Thay mạch cứu bệnh nhân thủng động mạch chủ bụng nguy kịch do lao

(khoahocdoisong.vn) - Lao mạch máu dẫn tới phình động mạch chủ, thủng vỡ động mạch chủ rất nguy hiểm. Khác với các trường hợp vỡ động mạch chủ do phình thông thường, các trường hợp lao mạch máu cần được điều trị sớm để tránh nguy cơ nhiễm trùng thủng mảnh ghép gây đột tử do mất máu.

Nguy kịch khi không có tiền sử lao và tim mạch

Bệnh nhân là T.T.C. (37 tuổi, Quảng Ninh) khỏe mạnh, không có tiền sử bệnh mạn tính. 4 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện đau bụng và được bệnh viện tuyến dưới chẩn đoán cơn đau quặn thận do trên siêu âm có hình ảnh giãn bể thận nhưng không thấy sỏi niệu quản. Sau 2 ngày bệnh không thuyên giảm nên đã được chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội vị trí bên trái rốn, phải sử dụng morphin mới đỡ đau, không sốt, các xét nghiệm trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được chụp cắt lớp vi tính không thuốc cản quang, trên phim thấy hình ảnh khối u tổ chức không đồng nhất sau phúc mạc bọc quanh động mạch chủ bụng đoạn dưới thận, gây chèn ép làm giãn bể thận trái, vài nốt mờ nhỏ trên phổi, không phát hiện sỏi tiết niệu.

Sau khi hội chẩn đánh giá nghĩ đến đây là một khối u sau phúc mạc có tổn thương thứ phát ở phổi, chưa loại trừ khối phình mạch chủ bụng nên bác sĩ tiếp tục chỉ định chụp ổ bụng lồng ngực đa dãy có thuốc cản quang và dựng hình động mạch chủ. Kết quả cho thấy khối sau phúc mạc này là khối phình do thủng động mạch chủ bụng đoạn dưới động mạch thận khiến máu thoát ra tạo thành túi phình kích thước 3 x 4cm, nguy cơ dọa vỡ cao nên bệnh nhân lập tức được chỉ định phẫu thuật cấp cứu.

Ca mổ khá phức tạp vì biến chứng lao hạch khiến ổ bụng viêm dính, nhiều nang hạch, các quai ruột dãn. Khi bộc lộ phẫu trường thì máu tụ sau phúc mạc ở sát động mạch thận và các khối hạch lớn khiến ca mổ gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, kíp mổ đã cắt bỏ được hoàn toàn đoạn động mạch chủ bị thủng và thay thế bằng ống ghép nhân tạo.

Kết quả giải phẫu bệnh tại thành mạch và hạch cạnh động mạch chủ cho thấy đây là lao hạch ăn thủng thành mạch, Sau mổ sức khỏe bệnh nhân tiến triển tích cực, hết đau bụng, vận động sinh hoạt bình thường, tiếp tục được điều trị theo phác đồ chống lao.

ThS.BS Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh cho biết, bệnh nhân C. không có tiền sử bệnh lý tim mạch hay lao, với các triệu chứng trên rất dễ chẩn đoán nhầm với bệnh lý một khối u ác tính ở sau phúc mạc xâm lấn chèn ép niệu quản. Vì bệnh nhân trẻ nên các bác sĩ hướng tới các nguyên nhân nguy hiểm nhưng có thể điều trị khỏi được, do vậy đã chỉ định ngay chụp cắt lớp mạch máu và phát hiện ra đây là phình động mạch chủ.

Người bệnh lao cẩn thận với đau bụng

Theo ThS.BS Phạm Việt Hùng, lao mạch máu là bệnh nguy hiểm. Bệnh không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, diễn tiến âm thầm nên khó phát hiện sớm trước khi thủng vỡ đột ngột động mạch chủ, có thể khiến bệnh nhân tử vong. Bệnh thường xuất phát từ lao phổi lan ra cấu trúc hạch xung quanh động mạch chủ và gây lao hạch. Sau đó, trực khuẩn lao có thể xâm nhập vào thành động mạch. Ít gặp hơn là trường hợp lan truyền qua đường máu, trực khuẩn lao di chuyển trong máu và đóng ở mảng xơ vữa của thành mạch gây các tổn thương dạng viêm ở thành động mạch chủ, dần phá hủy thành mạch. Khi thủng có thể gây chảy máu ồ ạt hoặc khu trú tạo thành túi phình giả.

Biểu hiện điển hình khi tổn thương động mạch chủ gồm: St và đau bụng liên tục liên quan đến vị trí của túi phình; sốc giảm thể tích hay có các triệu chứng của chảy máu ồ ạt, đặc biệt là trong trung thất hay đường tiêu hóa, khoang màng phổi, ổ bụng...; có khối u cạnh động mạch chủ đập theo nhịp tim, lan rộng nhanh. Mặc dù trước đó, lao mạch máu không có biểu hiện lâm sàng đặc hiệu, diễn tiến âm thầm nên rất nguy hiểm.

Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, người bệnh có tiền sử đã và đang điều trị lao, nếu đau bụng kéo dài với khối u vùng bụng hoặc đột ngột mất tri giác do sốc mất máu, cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa sâu về mạch máu để được thăm khám và cấp cứu kịp thời. Khi xác định chẩn đoán phình động mạch do lao, người bệnh cần được phẫu thuật cấp cứu ngay khi phát hiện dù túi phình nhỏ và phối hợp điều trị thuốc lao theo phác đồ của bác sĩ.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top