Thị trường bất động sản sẽ tiếp tục tăng giá?

(khoahocdoisong.vn) - Đại diện Bộ Xây dựng cho biết, dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhưng bất động sản là kênh đầu tư hiệu quả nhất trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Nguồn cung giảm trong khi nhu cầu tăng là nguyên nhân khiến giá nhà ở tại Việt Nam không giảm.

Xu hướng tăng giá khoảng 10%

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, giá căn hộ chung cư tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TPHCM trong quý 4 và cả năm 2020 vẫn có xu hướng tăng. Tổng hợp giá giao dịch căn hộ chung cư tại hai thị trường này cho thấy: Giá bình quân các loại căn hộ chung cư (bao gồm căn hộ bình dân, trung cấp, cao cấp) tại Hà Nội quý 4/2020 tăng khoảng 2 - 3%; tại TPHCM tăng khoảng 3 - 4% so với quý 4/2019.

Đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, lũy kế của sự tăng giá liên tục làm cho giá các loại căn hộ thay đổi đáng kể. Có những dự án, căn hộ trước đây thuộc phân khúc bình dân thì nay đã có mức giá thuộc phân khu trung cấp, vượt khả năng chi trả của người dân có thu nhập thấp tại các đô thị lớn. Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, Bộ Xây dựng ghi nhận biên độ tăng giá rất khác nhau giữa các địa phương cũng như tại từng khu vực cụ thể của mỗi địa phương. Nếu tính theo mức giá bình quân trên địa bàn cấp tỉnh/thành phố hoặc cấp huyện thì mức độ tăng giá nhà ở riêng lẻ, đất nền tại các địa phương khoảng 3 - 5%.

Trong quý 4 và cả năm 2020, bất động sản khu công nghiệp là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy. Cụ thể, tỷ lệ lấp đầy trung bình tại các khu công nghiệp năm tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Bắc (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương và Hải Phòng) đạt 89,7%. Tại bốn tỉnh/thành phố công nghiệp chính tại miền Nam (TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An) đạt 87,0%. Do sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc cũng như EVFTA, nhu cầu cho đất công nghiệp cũng tăng trên cả nước. Mức giá chào thuê đất của một số khu công nghiệp tại Hải Phòng, Bắc Ninh và Hải Dương ở miền Bắc và TPHCM, Đồng Nai và Long An ở miền Nam tăng 20 - 30% theo năm.

Còn theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, năm 2020 và tháng 1/2021, thị trường bất động sản chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng điểm khác biệt nhất của thị trường bất động sản so với các ngành nghề khác đó là sự phục hồi mạnh mẽ từ quý 4/2020. Bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, thể hiện rõ nhất qua thống kê khối lượng giao dịch năm 2020 tại Hà Nội và TPHCM chứng kiến giá bất động sản tăng xuyên mùa dịch.

Cụ thể, tại Hà Nội, nhiều dự án được đầu tư hạ tầng chất lượng tốt đã tăng giá mạnh, tương đương 5% so với năm 2019. Việc đô thị hóa mạnh các vùng Sơn Tây, Thạch Thất, Hoài Đức… đã đẩy giá đất trong làng xã khu vực này lên mức 25 - 30 triệu đồng/m², tăng so với năm 2019 khoảng 50%. Các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 - 30% so với năm 2019.

Theo ông Đính, lãi suất vay mua nhà có tác động kích cầu đáng kể, không chỉ với người mua phục vụ nhu cầu thực mà cả với nhà đầu tư. Bởi lẽ, khi lãi suất cao, nhiều nhà đầu tư bất động sản không dám sử dụng đòn bẩy tín dụng nhưng lãi suất giảm lại kích thích nhóm này. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động giảm, người dân cũng sẽ hạn chế gửi tiền vào ngân hàng mà đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực khác, trong đó, lựa chọn hàng đầu vẫn là đầu tư bất động sản. Điều này góp phần thúc đẩy tính thanh khoản của thị trường bất động sản. Với đà tăng trưởng như trên, ông Đính dự báo trong năm 2021, biến động về biên độ giá bán các sản phẩm bất động sản trên thị trường sẽ tăng thêm khoảng 10% so với năm 2020.

Bất động sản khu công nghiệp đang là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Bất động sản khu công nghiệp đang là loại hình có sự tăng trưởng tích cực về cả giá thuê và tỷ lệ lấp đầy.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nêu triển vọng về giá bất động sản năm 2021, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, nhiều điểm nghẽn pháp lý được tháo gỡ khi các bộ luật sửa đổi có hiệu lực từ tháng 1/2021, sẽ giúp thị trường phát triển ổn định cả về nguồn cung lẫn lực cầu, theo đó hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ khởi sắc.

Việc giá bất động sản có giảm hay không phụ thuộc rất lớn vào vấn đề cung - cầu, tâm lý của người nắm giữ tài sản và đặc biệt là việc kiểm soát dịch bệnh. Dự kiến văcxin được nghiên cứu thành công, năm 2021 Việt Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 là những tín hiệu tích cực giúp nền kinh tế tăng trưởng ổn định trở thành điểm sáng quốc tế, qua đó từng bước giúp thị trường bất động sản phục hồi và đứng vững, theo đó giá bất động sản tiếp tục sẽ có chiều hướng tăng.

Tuy nhiên, HoREA cũng nhìn nhận, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM năm 2020 đạt khoảng 2,48 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 8% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ tín dụng của các tập đoàn và doanh nghiệp bất động sản ước khoảng 293.750 tỷ đồng, chiếm khoảng 13% tổng dư nợ tín dụng và tăng 5,9% so với cuối năm 2019. Nợ xấu tín dụng của doanh nghiệp bất động sản chiếm 2,7% tổng dư nợ bất động sản, cao hơn tỷ lệ nợ xấu 2,25% của tổng dư nợ tín dụng. Tuy vẫn còn trong ngưỡng an toàn, nhưng có tiềm ẩn rủi ro khi đáo hạn khoản vay.

Đáng quan ngại là trong số 293.750 tỷ đồng dư nợ tín dụng tiêu dùng, có khoảng 42% được sử dụng vào các mục đích có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, nhất là để kinh doanh bất động sản, tiềm ẩn rủi ro về an toàn tín dụng đối với các khoản vay này.

Ngoài ra, tỷ trọng tín dụng trung dài hạn cao hơn tín dụng ngắn hạn, cho thấy các dự án đầu tư có tính chất trung dài hạn, trong đó chủ yếu là các dự án bất động sản vẫn phụ thuộc và vẫn dựa chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động từ khách hàng, do các kênh huy động vốn trung dài hạn từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, các quỹ đầu tư bất động sản, các quỹ đầu tư tín thác bất động sản (REITS) chưa phát triển đầy đủ để đáp ứng nhu cầu vốn của thị trường.

“Đây là điều rất đáng quan ngại, vì có khả năng một số khoản vay tín dụng bất động sản có nguy cơ chuyển thành nợ xấu và thị trường bất động sản chưa đảm bảo phát triển ổn định và bền vững”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA chia sẻ.

Theo KH&ĐS
back to top