Thiếu răng vĩnh viễn cẩn thận u răng

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh viện Hùng Vương Phú Thọ vừa phẫu thuật lấy ra gần 20 chiếc răng nhỏ li ti nằm trong khối u có đầy đủ thân, tủy, chân răng cho 1 bệnh nhi 12 tuổi. Nguyên nhân gia đình cho đi khám với lý do 12 tuổi nhưng răng nanh hàm trên bên trái vẫn chưa mọc.

PGS.TS Phạm Như Hải, nguyên Trưởng khoa Răng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba cho biết, đây là trường hợp u răng hỗn hợp hoặc u răng đa hợp là do rối loạn quá trình phát triển của răng rất thường gặp, chiếm 19% các u do răng. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp ở tuổi nhỏ hơn khi răng sữa rụng nhưng răng vĩnh viễn không mọc hoặc răng sữa mọc lộn xộn đi khám thì phát hiện ra. Ở giai đoạn muộn (người trưởng thành) thường phát hiện ra khi nhiễm khuẩn, nhiễm trùng.

Những chiếc răng được lấy ra trong khối u răng.

Những chiếc răng được lấy ra trong khối u răng.

Bệnh u răng rất khó để phát hiện do khối u không gây đau nhức, u tiến triển âm thầm. Chính vì thế, rất nhiều bệnh nhân điều trị sai cách, loại bỏ u không triệt để, bệnh tiến triển ngày một nặng dẫn đến nhiễm trùng, lệch lạc cung răng và xương hàm...

U do răng vùng hàm mặt có nguồn gốc và đặc trưng của xương hàm, là một nhóm nhiều loại u khác nhau cả lành tính và ác tính. Trong u lành cũng có hơn chục thể loại u khác nhau như: u men (u men đơn độc, u men sừng hóa, u men tế bào đấy, u men ngoại vi), u do răng sừng hóa, u biểu mô do răng canxi hóa, u do răng tế bào sáng, u biểu mô và tổ chức liên kết, có thể tạo thành tổ chức răng cứng, u xơ ngà, tạo men, u răng tạo men, u tăng sinh tuyến do răng, u răng đa hợp hay phức hợp, u xơ tạo răng, u nhầy tạo răng...

Thể ác tính có ung thư do răng, u men ác tính, ung thư trong xương nguyên phát, thể ác tính của những u biểu mô do răng khác, chuyển dạng ác tính của nang do răng, sacome răng... 

Các loại u do răng thường có những triệu chứng không đặc hiệu, chủ yếu được phát hiện qua hình ảnh X-quang thấy: Phồng xương: Là triệu chứng thường gặp nhất, thường không có triệu chứng hoặc đôi khi gây những đợt viêm. Sờ thấy bờ xương vẫn liên tục, có thể sờ thấy tổ chức u chắc hay ấn mềm, tổ chức u có thể làm phồng mặt xương.

Răng ở gần khối u:có thể lung lay, di chuyển hoặc mọc bất thường, xương ổ răng chậm lành sau khi nhổ răng. Một số trường hợp có thể ít gặp như dò hay loét niêm mạc, gãy xương hàm tự phát… Nếu u không tiến triển thành ác tính và không bị nhiễm trùng thì bệnh nhân không có hạch và không bị mất cảm giác.

Theo PGS.TS Phạm Như Hải, ở trẻ nhỏ cần đi khám sớm khi có dấu hiệu: Không mọc răng, không mọc răng vĩnh viễn, hoặc răng vĩnh viễn lung lay, răng mọc chậm...; người trưởng thành cần đi khám khi có nhiễm trùng, răng mọc chậm, lung lay, biến đổi men răng... Bởi u răng nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ không giúp trẻ mọc răng được như bình thường, để lâu u răng gây nhiễm trùng, loạn sản gây u xương, phá hủy xương... rất khó điều trị và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe với những hậu quả nặng nề như rụng răng hàng loạt, biến dạng hàm mặt, cản trở chức năng nhai, nói, nuốt…

Theo Đời sống
back to top