Thời kỳ độc tôn qua rồi

Trước đây, không có gì khác ngoài sách. Nhưng giờ đây mạng xã hội, máy tính kết nối toàn cầu… đã tạo nên sự thay đổi khủng khiếp. Vì vậy đừng bắt trẻ con phải đọc như chúng ta.

GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học

Dân tộc ta bằng bản lĩnh và khí phách của mình phải vượt lên, để có một trạng thái đọc lành mạnh. Nhưng cái đọc này không giống với cái đọc trước đây, mà thay đổi. Trẻ con bây giờ đừng bắt đọc giống như chúng ta, chúng có thể đọc trên màn hình, trên điện thoại, nhiều thứ vừa nhìn vừa nghe, tổng hợp. Văn học vẫn tồn tại nhưng tồn tại bên nhiều loại hình khác, chứ không độc tôn. Thời kỳ độc tôn qua rồi.

Thiếu sách cũng là bình thường

Người ta nói nhiều tới sự xuống cấp của văn hóa đọc, là một nhà nghiên cứu văn học, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Thực trạng đọc ngày nay rất khác trước vì chúng ta đang ở vào thời điểm thế giới bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công nghệ thông tin làm thay đổi tất cả phương thức sống, suy nghĩ, học tập, do vậy cái sự đọc của con người phải thay đổi là đương nhiên.

Thời chúng tôi, không có gì khác ngoài đọc cả. TV không, ngay cả radio cũng không có, tất cả chúi mũi vào đọc. Đến khi có radio để nghe rồi thì bớt đọc đi một ít. Rồi có TV lại bớt đi một tí nữa, tức là chia sẻ bởi nghe và nhìn.

Còn đến bây giờ thì thay đổi khủng khiếp lắm. TV có hàng trăm kênh, tất cả thu gọn vào cái điện thoại thông minh… Vậy thì đọc đương nhiên là phải ít đi thôi, phải thay bằng những cái khác

Điều đó có đáng lo ngại không, thưa ông?

Không nên bi quan, phải tìm ra cách thích ứng để phát triển. Hãy nhìn lại một lịch sử, từ khi con người còn phải viết lên vỏ cây, viết trên đá…Đến thế kỷ 15 phương Tây có máy in đã là một sự đột biến của nhân loại. Thì nay, trí tuệ nhân tạo, mạng xã hội, máy tính kết nối toàn cầu… đã tạo ra sự thay đổi khủng khiếp đến thế nào.

Thế thì thay đổi cách đọc có vấn đề gì mà phải hoảng hốt. Tất nhiên, với những người như tôi thì việc thay đổi một thói quen là rất khó. Tôi đọc báo in, đọc sách in, mà không đọc trên máy là do thói quen cũ, khó  thay đổi vì sức khỏe và tuổi tác. Còn người trẻ bây giờ có cần cuốn sách này đâu, các loại màn hình lớn nhỏ thay hết cả rồi. Thế hệ trẻ đã thích ứng được.

Theo ông như thế là tốt hay xấu?

Xã hội phát triển, nhu cầu của con người càng đa dạng, chứ không đơn điệu như trước nữa. Con người ta có nhiều nhu cầu và nhiều loại phương tiện để thỏa mãn nhu cầu đó. Trong đó có nhu cầu giải trí. Và để giải trí thì sách không đủ. Sách chỉ là một phương tiện thôi, còn rất nhiều thứ khác chứ. Cho nên, nếu có chỗ nào thiếu về sách thì cũng là bình thường, không có gì phải bi quan cả.

Nhân loại đi xa quá rồi

Nhưng nhiều người bi quan, cho rằng không đọc sách thì làm sao nuôi dưỡng được tâm hồn con người?

 Bi quan thì cũng vì một thực trạng là ta không theo kịp thế giới. Nhân loại đi xa quá rồi, để theo kịp ta cần phải có sự nhảy vọt. Chúng ta nhìn thấy một thực trạng xô bồ bởi định hướng chưa rõ ràng. Xã hội ở trong trạng thái chuyển động mà chưa chuyển theo kịp thời đại thì nó đẻ ra những lộn xộn, mâu thuẫn, vô lý. Nhưng tôi  không bi quan. Tất yếu lịch sử phải có lúc như thế.

Người ta ít đọc có phải còn là  do không có nhà văn giỏi, không có tác phẩm hay?

Đừng đổ đồng như thế. Có loại sách kém, nhưng không thể coi tất cả kém. Trong cái ngổn ngang như thế, anh nào thức thời, thông minh, nhạy bén, nắm được nhu cầu thì vẫn tồn tại.

Sách vẫn tồn tại. Sách kỹ năng sống, sách giáo khoa vẫn cần chứ. Sách của Nguyễn Nhật Ánh vẫn in hàng triệu bản. Đấy là nhà văn rất tài, rất hợp thời cuộc, rất hiểu nhu cầu của con người. Có thị hiếu mới, nhu cầu mới, người làm sách phải biết thay đổi cách thức viết cho thích hợp

Đấy là chạy theo thị trường. Còn nhà văn phải là người định hướng thị hiếu?

Nhà văn không phải là người định hướng, mà định hướng là trách nhiệm của toàn bộ thể chế chính trị xã hội, một mình nhà văn không làm được. Chức năng cao quý của nhà văn là ở chỗ anh phải có tác phẩm để đời. Tác phẩm mà cả dân tộc, cả nhân loại đọc, trong đó gieo cái mầm lương thiện, tự khắc tác phẩm đó có giá trị chứ đừng thuyết giảng, đừng dạy người ta. Nhà  văn mà đi dạy là hỏng.

Nhà văn đừng có đứng trên đầu thiên hạ. Nguyễn Du đã sống với thập loại chúng sinh; Truyện Kiều không dạy dỗ ai. Tất nhiên nhà văn vẫn phải là người hướng dẫn bạn đọc, qua việc chỉ ra các ranh giới tốt- xấu, đúng- sai, thiện- ác để gieo cái mầm thiện. Nhưng nếu không chú ý đến thị trường là anh phá sản.

Vậy còn chức năng giáo dục?

Chức năng giáo dục của văn học là sản phẩm của một thời lý luận văn học xơ cứng, đồng nhất văn học với chính trị, với đạo đức.

Văn học là  tiếng nói của con tim, của tâm hồn dân tộc, anh tài năng thì người ta đọc. Nhà văn định hướng cho người ta lương thiện, tử tế, chứ không phải dạy cho người ta phải ủng hộ cho ông chính trị này, biểu dương ông kinh tế nọ. Một thời là như vậy nhưng bây giờ không phải thế.

Tri thức để đi thi là tri thức què quặt

Tức là không chỉ phương thức đọc thay đổi mà ngay cả vai trò của sách cũng thay đổi?

Ví dụ như chức năng giải trí của sách, trước đây chúng ta chưa nói tới, hoặc chưa được phép nói. Nói đến sách là chỉ có chức năng giáo dục. Bây giờ sách giải trí đầy rẫy ra. Người ta đọc truyện tranh chứ không phải đọc tiểu thuyết này đâu, và là đọc trên điện thoại thông minh.

Sách sẽ biến dạng sang một cái gì đó, phải thay đổi không thể như cũ được nữa. Việc giải quyết tương lai này phải là thế hệ trẻ, có cách sống khác, thị hiếu khác, nhu cầu khác, phương hướng phát triển khác. Đời sống tinh thần của nó không phải chỉ có văn học dù văn học quan trọng

Đọc truyện tranh là sự suy thoái văn hóa đọc?

Không phải suy thoái. Quan điểm đó là cái ấu trĩ của một thời. Chính tôi vừa là nạn nhân, và cũng là tội nhân vì đã đưa ra lý thuyết là sách không được giải trí. Sex một chút là chết, là thành vụ án văn học. Nói một câu sai chính trị là chết.

Nếu lấy chức năng tuyên truyền chính trị và giáo dục là chính thì rất hẹp, vô cùng hẹp. Còn giờ con người được tự do vì toàn cầu hóa, hòa nhập vào nhân loại. Tất cả những gì là văn minh thế giới tràn vào. Con người phát triển theo hướng nhân loại hóa và toàn cầu hóa thì phải tiếp cận tất cả những gì là văn minh nhân loại.

Thực ra nhiều thứ quá thì lại khó lựa chọn. Làm sao để biết chọn cái gì tốt cho mình?

Đó là câu chuyện mọi người phải cùng lo, trong đó trước hết là nhà trường và gia đình. Mà cả hai mảng này của ta đều đang khủng hoảng, chưa thể nói là tốt được.

Chức năng giáo dục của nhà trường là dạy kỹ năng sống và đạo đức để con người có lương tâm, có tâm hồn lành mạnh, trở thành người tử tế trong xã hội. Tức là dạy những tri thức tối thiểu để ra đời thành người tốt chứ không phải để đi thi.

Cái học hiện nay của chúng ta là học để đi thi. Tri thức để đi thi là tri thức què quặt. Một nền giáo dục chỉ đi thi là hỏng. Còn gia đình cũng đang bị tàn phá bởi sự mưu sinh và lớn quá của đạo đức không được kìm giữ.

Tôi muốn nói đến trách nhiệm của mỗi cá nhân, trước cái biển sách ấy, biết chọn cái gì cho mình?

Câu hỏi khó quá. Trước kia chúng tôi không cần chọn vì ít lắm, một năm dăm mười quyển sách văn học, bây giờ hàng nghìn quyển một ngày. Nhưng trong cái biển sách ấy phải biết lựa ra những cái mình cần, cái nào để học, cái nào để giải trí… Cái này tự mình phải làm thôi nếu là người lớn; còn nếu là con trẻ thì phải có sự hỗ trợ của gia đình, nhà trường và xã hội.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Minh thực hiện

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top