Thấy gì từ Trung tâm R&D 220 triệu USD của Samsung tại Hà Nội?

(khoahocdoisong.vn) - Các trung tâm nghiên cứu công nghệ, sản phẩm của doanh nghiệp FDI và trong nước, mới đây là Trung tâm R&D của Samsung, kết hợp nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, hành lang pháp lý chắc chắn giúp môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn…

Chiến lược của Samsung

Khởi công từ tháng 3/2020, dự kiến đi vào hoạt động năm 2022, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của Samsung được đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội), với vốn đầu tư 220 triệu USD.

Thông tin từ Samsung, đây là Trung tâm R&D có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á của hãng, với tổng diện tích xây dựng là 11.603m2 và diện tích sàn là 79.511m2. Trung tâm này dự kiến sẽ tăng quy mô nhân lực R&D của Samsung tại Việt Nam từ 2.200 người lên 3.000 người

Ngoài Trung tâm này, Samsung đã có rất nhiều trung tâm R&D tại Việt Nam. Cụ thể như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC) ở TPHCM được thành lập vào năm 2012, với mục tiêu cung cấp phần mềm cho các sản phẩm điện thoại của Samsung và cả phần mềm cho các nhà cung cấp dịch vụ mạng LTE tại khu vực Đông Nam Á.

Hiện tại, SVMC đảm nhận việc nghiên cứu và phát triển điện thoại dòng A (tầm trung), tham gia vào một phần dự án phát triển điện thoại dòng cao cấp (flagship) và cũng chịu trách nhiệm kiểm chứng các thiết bị về mạng 5G.

Ngoài các Trung tâm R&D riêng biệt để phục vụ các mục tiêu cụ thể, các nhà máy của Samsung tại Việt Nam cũng đều có bộ phận R&D riêng. Tại Tổ hợp Samsung HCMC CE Complex (SEHC) là Trung tâm R&D chiến lược về các sản phẩm điện tử dân dụng (SHRC) chuyên nghiên cứu các sản phẩm như TV/màn hình tivi, máy giặt, tủ lạnh, máy hút bụi… Samsung SDS tại Bắc Ninh có (SDS R&D Vietnam - SDSRV) với trọng tâm là nghiên cứu lĩnh vực trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu.

Nhận định về Trung tâm đang xây dựng này, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam nói: “Đây cũng là nơi chúng tôi hiện thực hóa cam kết đóng góp vào sự phát triển của nền khoa học kỹ thuật của Việt Nam thông qua việc đào tạo và nuôi dưỡng nguồn nhân lực tài năng trong lĩnh vực công nghệ cao”.

Tại đây sẽ nghiên cứu nhiều công nghệ cao trong tương lai, được kỳ vọng sẽ nâng vị thế của Việt Nam và Samsung trên trường quốc tế, tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Đến nay, Samsung đã đầu tư vào Việt Nam hơn 17,5 tỷ USD, kim ngạch các sản phẩm điện tử ở mức 60 tỷ USD. Samsung đang tận dụng tốt những lợi thế các nhà máy tại Việt Nam. Do đó, việc xây dựng một trung tâm nghiên cứu R&D khổng lồ là một phương án tối ưu hóa những đầu tư trước đó tại thị trường Việt Nam.

Thành quả của Việt Nam

Việc Samsung xây dựng Trung tâm R&D lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, theo lời ông Choi Joo Ho: “Là một dấu mốc chiến lược trong lịch sử đầu tư của Samsung tại Việt Nam”. Và cũng đúng với chiến lược của Đảng và Nhà nước, với việc đặt mục tiêu thu hút FDI chất lượng cao là mục tiêu chủ chốt.

Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh việc sẽ có thể chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao... thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, đặt trụ sở và thành lập các trung tâm R&D, trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Dẫu thế, từ nhiều năm, Việt Nam vẫn được biết đến như một công xưởng mới của thế giới, với các dự án lắp ráp sản phẩm công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động. Dù đó là dự án của các tập đoàn công nghệ lớn như Panasonic, Apple, Microsoft, LG...

Chỉ có một vài tập đoàn lên kế hoạch xây dựng Trung tâm R&D tại nước ta như Qualcomm (nghiên cứu sản xuất các thiết bị 5G và IoT), Bosch (trung tâm R&D về kỹ thuật ô tô, kỹ thuật phần mềm) hay Grab (Trung tâm R&D nghiên cứu và tạo ra những trải nghiệm người dùng)…

Cùng với các trung tâm này và trung tâm của Samsung, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp "thuần Việt" cũng đã đầu tư rất lớn cho chiến lược R&D, với triết lý đầu tư ngày càng chuẩn xác và thực tiễn hơn.

Có thể nhắc tới tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel với hệ thống nghiên cứu công nghệ viễn thông, FPT với thế mạnh nghiên cứu phần mềm ứng dụng, Masan với trung tâm R&D sản phẩm, công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt là tập đoàn VinGroup với hệ thống các viện nghiên cứu công nghệ, vật liệu cao cấp...

Từ đây có thể nhận thấy, tại Việt Nam đã hình thành các trung tâm nghiên cứu công nghệ, sản phẩm của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước. Thế "chân vạc" trong nghiên cứu cơ bản này, cộng với nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông, hệ thống pháp lý này chắc chắn sẽ giúp môi trường đầu tư của Việt Nam hấp dẫn hơn, thu hút được nhiều dự án công nghệ cao hơn.

Nhưng cũng chính từ thực tế này đã đặt yêu cầu về hình thành và phát triển công nghiệp cơ bản, công nghiệp phụ trợ của Việt Nam lên ngưỡng cấp bách. Trong đó, đặc biệt quan trong là công nghiệp vật liệu cơ bản, vật liệu mới, công nghiệp chế tạo linh kiện... đang là những lĩnh vực cần có đột biến phát triển nhất. 

Sẽ không thể hình dung một nền kinh tế công nghiệp lại bị ngắt quãng, thiếu hụt chuỗi sản sản xuất giữa nghiên cứu và chế tạo sản phẩm. Nói cách khác, hình thành được thế "chân vạc" trong nghiên cứu, phát triển, thì câu hỏi đặt ra sẽ là công nghiệp phụ trợ, công nghiệp vật liệu, công nghiệp cơ bản của Việt Nam đang đứng ở đâu trong chuỗi giá trị sản xuất này? 

Theo Đời sống
Thực hư bọ biển siêu rẻ

Thực hư bọ biển siêu rẻ

Có phần thịt được đánh giá là ngon hơn tôm hùm nên bọ biển là một trong những loại hải sản có giá hàng triệu đồng. Nhưng thời gian gần đây, bọ biển được bán khắp trên chợ hải sản online với giá rẻ chưa từng thấy.
back to top