Thi vào lớp 10: Những lỗi sai khiến “mất oan” điểm môn Toán

(khoahocdoisong.vn) - Cô giáo Trịnh Minh Hoa, Trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, có những lỗi sai cơ bản, giáo viên nhắc đi nhắc lại, nhưng nhiều học sinh khi đi thi vẫn mắc phải, rất đáng tiếc.

Tự học, tự chốt lại kiến thức

Đúng vào giai đoạn nước rút, chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới, việc chuyển từ học trực tiếp sang trực tuyến đã khiến các học sinh cũng như phụ huynh lo lắng.

Cô giáo Trịnh Minh Hoa, giáo viên Toán, Trường THCS Cầu Giấy chia sẻ, nếu như giáo viên biết cách dạy và học sinh tích cực, chủ động thì việc dạy trực tuyến cũng không khác nhiều so với việc dạy trực tiếp từ việc giảng cho tới giao bài tập, chấm chữa bài cho học sinh.

Tuy nhiên, tốc độ dạy một tiết học trực tuyến sẽ không thể nhanh được như khi dạy trực tiếp. Lý do là vì, khi dạy trên máy tính, giáo viên chỉ có thể dùng một bảng. Trong khi nếu dạy ở trên lớp có thể chia 3 bảng, phân theo nhiều đối tượng học sinh. Giáo viên phải khắc phục khó khăn này bằng cách chia bài theo nhóm.

Để việc học trực tuyến đạt hiệu quả, các em cần lưu ý: Thứ nhất, cần trao đổi bài với giáo viên qua nhiều kênh, ví dụ như zalo, facebook, mail… Các em làm bài, sau đó gửi các thầy cô chữa, lưu ý các lỗi sai.

Thứ hai, giáo viên sẽ dạy theo từng chuyên đề, và học sinh sẽ phải biết tập hợp, tổng kết lại kiến thức của mình bằng sơ đồ tư duy. Với những chuyên đề khó, đầu tiên các em viết những kiến thức cơ bản cần lưu ý, sau đó qua mỗi buổi học, từ những lỗi sai giáo viên sửa các em sẽ lại bổ sung thêm.

Điều này phụ thuộc vào khả năng tự học của học sinh. Chủ yếu học sinh phải biết tự tổng hợp kiến thức theo sự hướng dẫn của giáo viên và có khả năng tự học cao. Nếu học sinh có được những điều đó thì cũng sẽ không quá khác biệt so với việc học tại trường.

Cô Hoa cho biết, có khoảng 80% học sinh lớp cô đang dạy đáp ứng tương đối tốt phương pháp học này.

Đối với khóa học sinh này, tổng cộng cả lớp 8 và lớp 9 các em mất mấy tháng học trực tuyến. Khi dạy, giáo viên buộc phải hệ thống lại kiến thức, trong đó có kiến thức bị “hổng” từ năm lớp 8 cho các em. Và một trong những bí quyết để học sinh vượt qua được những khó khăn đó, là mỗi em tự có được những bảng tổng kết của mình, tự chốt lại những kiến thức.

Những lỗi sai thường gặp

Trong giai đoạn nước rút này, theo cô Hoa, các học sinh cần phải rà soát lại theo đơn vị kiến thức sách giáo khoa, đặc biệt lưu ý đối với môn Hình học.

Đối với môn Hình học, trước hết, các em thường có một thói quen rất xấu, đó là không chịu học lý thuyết. Trong khi đó, các ôn tập chương của SGK Hình học lớp 9 đã hệ thống những đơn vị kiến thức quan trọng cần thiết. Các em cần phải xem lại từng ôn tập chương của SGK, học thuộc đầy đủ các đơn vị kiến thức cơ bản.

Thứ hai, các em phải học trên mô hình. Có những mô hình quen thuộc các em phải khai thác hết những câu hỏi có thể hỏi, tự đặt ra cho mình thêm những câu hỏi có thể xảy ra.

Đối với Đại số, các em buộc phải lập bảng tổng kết kiến thức, bởi vì đại số nhiều mảng nhỏ, cần hệ thống từng đơn vị kiến thức, tìm những lỗi sai thường gặp ở mỗi dạng bài tập.

Và khi làm bài thi, cần lưu ý để tránh những lỗi sai không đáng có, mất “điểm oan”, rất đáng tiếc.

Từ thực tế nhiều năm dạy học sinh lớp 9 và đi chấm thi, cô Hoa cho biết, có một số lỗi sai cơ bản, dù giáo viên đã lưu ý, dặn rất nhiều lần, nhưng các em vẫn mắc phải.

Đối với Hình học, lỗi thường gặp nhất đó là không chịu đọc kỹ đề bài. Có những thí sinh do không đọc kỹ đề bài mà đã làm sai toàn bộ bài Hình, không thể cho điểm. Cho nên, lưu ý đầu tiên là phải đọc kỹ đề bài. Tiếp theo, là phải kiểm tra kỹ phần hình vẽ. Nhiều thí sinh cũng mắc lỗi này.

Lưu ý thứ hai là các em cần làm đến đâu chắc đến đó. Nhiều em hay làm nhanh, làm ẩu, làm tắt, lập luận không đầy đủ điều kiện.

Thứ ba, các em phải làm sơ đồ phân tích đi lên, và đặc biệt là tìm mối quan hệ giữa các câu hỏi, theo đó, câu a sẽ gợi ý cho câu b, câu b gợi ý cho câu c…

Với Đại số, lỗi các em hay mắc nhất, đó là thiếu điều kiện xác định, thiếu đối chiếu kết luận, tính toán…

Và điều quan trọng, là các em cần giữ bình tĩnh. Hiện tại, không còn nhiều thời gian, các em cần bám vào các tài liệu thầy cô đã hướng dẫn cũng như bộ tài liệu của Sở GD&ĐT để học kỹ, nắm chắc kiến thức để có được kết quả cao nhất.

Từng có rất nhiều năm giảng dạy, ôn thi cho các học sinh lớp 9, thầy giáo Nguyễn Hữu Chinh (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, có 5 lỗi sai mà học sinh đi thi thường mắc phải.

Thứ nhất, các em không đọc kỹ đề bài, không nắm được yêu cầu đề bài, từ đó làm sai hoặc nhầm.

Thứ hai, các em nắm không vững lý thuyết và các dạng bài dẫn đến không làm được bài hoặc có làm được cũng thiếu những lập luận chặt chẽ dẫn đến mất điểm.

Thứ ba, đối với những bài toán có điều kiện học sinh quên không đặt điều kiện nên dẫn đến lấy thừa hoặc thiếu giá trị hoặc không đối chiếu với điều kiện.

Thứ tư, học sinh khi tìm ra đáp án không thay và thử lại xem đáp án của mình đã đúng chưa, dẫn tới có tìm ra đáp án, tưởng đúng nhưng lại là sai.

Thứ năm, đối bài Hình, học sinh không nắm vững các định lý và các tính chất để lập luận chính xác, từ đó dẫn tới mất điểm.

Trong giai đoạn nước rút này, theo thầy Chinh, giáo viên và học sinh nên rà soát tổng hợp lý thuyết các kiến thức trọng tâm cũng như ôn tập các dạng bài thi vào lớp 10 qua các năm để học sinh tự tin bước vào ký thi 10 với tâm lý tốt nhất. 

“Các phụ huynh có con em thi vào lớp 10 nên trấn an các con và không nên bắt các con học ngày học đêm. Điều quan trọng nhất là sức khỏe và tâm lý của các con phải thật tốt. Về kiến thức, các em có thể chủ động lên mạng tìm và tải đề cũng như tìm cho mình những bài giảng phù hợp để tổng hợp kiến thức và luyện đề. Với một năm diễn biến dịch bệnh phức tạp như năm nay, chắc chắn đề cũng sẽ vừa sức, các em cứ yên tâm, bình tĩnh để ôn tập cho tốt”, thầy Chinh nói.

Theo Đời sống
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

Sinh viên VinUni học cách “tư duy khởi nghiệp” – sớm thất bại để sẵn sàng cho thành công

“Điều chúng tôi muốn hỗ trợ sinh viên là trong quá trình đó các em học được kỹ năng, tư duy khởi nghiệp và trở thành một doanh nhân khởi nghiệp, điều mà các em có thể áp dụng ở mọi mặt của cuộc sống, ngay cả trong đời sống hàng ngày và cả sự nghiệp sau này”, TS Phí Thị Linh Giang, Giám đốc Trung tâm khởi nghiệp, Trường Đại học VinUni chia sẻ.
back to top