tin cậy cao đối với người đọc hơn là quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Xu hướng bây giờ người ta thích nghe, nhìn hơn. Vì thế, DN không muốn “chạy” nguyên bài PR tẻ nhạt mà thường lồng ghép thêm sản phẩm, thương hiệu vào các bài nội dung. Nghị định 38 có hiệu lực “chặn” nốt cả xu hướng này thì nhu cầu hợp tác của các DN với báo chí sẽ giảm hẳn.

Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, đại diện Hiệp hội Marketing, Nhà nước nên trao quyền cho người xem vì họ là người có quyền quyết định tắt quảng cáo hay rời bỏ nội dung, hoặc phản ứng tiêu cực với doanh nghiệp quảng cáo. Xét cho cùng, báo chí là doanh nghiệp tự chủ về mặt tài chính. Báo chí sản xuất, sáng tạo nội dung và cần nguồn thu quảng cáo để duy trì, phát triển. Cơ quan quản lý không nên can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật.

Sau nhiều kiến nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy khẳng định, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiến nghị, đề xuất Chính phủ sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo và sửa đổi các nội dung về hoạt động quảng cáo trên báo chí trong Nghị định 38.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top