Thị trường bán lẻ, thích ứng để chiến thắng, thay đổi để thất bại

(khoahocdoisong.vn) - Có mâu thuẫn lớn hiện tại trên thị trường bán lẻ Việt Nam, khi suốt nhiều năm luôn tăng trưởng ở mức hai con số. Tuy nhiên, với tiềm năng ấy, lại có không ít nhà bán lẻ lại phải rời thị trường, cuộc chiến thị trường bán lẻ được đánh giá là diễn ra khốc liệt và phân chia thành từng mảng.

Hiện có hai xu hướng chính của ngành bán lẻ, trong đó cửa hàng bán lẻ tạp hóa đang dịch chuyển thành các cửa hàng quy mô nhỏ như siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi.  Ngoài ra là xu hướng bán lẻ trực tuyến, hay còn gọi là thương mại điện tử.

Thích ứng

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, doanh thu bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng của Việt Nam tăng 11,8% so với cùng kỳ và đạt 212,7 tỷ USD trong năm 2019. Nếu loại trừ yếu tố lạm phát, doanh thu bán lẻ tăng 9,2% so với cùng kỳ trong năm 2019 (cao hơn mức tăng 8,4% trong năm 2018). 

Những con số này chứng minh sức hấp dẫn từ thị trường bán lẻ đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Aeon Mall, Lotte Shopping, JLL... là những đại gia nước ngoài đang đầu tư lớn vào Việt Nam. Ở trong nước, Thế giới di động, FPT hay VinComerece đang đánh chiếm những phân khúc riêng của mình.

Ngành bán lẻ tại Việt Nam có tiềm năng lớn và có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các thương hiệu bán lẻ. Trên mọi hình thức bán lẻ khác nhau đang chứng kiến một cuộc đua tranh thị phần khốc liệt giữa các đại gia bán lẻ trong và ngoài nước trong triển khai chiến lược mở rộng thị trường.

Ví dụ điển hình nhất là trường hợp sáp nhập doanh nghiệp bán lẻ VinComerece của Vingroup vào Tập đoàn Masan cuối năm 2019. Theo đó, VinGroup chuyển giao VinComerece cho Masan để cùng hướng tới mục tiêu xây dựng doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và bán lẻ đứng đầu Việt Nam.

Mới chỉ xuất hiện trên thị trường 5 năm, đến nay VinComerece đang là “ông lớn” đứng đầu thị trường bán lẻ Việt Nam với hơn 3.000 cửa hàng, siêu thị mini. Thành quả này, một phần nhờ sự hậu thuẫn về tài chính từ VinGroup, trong thời gian ngắn đã thực hiện hàng loạt thương vụ M&A với các doanh nghiệp bán lẻ khác như Fivimart, Viễn thông A...

Tuy nhiên, thành quả về số lượng cửa hàng của VinComerece còn đến từ chiến lược cung cấp hàng tiêu dùng thiết yếu đã hỗ trợ tối đa cho chiến lược tăng nhanh độ phủ của các cửa hàng. Điều này thể hiện qua danh mục hàng hóa của chuỗi cửa hàng VinMart, VinMart+ đều kinh doanh các mặt hàng thiết yếu như gia vị, mì ăn liền, thịt, rau củ quả, dầu gội đầu... Các mặt hàng này đều có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, đặc biệt thực phẩm, hoa quả đều đảm bảo và được cam kết về chất lượng nguồn cung.

Việc cung cấp các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu với nguồn gốc, chất lượng, đồng thời chọn vị trí xây dựng các điểm bán hàng của VinComerece đều tập trung dưới các chung cư, hoặc tại các khu tập thể đông dân cư, mục đích là tạo thuận tiện tối đa nhằm thu hút khách hàng, mục tiêu cụ thể của VinComerece là phục vụ chính thói quen mua sắm của khách hàng và từ đó cạnh tranh trực tiếp với chợ truyền thống của người Việt.

Thực tế cho thấy, việc tiếp cận khách hàng bằng cách khai thác ưu thế địa lý là xu thế của ngành bán lẻ Việt Nam. Trong khi VinComerece vươn lên đứng đầu, thì các doanh nghiệp ngoại như Circle K, 7-Eleven vẫn âm thầm đánh chiếm  thị trường bằng phương pháp này. Hiện Circle K đã có trên 500 điểm bán hàng, còn 7-Eleven đặt mục tiêu đạt  1.000 trong vòng 10 năm tới.

Trong khi đó, các doanh nghiệp bán lẻ theo mô hình trung tâm thương mại, đại siêu thị lại đang lao đao trong mảng bán lẻ tiềm năng. Auchan, Parkson... đều lần lượt rời khỏi Việt Nam. Lotte liên tục báo lỗ, BigC của Pháp phải sang tay cho người Thái.

Yếu điểm lớn nhất của các trung tâm này đó là ở xa chung cư, đi lại khó khăn nên khó thu hút khách hàng. Điều này dẫn đến doanh số sụt giảm, trực tiếp ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh.

Khoảng cách về mặt địa lý này là điểm yếu của các trung tâm thương mại so với các cửa hàng tiện lợi, nhưng nó cũng là điểm yếu của cửa hàng tiện lợi so với thương mại điện tử - mô hình bán hàng có dịch vụ giao hàng tận tay cho khách hàng.

Tuy nhiên, cuộc chiến trong mảng thương mại điện tử còn khốc liệt hơn so với thị trường bán lẻ.

Cuộc đốt tiền của thương mại điện tử

Cùng là hoạt động mua bán nhưng phương thức giao dịch của thương mại điện tử khác biệt với bán lẻ truyền thống. Thương mại điện tử là quá trình tìm kiếm hàng trên các sàn thương mại điện tử, đặt hàng và đợi hàng được các sàn chuyển về tận tay. Chi phí mua hàng có thể thanh toán ngay sau khi mua hàng hoặc khi nhận hàng.

Nếu so sánh giá các mặt hàng trên các sàn thương mại điện tử với các cửa hàng, giá trị hàng hóa không chênh nhau nhiều, nhiều khi trên sàn thương mại điện tử còn rẻ hơn nhờ các ưu đãi khuyến mãi của sàn. Chi phí giao hàng cũng thường được các sàn thanh toán bằng các mã ưu đãi khách nhau.

Do dựa trên nền tảng công nghệ, người mua hàng qua thương mại điện tử phần lớn là người trẻ. Tiện lợi và nhiều khuyến mại là lý do khiến thương mại điện tử của Việt Nam phát triển ở tốc độ 2 con số mỗi năm.

Năm 2019, Google và Temasek định giá quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 5 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng lên tới 81%. Năm 2020 con số này có thể lên tới 13 tỷ USD. Tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử trên tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2019 đạt 4,2%, tăng 0,6% so với năm 2018.

Khi thị trường càng hấp dẫn, cuộc cạnh tranh càng khốc liệt. Thương mại điện tử đang là cuộc chơi của các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính như Shopee, Tiki, Lazada hay Sendo. Nhiều doanh nghiệp trong nước đã ra mắt các trang bán hàng online của mình. Cũng đổ tiền ra khuyến mãi, chịu lỗ để thu hút khách hàng. Nhưng sau một thời gian, nhiều trang phải đóng cửa vì không đủ tiềm lực tài chính.  

Cũng có nhiều doanh nghiệp trong nước có tiềm lực về tài chính và đầu tư bài bản, chấp nhận chịu lỗ để thu hút khách. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này không thể so sánh được với những “đại gia” mang tầm vóc quốc tế như SEA (Shopee), JD.com (Tiki) hay Alibaba (Lazada). Những thương hiệu trong nước đã phải đóng cửa là Robins Online (Central Group), vuivui.com (Thế giới di động) và mới đây là Adayroi (VinGroup)... 

Dù tồn tại, nhưng những thương hiệu lớn đang cùng lúc đối đầu với 2 nguy cơ lớn. Đó là cạnh tranh trực tiếp với nhau và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử với các cửa hàng trên mạng. Sự phát triển của mạng xã hội như facebook, zalo... đã kiến tạo và mở rộng khả năng bán hàng ngay trên trang mạng cá nhân. Các nhà cung cấp vừa thuê gian hàng điện tử tại các trang thương mại điện tử lớn, và vừa sử dụng mạng xã hội làm kênh bán hàng chính. 

Điều này đã đẩy các doanh nghiệp thương mại điện tử vào tình thế nguy hiểm và luẩn quẩn về kinh doanh. Khi bị cạnh tranh bởi chính các khách hàng của mình, tăng trưởng về doanh thu cao nhưng luôn lỗ vì buộc phải duy trì chi phí lớn cho khuyến mại, ưu đãi. Thương mại điện tử Việt Nam dù thắng thế, nhưng lại luôn lỗ theo cách oái oăm theo cách ấy.

Theo Đời sống
Loạn giá vòng tay trầm hương

Loạn giá vòng tay trầm hương

Gỗ trầm hương được cho là nằm trong “Tứ đại hương mộc” của Việt Nam. Nắm bắt được tâm lý và nhu cầu sử dụng ngày càng cao trên thị trường, đã có rất nhiều sản phẩm nhái, hàng kém chất lượng được bày bán tràn lan.
back to top