Thịt vịt dưỡng phổi

(khoahocdoisong.vn) - Thịt vịt không chỉ có giá trị dinh dưỡng rất cao mà còn là thuốc bổ thượng hạng của Đông y, có tác dụng điều hoà ngũ tạng, lợi thuỷ, trừ nhiệt, bổ hư... chuyên trị các chứng tiểu tiện bất lợi, nhiệt bệnh, hư lao, bổ ngũ tạng… và rất có lợi cho phổi.

Theo y học cổ truyền, thịt vịt tính mát, vị ngọt, có công dụng bổ hư, tư âm, dưỡng vị, lợi thủy, thường được dùng cho những trường hợp suy dinh dưỡng, có nội nhiệt nội hỏa (tích nhiệt bên trong) biểu hiện bằng các triệu chứng như họng khô, miệng khát, ăn kém, đại tiện táo, đổ mồ hôi trộm, di tinh… Đặc biệt, kết hợp giữa thịt vịt bổ ngũ tạng và huyết vịt có chất chống ung thư với các vị thuốc phù hợp rất có lợi cho người bị viêm phế quản, ung thư phổi.

Theo dinh dưỡng học hiện đại, thịt vịt có giá trị dinh dưỡng khá cao, cứ trong 100g thịt vịt có chứa 17,8g protid, 21,8g lipid, 13mg canxi, 1,8mg sắt, 270mcrg vitamin A, 0,07mg B1, 0,15mg B2, 4,7mm photpho… và nhiều nguyên tố vi lượng khác. So với thực phẩm khác chất protein  trong thịt vịt vượt xa nhiều lần so với thịt bò, heo, dê, cá, trứng. Ngoài ra, hàm lượng các chất dinh dưỡng như canxi, photpho, sắt, vitamin (B1, B2, A, D, E), axit nicotic… rất cao.

Ăn thịt vịt có tác dụng tốt trong việc hỗ trợ chữa bệnh tim mạch, hỗ trợ điều trị lao phổi và ung thư (đang xạ trị, hóa trị). Có ích cho người thể chất suy nhược, chán ăn, sốt, phù nề, người thể chất yếu sau khi bệnh, đổ mồ hôi ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít, khí hư bạch đới, sản phụ thiếu sữa…

Viêm phế quản mạn tính: Vịt 1 con (nặng chừng 700 - 800g), nhân sâm 10 - 15g, rượu vang 2 thìa, gia vị vừa đủ. Vịt làm sạch, ướp rượu và gia vị; nhân sâm thái vụn, cho vào trong bụng vịt. Tất cả đem hầm nhừ, ăn trong vài ngày.

Công dụng: Nhân sâm bổ phế khí, thịt vịt ích phế âm; hai thứ phối hợp có khả năng kiện tỳ, ích phế, bổ huyết, cường tim, nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Bài này rất thích hợp với người bị viêm phế quản mạn thể khí âm lưỡng hư, biểu hiện là mệt mỏi, khó thở, ngại nói, dễ đổ mồ hôi cả ngày và đêm, họng khô, miệng khát, có cảm giác sốt nóng về chiều, lưỡi đỏ ít rêu.

Khó thở, ho đờm dính máu: Vịt trắng 1 con, đông trùng hạ thảo 15g, tỏi vỏ tím 20g, gừng tươi 10g, gia vị vừa đủ. Vịt làm sạch, chặt miếng, ướp gừng và tỏi rồi đem hầm nhừ cùng đông trùng hạ thảo. Chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, mỗi tuần ăn 2 lần.

Món ăn này thích hợp với ung thư phổi thể phế thận lưỡng hư, có biểu hiện tức ngực, khó thở, ho có đờm dính máu (sắc không tươi), dễ đổ mồ hôi, ngại nói, môi tím, mặt nặng, chân phù, hồi hộp, đánh trống ngực, đại tiện lỏng lúc tảng sáng; nam giới hoạt tinh, liệt dương; nữ giới kinh bế, kinh thiểu. Trong bài, thịt vịt tư bổ ngũ tạng, huyết vịt có chứa chất kháng ung. Đông trùng hạ thảo ích thận, bổ phế, có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Các vị thuốc phối hợp tạo nên công dụng ích phế, tăng tinh, phù chính, kháng ung của bài thuốc.

Ho nhiều, đờm trắng, sợ lạnh: Vịt trắng 1 con (chừng 1kg), đại táo 60g, sâm linh bạch truật tán 30g (dạng viên tễ), gừng tươi và gia vị vừa đủ. Vịt làm thịt, bỏ lòng rồi cho đại táo (đã bỏ hạt) và sâm linh bạch truật tán vào trong bụng, hầm nhừ, chế thêm gia vị, chia ăn vài lần.

Bài này thích hợp cho các trường hợp ung thư phổi thể phế tỳ khí hư, với triệu chứng: Ho nhiều, đờm trắng, dễ khạc, khó thở, ngại nói, sợ gió, sợ lạnh, sắc mặt nhợt nhạt, ăn kém, bụng đầy, đại tiện lỏng, tiểu tiện trong, dài. Trong bài, sâm linh bạch truật tán có công năng bổ khí, kiện tỳ, trừ thấp, hòa vị. Thịt vịt bổ ngũ tạng, huyết vị có chất chống ung thư. Các vị phối hợp tạo nên công dụng bồi bổ phế tỳ của bài thuốc, hỗ trợ đắc lực cho các biện pháp điều trị khác.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top