Thép tăng phi mã, nhà thầu câu giờ chờ bớt... sốt

Nhiều doanh nghiệp bất động sản đang tìm cách kéo dài thời gian xây dựng để chờ giá thép và vật liệu xây dựng bớt… sốt.

Chưa kịp trở lại hoàn toàn với các công trình, các nhà thầu xây dựng lại một lần nữa “méo mặt” vì giá vật liệu xây dựng tăng cao. Trong số này, thép xây dựng là mặt hàng đã tăng giá liên tục từ đầu năm đến nay.

gia-thep-tang-cao-nguy-co-lam-tang-gia-bat-dong-san..jpg
Giá thép tăng cao, nguy cơ làm tăng giá bất động sản. Ảnh minh hoa.

Không dám nhận thầu

Ông Huỳnh Văn Cảnh (nhà thầu tại quận Bình Thạnh, TPHCM) cho biết, tháng 4/2021, ông có ký hợp đồng thi công xây dựng nhà ở cho một khách hàng tại phường An Khánh, TP Thủ Đức với thỏa thuận chìa khóa trao tay, mức giá 1,1 tỷ đồng.

Thi công chưa được bao lâu thì tháng 6/2021 phải tạm ngưng công trình vì giãn cách xã hội.

“Từ đó đến nay, tôi như ngồi trên lửa, vì trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vẫn phải lo ăn ở để giữ chân thợ. Đến khi Nhà nước cho thi công lại thì vật liệu xây dựng tăng giá chóng mặt: Từ thép, xi măng cho đến thiết bị điện nước tất cả đều tăng. Nếu tôi biết trước sự việc thì sẽ không ký hợp đồng này” - ông Cảnh than thở.

Còn ông Ngô Minh Hiền (nhà thầu tại quận 7, TPHCM) cho biết, thời gian trước khi dịch bùng phát, qua trung gian, ông có nhận xây dựng công trình trường học tại một số quận, huyện.

Nhưng từ tháng 9/2021 đến nay, ông không dám nhận chuyển nhượng hợp đồng thi công vì giá vật liệu xây dựng đã tăng quá cao.

Trong khi đó, các hợp đồng lại sử dụng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký. Trên thực tế, ở thời điểm hiện tại, giá vật tư đã tăng gấp nhiều lần.

Ngoài ra, khi nhận chuyển nhượng phải chiết khấu cho đơn vị môi giới 10%, nên không thể làm nổi vì không có lợi nhuận.

Về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định, hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ.

Do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước, đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.

Đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách thì lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của Sở Xây dựng, mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời của thị trường nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động giá này.

Giá nhà có thể tăng 15%

Ông Nguyễn Văn Nam, chuyên gia lĩnh vực xây dựng cho biết, với việc giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao như hiện nay, các công ty xây dựng đã gặp nhiều khó khăn trong thi công công trình.

Việc nhận thầu các công trình phải chững lại, thậm chí không dám nhận thầu do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, khi giá vật liệu tăng cao, tiến độ của các dự án bất động sản chậm lại là dễ hiểu.

Đồng quan điểm này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng Giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng, trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15 - 20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng).

Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5 - 10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.

“Việc giá thép tăng cao trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp”, ông Phúc chia sẻ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại việc tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư công.

Trong khi đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.

Tính đến hết tháng 10/2021, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức 67,2% của cùng kỳ năm 2020.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, trong thời điểm giá thép có nhiều biến động, Nhà nước cần can thiệp bằng cách dùng các công cụ gián tiếp như thuế, chính sách phòng vệ thương mại và tăng cường kiểm tra trên thị trường để chống đầu cơ, găm hàng, đẩy giá.

Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất thép tự chủ nguồn nguyên liệu, giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, qua đó hạn chế tăng giá thép.

Đối với nhóm đầu tư cá nhân, nếu nhu cầu nhà ở là bức thiết và nguồn tiền mua nhà đã có sẵn từ trước và không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế, theo tôi đánh giá đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Còn đối với nhóm đầu tư “lướt sóng” hay nhóm đầu tư ngắn hạn, tôi nghĩ đây chưa phải là thời điểm thích hợp để đầu tư.

TS Sử Ngọc Khương, chuyên gia bất động sản tại TPHCM

Theo Đời sống
Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những mẫu nhà cấp 4 giá rẻ, đẹp nhất 2024

Những năm gần dây, nhà cấp 4 2 phòng ngủ thiết kế đơn giản, mang hơi hướng hiện đại làm toát lên vẻ đẹp tinh tế. Nhà cấp 4 với 2 phòng ngủ được ưa chuộng bởi sự tiện nghi và chi phí xây dựng thấp. 
back to top