Theo dõi biến chứng sau mổ cột sống

(khoahocdoisong.vn) - Theo dõi toàn trạng bệnh nhân, tình trạng dẫn lưu vết mổ và tình trạng vận động cảm giác của bệnh nhân trong những giờ đầu sau mổ là rất quan trọng để phát hiện sớm và có giải pháp xử trí kịp thời các biến chứng.

Trong 2 - 3 ngày đầu, những bệnh nhân gây mê nội khí quản có thể có cảm giác viêm đau, sưng tấy vùng hầu họng và ho, đó là hậu quả kích thích của ống nội khí quản trong quá trình gây mê. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc ngậm họng chống viêm thông thường sẽ cho kết quả tốt.

Dẫn lưu vết mổ nhằm dẫn lưu ra ngoài hết những chất dịch và máu cũ còn đọng lại trong vết mổ, thường sẽ được rút sau mổ 48h khi hầu như không còn dịch chảy ra qua dẫn lưu. Nếu đến thời điểm đó, dẫn lưu còn tiếp tục ra dịch hoặc máu, bệnh nhân cần báo với nhân viên y tế để đánh giá lại tình trạng vết mổ và loại trừ nguyên nhân chảy máu, rò dịch não tủy hoặc nhiễm trùng sớm sau mổ.

Thông thường thay băng vết mổ 2 ngày/1 lần, những vết mổ đặc biệt (vết mổ lớn, thấm dịch nhiều, vết mổ nhiễm trùng...) thì chỉ định thay băng phụ thuộc vào phẫu thuật viên. Vết mổ diễn biến bình thường sẽ được cắt chỉ sau 7 - 10 ngày kể từ ngày mổ, hiện nay một số ca mổ với vết mổ nhỏ có thể phẫu thuật viên sẽ đóng vết mổ bằng chỉ tự tiêu nên bệnh nhân không cần bận tâm đến vấn đề cắt chỉ sau mổ.

Trong những ngày đầu, đặc biệt lưu ý theo dõi tình trạng tấy đỏ, thấm dịch của vết mổ (biểu hiện tình trạng nhiễm trùng vết mổ sớm, cần điều trị kháng sinh tích cực), tình trạng tụ máu vết mổ (đặc biệt với phẫu thuật cột sống cổ đường trước, gây tăng tiết đờm dãi, khó thở...) và nguy cơ rò dịch não tủy (chảy dịch trong, không màu không mùi) để phát hiện và xử trí kịp thời.

Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện chảy máu ngay sau mổ cố định cột sống cổ, cột sống ngực gây nên tình trạng ứ đờm dãi, chèn ép khí quản, thực quản, suy hô hấp (ở cột sống cổ) và gây chèn ép tủy thần kinh cấp tính dẫn đến yếu, liệt hai chân (ở cột sống ngực)… Vì vậy, theo dõi toàn trạng bệnh nhân, tình trạng dẫn lưu vết mổ (dẫn lưu bị tắc, tuột...) và tình trạng vận động cảm giác của bệnh nhân trong những giờ đầu sau mổ là rất quan trọng để phát hiện sớm và có giải pháp xử trí kịp thời (mổ cấp cứu lấy máu tụ, xoay hút dẫn lưu, thở oxy, thuốc tiêu đờm dãi, thuốc chống phù nề tủy...).

Một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện chảy dịch, sưng tấy vết mổ muộn sau mổ 1-2 tháng, những trường hợp này cần khám xét và cho làm đầy đủ các xét nghiệm, cấy dịch vết mổ, kể cả chụp phim cộng hưởng từ có tiêm thuốc đối quang từ nhằm đánh giá tình trạng nhiễm trùng muộn sau mổ, áp xe tại chỗ, lao cột sống..kèm theo.

Một số tác dụng phụ của thuốc gây mê, gây tê có thể gặp như bệnh nhân rét run, mạch nhanh, đau đầu... trong những ngày đầu sau mổ, những trường hợp này thường chỉ cần theo dõi sát, giảm đau tốt, thở oxy hỗ trợ (nếu cần) truyền dịch và điện giải đầy đủ, cân nhắc dùng corticoid khi cần thiết.

Một số trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật có biểu hiện bụng trướng căng, gõ vang gây cảm giác tức thở và khó chịu. Lúc này, có thể chườm nóng, xoa nhẹ trên bụng hình vòng tròn theo chiều kim đồng hồ, hạn chế ăn uống cho đến khi trung tiện được. Trường hợp quá khó chịu, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kích thích nhu động ruột, đặt sonde dạ dày và sonde hậu môn.

ThS Trần Quốc Khánh (Khoa Phẫu thuật cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)

Theo Đời sống
Khám sức khỏe định kỳ phát hiện u gan 10 cm

Khám sức khỏe định kỳ, phát hiện u gan 10 cm

Hơn 60% người ung thư gan liên quan đến mắc viêm gan B. Người mắc viêm gan B mạn thường thấy khỏe mạnh và không có triệu chứng. Do đó cần phát hiện kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng suy gan, xơ gan, và ung thư gan.
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top