Thiếu hành lang pháp lý ứng dụng công nghệ vào thị trường bất động sản

(khoahocdoisong.vn) - Công nghệ hóa bất động sản (Proptech, Fintech) là xu hướng tất yếu và có thể giải quyết nhiều vấn đề như tối ưu hóa việc truyền tải và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, minh bạch, giản lược được khâu môi giới và giảm chi phí giao dịch… Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan.

Công nghệ là lối thoát

Đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản (BĐS) suy giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp (DN) và nhiều sàn môi giới buộc phải đóng cửa hoặc tạm thời chấp nhận ngủ đông. Theo Hội môi giới BĐS Việt Nam, từ đầu năm đến nay đã có đến hơn 300 sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc cắt giảm quy mô, nhân sự do Covid-19.

Để trụ lại, các DN BĐS buộc phải thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng thông qua các ứng dụng công nghệ, trực tuyến hóa việc tiếp cận khách hàng, tiếp thị sản phẩm. Chẳng hạn, Công ty CP Vinhomes đã chủ động cho ra mắt Sàn giao dịch BĐS trực tuyến của riêng mình. Bên cạnh đó Vingroup cũng đã ra mắt App (ứng dụng trực tuyến) VinID, trong đó có tích hợp tiện ích giúp cập nhật nhanh chóng và chi tiết các dự án Vinhomes như vị trí, diện tích, tiện ích, giá bán, vốn đầu tư, tiến độ triển khai, ngày đấu giá, cách liên hệ trực tiếp… Khi dùng App này, khách hàng cũng có thể thanh toán trực tuyến.

Đại diện Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (Cen Land) cho biết, năm 2020, lượng khách truy cập vào ứng dụng bán hàng trực tuyến Cenhomes.vn tăng gấp 5 lần so với năm 2019, với khoảng 14.000 giao dịch. Ứng dụng này hỗ trợ rất hiệu quả cho công ty trong việc phát triển kinh doanh, nâng cao hiệu quả quản lý, giảm thiểu chi phí…

Các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, các ứng dụng công nghệ đã giúp các doanh nghiệp bất động sản chống chọi được với những khó khăn do dịch bệnh, đồng thời, các nền tảng công nghệ cũng là công cụ hữu hiệu để các doanh nghiệp tái cơ cấu, nâng cao chất lượng quản trị về chiến lược, nhân sự và cả tài chính.

Do đó, xu hướng ứng dụng công nghệ tiếp tục được đánh giá là một lực đẩy quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch, tạo bước chuyển mình cho một chu kỳ phát triển mới theo hướng hiệu quả và bền vững. 

“Việc đưa công nghệ vào BĐS mang lại lợi ích cho khách hàng lẫn chủ đầu tư. Khi nền tảng công nghệ ứng dụng với thanh toán trực tuyến sẽ tạo ra những ứng dụng bán hàng thiết thực. Khi đó sẽ giản lược được khâu môi giới, giảm thời gian tiếp cận, chi phí giao dịch gần như thấp nhất nhưng vẫn đảm bảo mức an toàn nhất. Đặc biệt, tốc độ giao dịch cực kỳ nhanh, tạo ra một hệ sinh thái xung quanh sản phẩm bất động sản” - TS Cấn Văn Lực đánh giá.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Vietnam cho rằng, dịch Covid-19 đã mở ra cuộc cạnh tranh về thiết lập “cách thức giao dịch mới” trên thị trường. Công nghệ hóa bất động sản (Proptech, Fintech) là xu hướng tất yếu và có thể giải quyết nhiều vấn đề, đặc việc là tối ưu hóa việc truyền tải và tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, minh bạch, dễ dàng và thuận tiện. Đây là cơ hội rất lớn cho cả phía doanh nghiệp và người mua BĐS.

“Ngày càng có nhiều đơn vị tích cực sử dụng công nghệ vào các quá trình tư vấn phát triển dự án bằng cách sử dụng nền tảng platform liên quan đến việc thu thập dữ liệu và thông tin, tiếp thị như công nghệ thực tế ảo 3D, 6D, tìm kiếm thông tin, Booking online, quản lý, vận hành bất động sản… tạo nên một hệ sinh thái kết hợp đầy đủ tiện ích, dễ dàng quản lý, đem lại sự thuận tiện nhất và tiết kiệm chi phí cho người dùng” - ông Phạm Lâm nói.

Công nghệ hóa bất động sản là xu hướng tất yếu nhưng cần có hành lang pháp lý rõ ràng.

Công nghệ hóa bất động sản là xu hướng tất yếu nhưng cần có hành lang pháp lý rõ ràng.

Nhưng cần hành lang pháp lý 

Dù đánh giá việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản sẽ bùng nổ trong thời gian tới, tuy nhiên theo ông Lâm, các ứng dụng công nghệ BĐS vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề tâm lý khách hàng còn e ngại khi thực hiện các giao dịch mua bán thông qua các ứng dụng. Bên cạnh đó, đối với hoạt động giao dịch BĐS online vẫn còn những vướng mắc về mặt pháp lý.

TS Cấn Văn Lực thì cho rằng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen tiêu dùng tiền mặt. Vì vậy, muốn thuyết phục người dân, thì phải có hạ tầng công nghệ thông tin khá ổn định và đảm bảo để trong quá trình triển khai không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Bên cạnh đó, cần có hành lang pháp lý rõ ràng để bảo vệ quyền lợi của các bên có liên quan, kể cả người tiêu dùng, doanh nghiệp, nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử. Đặc biệt, cũng cần có những chính sách tốt để khuyến khích khách hàng tham gia mua các sản phẩm bất động sản, đầu tư qua hệ sinh thái Fintech BĐS.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chuyển đổi số trong bất động sản là yêu cầu bắt buộc và là xu thế của tương lai nhưng dòng chảy của sự phát triển sẽ không chờ ai. Do đó, các doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng cần phải nhanh chóng nhập cuộc, để không bị bỏ lại phía sau.

“Công nghệ đang thay đổi rất nhanh, buộc các doanh nghiệp phải sẵn sàng thay đổi để thích ứng. Đội ngũ marketing của các công ty bất động sản cần phải có sự sáng tạo và cập nhật liên tục xu hướng để có những chiến lược tốt nhất nhằm phục vụ khách hàng cũng như chiếm ưu thế trong cuộc đua” - ông Đính khẳng định.

Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý Phòng nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển CBRE Việt Nam nhận xét, nhìn tích cực, công nghiệp 4.0 là xu hướng của toàn thế giới. Nó giúp cho thị trường bất động sản nói riêng và các ngành khác nói chung được phát triển một cách đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, để đón đầu xu hướng này, Nhà nước cần có những chính sách và hành lang pháp lý để doanh nghiệp và Nhà nước hợp tác chặt chẽ hơn với mục tiêu phát triển thị trường bất động sản đồng bộ, minh bạch.

Theo bà Thanh, hiện việc áp dụng xu hướng công nghiệp 4.0 vẫn còn ở những bước đầu. Đơn cử như việc xây dựng đô thị thông minh là hướng nhìn về dài hạn, nhưng hiện mới đang giải quyết những vấn đề trong ngắn hạn. Đây là bài toán về lâu dài, đòi hỏi có nguồn lực lớn. Công nghệ không thay đổi được con người, nhưng con người cần đổi mới để thích nghi với sự phát triển của công nghệ.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top