Thịt thỏ hầm khoai chữa tiểu đường

(khoahocdoisong.vn) - Thịt thỏ vị ngọt, tính mát vào được hai đường kinh can và đại tràng có công dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt chỉ khát, lương huyết chỉ huyết thường được dùng làm thức ăn cho những người tỳ hư khí nhược, tỳ vị âm hư, suy dinh dưỡng, lao lực, tiểu đường, nhiệt tích trong tràng vị, hay nấc, đại tiện ra máu...

Hỏi: Tôi bị đái tháo đường, đi tiểu nhiều về ban đêm nên người gầy yếu và suy nhược thần kinh do mất ngủ. Có người mách tôi hầm thịt thỏ với khoai tây để ăn, nhưng tôi không rõ tác dụng của thịt thỏ và món ăn này có gì tốt cho bệnh của tôi. Mong KH&ĐS chỉ dẫn.

Lê Thanh Hà (Hà Nội)

BS Khánh Hiển, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108: Thịt thỏ là một trong những thực phẩm giàu dinh dưỡng, mềm và dễ tiêu. Theo dinh dưỡng học hiện đại, trong 100g thịt thỏ có chứa 21,2g protid (cao hơn thịt gà ta: 20,3; thịt bò loại I: 21 và thịt lợn nạc: 19), 0,4g lipid, 0,2g gluxid, 16mg Ca, 175mg P, 2mg Fe... Hơn nữa, thịt thỏ chứa rất ít cholesterol và còn có chất lecithin có tác dụng bảo vệ mạch máu, phòng chống xơ vữa động mạch.

Theo dinh dưỡng học cổ truyền, thịt thỏ vị ngọt, tính mát vào được hai đường kinh can và đại tràng có công dụng bổ trung ích khí, thanh nhiệt chỉ khát, lương huyết chỉ huyết thường được dùng làm thức ăn cho những người tỳ hư khí nhược, tỳ vị âm hư, suy dinh dưỡng, lao lực, tiểu đường, nhiệt tích trong tràng vị, hay nấc, đại tiện ra máu...

Món thịt thỏ hầm khoai tây có công dụng kiện tỳ ích vị, tiêu khát sáp niệu dùng làm thức ăn cho những người bị bệnh tiểu đường, viêm đại tràng mạn tính thể lỏng, tiểu tiện nhiều lần (nhất là vào ban đêm), suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể... Cách làm: thịt thỏ 250g, kỷ tử 15g, khoai tây, dầu ăn và gia vị vừa đủ. Thịt thỏ rửa sạch, thái miếng, kỷ tử ngâm nước 15 phút, khoai tây cạo vỏ, rửa sạch, xắt miếng. Tất cả cho vào nồi, đổ một lượng nước vừa đủ, hầm nhừ. Khi được chế thêm gia vị, chia ăn vài lần trong ngày.

Theo Đời sống
back to top