Thịt lợn phòng chữa viêm gan virus B

Thịt lợn không chỉ bổ tỳ ích vị, dưỡng can, tư âm bổ huyết mà trong đó còn chứa protit, lipit, các loại đường, vitamin B1, vitamin B2 và các loại axit hữu cơ nên rất thích hợp với những người bị viêm gan nói chung và viêm gan virus B nói riêng. Tùy theo thể bệnh để kết hợp thịt lợn với các vị thuốc nhằm nâng cao công năng phòng và trị bệnh.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/thit-lon-phong-chua-viem-gan-virus-b1.jpg

Ảnh minh họa.

Khí âm lưỡng hư: Thịt lợn nạc 100g, thái tử sâm 30g, mạch môn 15g, sinh địa 15g, ngũ vị tử 10g, trần bì 5g, gừng tươi 10g, đại táo 10 quả, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng, đại táo bỏ hạt, gừng tươi giã nát. Cho tất cả các vị thuốc, thịt đã chế vào nồi, đổ vừa nước, hầm thật nhừ bằng lửa nhỏ trong 1,5 – 2 giờ. Khi được chế thêm gia vị, ăn thịt, uống nước hầm.

Công dụng: bổ khí dưỡng âm, dùng thích hợp cho những người bị viêm gan virus B thuộc thể “khí âm lưỡng hư” biểu hiện bằng các triệu chứng mệt mỏi như mất sức, khó thở, ngại nói, hình thể hao gầy, họng khô miệng khát, tức hạ sườn phải, chán ăn, ngủ kém, chất lưỡi khô đỏ, ít rêu…

Trong bài, thái tử sâm bổ khí dưỡng âm, sinh tân dịch; Mạch môn và sinh địa thanh nhiệt, mát huyết, bổ âm giải khát; Ngũ vị tử ích khí sinh tân; Thịt lợn bổ tỳ ích vị, dưỡng can; Gừng và đại táo phối hợp điều hòa chức năng tiêu hóa. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, thái tử sâm và sinh địa có khả năng cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể, ngũ vị tử có tác dụng bảo hộ tế bào gan rất tốt và làm hạ men gan nhanh chóng.

Khí trệ huyết ứ: Thịt lợn nạc 150g, tam thất 10g, phật thủ 12g, mạch nha 30g, kỷ tử 15g, đương quy 6g, trần bì 8g, gừng tươi 10g, đại táo 10 quả, gia vị vừa đủ. Thịt lợn rửa sạch, thái miếng, gừng tươi giã nát, phật thủ thái vụn. Tất cả cho vào nồi, đổ nước vừa đủ, hầm thật nhừ bằng lửa nhỏ trong 2 giờ. Khi được, chế thêm gia vị, ăn thịt lợn, uống nước hầm.

Công dụng: hành khí hoạt huyết, thường dùng cho những người bị viêm gan virus B thể “Khí trệ huyết ứ”, biểu hiện bằng các triệu chứng đau vùng gan nhiều với tính chất nhói buốt, đau không thích xoa nắn, bụng đầy chướng bí hơi, ăn kém chậm tiêu, mệt mỏi vô lực, tiểu tiện vàng đỏ, đại tiện táo kết, lưỡi có điểm tím hoặc xuất huyết tĩnh mạch dưới lưỡi giãn to.

Trong bài, tam thất hoạt huyết hóa ứ, giảm đau; Phật thủ và trần bì hành khí giảm đau, chống đầy chướng; Kỷ tử và đương quy bổ huyết dưỡng gan; Gừng tươi và đại táo điều hòa chức năng tiêu hóa; Thịt lợn bổ tỳ ích vị, dưỡng can.

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, tam thất có khả năng bảo vệ tế bào gan rất tốt, làm hạ men gan nhanh, tăng lượng gluco trong gan, thúc đẩy quá trình tổng hợp chất đạm và tái sinh tế bào gan, làm chậm quá trình phát triển tổ chức xơ trong gan; Kỷ tử và đương quy cũng có tác dụng bảo hộ tế bào gan, cải thiện công năng miễn dịch của cơ thể.

Âm hư hỏa vượng: Thịt lợn nạc 100g, rùa sống 1 con nặng chừng 159g, ngũ vị tử 20g, đan sâm 12g, hợp hoan hoa 12g, trần bì 5g, gừng tươi 10g, đại táo 10 quả, gia vị vừa đủ. Rùa làm thịt chặt miếng, thịt lợn rửa sạch, thái miếng; gừng tươi giã nát. Tất cả cho vào nồi hầm thật nhừ trong 2 giờ bằng lửa nhỏ. Khi được chế gia vị, chia ăn vài lần trong ngày, ăn cái, uống nước hầm.

Công dụng bổ dưỡng can thận, an thần ích tâm, dùng thích hợp cho những người bị viêm gan virus B thể “âm hư hỏa vượng” biểu hiện bằng các triệu chứng người gầy, tâm thần bất an, ngủ ít hay mê sảng, lòng bàn tay và bàn chân nóng, lưng đau gối mỏi, hay cáu giận, ra mồ hôi trộm, đầu choáng mắt hoa, nam giới di tinh, nữ giới kinh nguyệt không đều, đại tiện táo, tiểu tiện vàng đỏ, miệng khát họng khô…

Trong bài, đan sâm hoạt huyết, mát huyết, an thần; Thịt rùa bổ dưỡng can thận âm, trừ hư nhiệt; Hợp hoan hoa an thần, sơ can giải uất, làm thư thái tinh thần; Trần bí hành khí, chống chướng bụng; Thịt lợn bổ tỳ ích vị, dưỡng can; Đại táo và gừng tươi phối hợp điều hòa công năng tiêu hóa. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, đan sâm có công dụng nâng cao miễn dịch, hoạt huyết thông mạch và bảo hộ tế bào gan khá tốt.

BS Khánh Hiển

Theo Đời sống
back to top