Thoát mặc cảm người thừa trong gia đình

Người thừa trong gia đình là cảm giác của rất nhiều người cao tuổi.

Không ít người già cho biết, họ cảm thấy buồn và tổn thương khi bị con cái cho “ra rìa”, từ vai trò người chủ gia đình, giờ bị biến thành người “ăn nhờ ở đậu” trong chính căn nhà mà mình vất vả, cực nhọc làm ra.

Người thừa trong gia đình là cảm giác của rất nhiều người cao tuổi (ảnh minh họa).

Không nhờ dọn dẹp, chăm con

Bà Nguyễn Thị Hoa, Thắng Lợi, Thường Tín, Hà Nội kể, sau khi nghỉ hưu bà xác định sẽ tiếp tục “cống hiến” tuổi già cho con cái. Bà xung phong nấu nướng dọn dẹp, đỡ đần cho con cái đi làm. Khi con dâu sinh con, bà cũng hồ hởi nhận việc “chăm cháu”.

Nhưng đổi lại, con cái bà lại quyết định thuê người giúp việc, chứ không muốn bà động tay động chân vào bất cứ việc gì. Thậm chí mọi ý kiến của bà trong việc chăm cháu, con trai, con dâu bà cũng bỏ qua.

Khi thấy cháu bị ho, bà bảo phải ăn kiêng chất tanh như trứng, cá, tôm, cua… nhưng các con bà mặc kệ bảo ăn kiêng thế thì thiếu chất. Hay như cháu được hai tuổi, giúp việc nghỉ, bà bảo bà còn khỏe còn có thể trông được cháu cứ để bà trông, ba tuổi cứng cáp hẳn hãy cho đi nhà trẻ. Nhưng con bà không nghe, bảo trẻ phải đi học tiếp xúc với bạn bè mới “khôn” ra được và “mẹ cứ nghỉ đi”.

Bà Hoa tâm sự, không chỉ trong những chuyện này, mọi việc trong gia đình bà, con cái cũng thay bà quyết định. Ngay như cái giỗ chồng bà mới đây, bà đã lên danh sách khách mời, lên thực đơn cỗ, nhưng con bà dẹp đi, khách mời rút lại bởi lý do bày vẽ gây phiền hà cho mọi người và thực đơn cỗ cũng bị thay đổi bởi “làm toàn những món này ai ăn”.

Bà bảo, bà cảm thấy tủi thân, tổn thương, luôn thấy mình vô dụng và bị con coi là người thừa. Từ vai trò người chủ gia đình, giờ bà có cảm giác “ăn nhờ ở đậu” tại chính căn nhà mà bà vất vả, cực nhọc làm ra.

Th.S Trần Mạnh Hoàng: Với con cái, cũng cần có sự khéo léo trong chăm sóc bố mẹ già. Dù đã nghỉ hưu, hay lớn tuổi, dù gia đình kinh tế không khó khăn, con cái vẫn tạo điều kiện để cha mẹ già tham gia lao động vừa sức. Ngoài ra, hãy luôn lắng nghe và hỏi ý kiến người già trong một số vấn đề của cuộc sống. Những việc làm này giúp người già vui, khỏe mà lại không cảm thấy mình là người thừa, người vô dụng.

Đừng nghĩ theo hướng tiêu cực

ThS Trần Mạnh Hoàng, Trung tâm Bồi dưỡng Kỹ năng mềm cho biết, tâm trạng của bà Hoa không phải là cá biệt mà là tương đối phổ biến ở người già. Khi tuổi cao, sức khỏe kém tâm lý cũng thay đổi khiến người già hay nghĩ theo hướng tiêu cực và “cực đoan hóa” vấn đề.

Cộng với đó là việc không đi làm, thời gian rảnh rỗi khiến người già hay “cả nghĩ”. Người già luôn cảm thấy mình vô dụng, bị con cái bỏ rơi, bị coi là người thừa, coi mình là “của nợ” của con cái…

Điều quan trọng là người già cần phải nghĩ theo hướng tích cực, ví dụ, con cái không “nhờ” mình là muốn mình được nghỉ ngơi, con cái không nghe mình là bởi sự khác biệt thế hệ, con cái sống ở cuộc sống hiện đại nên cách nghĩ và cách làm theo hướng hiện đại chứ không phải coi thường bố mẹ.

Cùng với suy nghĩ tích cực, người già hãy tận dụng thời gian rảnh rỗi để sống cuộc sống của mình như tham gia các câu lạc bộ, giao lưu với bạn bè, tránh can thiệp quá sâu vào cuộc sống của con cái…

Bà Nguyễn Thị Hoa cũng có chung suy nghĩ này. Bà bảo, thời gian đầu, bà khá buồn, nhưng sau đó bà suy nghĩ lại thấy con cái không nhờ mình là vì thương mình, muốn mình được nghỉ ngơi chứ không phải ghét bỏ gì mình. Hơn thế, thay vì vẫn muốn mình là người chủ gia đình, bà “nhường” quyền cho con cái, thay và đó bà tận hưởng tuổi già theo cách của người già. Chỉ khi nào con cái gặp vấn đề khó khăn hỏi ý kiến thì bà tham gia, hoặc thấy con cái cư xử chưa đúng mực bà mới có góp ý…

Đức Anh

Theo Đời sống
back to top