Thịt vịt hầm đậu, lá sen cải thiện chức năng dạ dày

(khoahocdoisong.vn) - Với tên gọi “hà diệp nhị đậu” món ăn này là sự kết hợp độc đáo của các loại thảo dược và thực phẩm, vừa có tác dụng giải nhiệt, phòng chống nắng nóng, tăng lượng tân dịch bị hao tổn... và đặc biệt tốt cho dạ dày, tiêu hóa.

Nguyên liệu: Hà diệp1 lá, biển đậu 25g, xích tiểu đậu 25g, trần bì (vỏ quýt) 12g, phù trúc 50g, vịt 1 con (sau khi làm sạch còn chừng 400g là vừa), thịt lợn nạc 100g, gia vị vừa đủ.

Cách làm: Hà diệp rửa sạch, thái nhỏ; biển đậu, xích tiểu đậu và phù trúc rửa sạch. Trần bì thái chỉ. Thịt vịt và thịt lợn chặt miếng. Tất cả cho vào nồi, chế đủ gia vị, đổ vừa nước, hầm nhỏ lửa chừng 3 giờ là được, dùng làm canh ăn trong ngày.

Công dụng:Thanh nhiệt giải thử, sinh tân chỉ khát, kiện tỳ dưỡng âm (giải nhiệt, làm mát, phòng chống nắng nóng, làm tăng lượng dịch đã bị hao tổn vì mồ hôi ra nhiều, giải khát, cải thiện chức năng của dạ dày, ruột, kích thích tiêu hóa...).

Theo dược học cổ truyền, hà diệp tính mát, vị đắng sáp có công năng giải thử nhiệt, thanh đầu mục, chỉ huyết (làm mát, nhẹ đầu, sáng mắt và cầm máu) là một trong những vị thuốc rất thích hợp trong mùa hè thường được dùng dưới dạng hãm uống thay trà, nấu cháo và nấu canh ăn. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, hà diệp có tác dụng điều chỉnh lipit máu, làm cho cơ thể nhẹ nhõm, phòng chống tình trạng xơ vữa động mạch.

Biển đậu còn gọi là bạch biển đậu, tính bình, vị ngọt có công năng kiện tỳ ích khí, tiêu thử lợi thấp thường được dùng để chữa các bệnh lý đường tiêu hóa như loét dạ dày tá tràng, rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng, viêm ruột, trẻ em còi xương... Nghiên cứu hiện đại cho thấy, biển đậu có tác dụng kháng khuẩn giải độc, kháng virus và cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể.

Xích đậu tính bình vị ngọt chua, có công năng kiện tỳ chỉ tả, lợi thủy tiêu thũng, thanh thử giải độc thường được dùng để chữa các chứng bệnh đường tiêu hóa, bệnh thận như viêm ruột, viêm thận cấp tính, phù thũng do nhiều nguyên nhân khác nhau, viêm tuyến nước bọt cấp tính, sản phụ thiếu sữa...

Hai loại đậu này thường được trọng dụng trong mùa hè, đặc biệt khi tiết trời nóng bức nhưng ẩm ướt (y học cổ truyền gọi là thấp nhiệt), dùng rất tốt cho những người bị viêm dạ dày ruột cấp tính, tiêu hóa kém, hay bị đau nặng đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, phiền khát, chán ăn...

Thịt vịt tính mát, vị ngọt, có công dụng bổ hư, tư âm, dưỡng vị, lợi thủy, thường được dùng cho những trường hợp suy dinh dưỡng, có nội nhiệt nội hỏa (tích nhiệt bên trong) biểu hiện bằng các triệu chứng như họng khô, miệng khát, ăn kém, đại tiện táo, đổ mồ hôi trộm, di tinh…Sách “Bản thảo cương mục” viết: Để chữa thủy thũng và lợi tiểu tiện nên dùng vịt đầu xanh, để chữa hư lao nhiệt độc nên dùng vịt xương trắng. Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g thịt vịt có khoảng 25g protein (vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng). Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), axit nicotic… rất cao. Ăn thịt vịt có tác dụng hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa…

Phù trúc thực chất là màng mỏng ngưng kết trên mặt nước đậu sau khi đun sôi. Đây là một loại thực phẩm chất giàu chất dinh dưỡng. Trong 100g phù trúc có chứa 51,3g protit, 26,2g lipit, rất nhiều các nguyên tố vi lượng và các vitamin, tổng nhiệt lượng là 485 Kcal. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, phù trúc tính bình, vị ngọt, có tác dụng thanh phế nhiệt, kiện tỳ ích vị, dưỡng huyết lợi thủy...

Các loại thực phẩm và thảo dược trên phối hợp với nhau tạo nên món ăn vừa hấp dẫn vừa có công năng thanh nhiệt, giải thử và bổ dưỡng, dùng rất tốt cho cả người lớn và trẻ em trong mùa hè nóng nực.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top