“Thật” trong giáo dục bắt đầu từ đâu?

(khoahocdoisong.vn) - Để có được một nền giáo dục “Học thật, thi thật, nhân tài thật” thì trước hết cần có một đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết với nghề, và không bị áp lực bởi bất kỳ điều gì để phải làm những thứ không “thật”.

Học thật, thi thật, nhân tài thật

Đầu tháng 5/2021, khi làm việc với Bộ GD&ĐT, trong nhiều ý kiến chỉ đạo, định hướng cho giáo dục, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh mong muốn ngành giáo dục cần phải “Học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Ngày 19/5, khi đăng đàn trả lời với báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, ngành giáo dục sẽ tập trung thực hiện tốt những định hướng quan trọng mà Thủ tướng đã chỉ đạo.

Học thật, hay thực học, xét về phương diện nội dung, là nền giáo dục dạy người ta tri thức, kỹ năng, phẩm chất, tạo ra năng lực thực, tức những cái mà người học có thể dùng nó cho công việc, cho mưu sinh, cho đời, cho đất nước. Thực học là tránh việc học những cái ra đời không dùng vào việc gì, còn cái cần cho việc thì không được học. Thực học ở đây với nghĩa là nền giáo dục thiết thực, hữu dụng, có thực chất, giáo dục và đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, gắn chặt với đời sống. Học thật là danh vị, học hàm, bằng cấp là phù hợp và phản ánh đúng cái thực lực của người học.

Thực tế còn nhiều người nhiều nơi, học qua loa cho có, học chống đối, học cốt lấy bằng, học xong không thêm gì kiến thức năng lực. Có người nhiều bằng cấp, nhưng trước công việc thì không làm được, danh vị là hư danh... Do đó, để học thật trước hết là là bỏ thói học vẹt, học thuộc, học nhồi nhét kiến thức, học cốt để thi, học theo bài mẫu, học không cần đào sâu suy nghĩ, không đi vào bản chất, học không gắn với thực tiễn. Học thật là kiểm tra đánh giá đúng, đáng bao nhiêu điểm thì cho bấy nhiêu, ai phải học lại thì cho học lại, không “ngồi nhầm lớp", luận án không chất lượng thì không cho qua...

Tất nhiên, nói như thế không phải là toàn bộ nền giáo dục lúc này là hư rỗng. Vẫn có số đông, rất đông đang dạy thật, học thật, năng lực thật. Nhưng vẫn còn đó nhiều ngành nghề, nhiều trường, nhiều người học có danh mà không có thực, có bằng mà không có chất, "thực không xứng danh, danh không xứng thực".

Để có được chữ THẬT trong giáo dục, từ góc độ của ngành, Bộ có rất nhiều việc phải làm. Trước hết, Bộ sẽ phải xem xét điều chỉnh rà soát lại nội dung dạy và học, dạy cái thiết thực, cái thực nghiệp, bỏ cái hình thức phù phiếm, vô bổ.

Bậc phổ thông thì chú trọng dạy người, biết tu dưỡng, sống có chí hướng, dạy kiến thức cơ bản, khả năng tự thích ứng và phát triển bản thân.

Bậc đại học thì từ khâu xây dựng chương trình, tới thiết kế chuẩn đầu ra, tới đặt từng môn học sao cho sát hợp thực tiễn. Học đi đôi với hành, thực tập thực tế cho đầy đủ, thực chất. Cần lấy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo làm nền tảng để tạo ra chất lượng. Cần nuôi khát vọng, chí hướng và tinh thần khởi nghiệp.

Cần thay đổi phương pháp để sao cho người học tiếp thu tốt nhất, thích học, biết học để làm gì, học ngành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình. Học để biết, học để làm việc, học để phát triển phẩm chất năng lực bản thân chứ không phải vì điểm số, không phải học chỉ để thi, học để có bằng cấp chứng chỉ. Cần nghiêm trong kiểm tra đánh giá, để sao cho đánh giá đúng cái thực chất người học có và tích lũy được, đạt được, không để nhân tố nào làm sai lệch kết quả đánh giá, thi không cốt quá nhiều và phiền hà mà thi cốt cho nghiêm, đánh giá đúng...

Cần cởi bỏ áp lực thành tích cho giáo viên

Mới đây, câu chuyện về thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thái Phong (Trường Tiểu học Võ Thị Sáu - quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho 22 học sinh lưu ban lại được dư luận nhắc lại với lời khen ngợi “dũng cảm”, như một ví dụ tiêu biểu cho việc dám chống lại căn bệnh thành tích.

Vì sao một việc tưởng như “bình thường” – cho học sinh lưu ban giờ lại trở thành đặc biệt đến vậy?

Một cô giáo tiểu học chia sẻ với phóng viên, trường của cô cũng đã từng xảy ra một việc rất “bi hài”, đó là một số học sinh tốt nghiệp tiểu học trường cô khi lên học cấp 2 đã bị trường “trả lại”, vì khi kiểm tra chất lượng đã không đạt.

Nhưng học sinh đã ra trường rồi, bây giờ làm thế nào? Tình huống giải quyết lúc bấy giờ là trường THCS cho học sinh toàn bộ học sinh tốt nghiệp khóa đó từ trường của cô về học lại lớp 5 vào buổi chiều.

“Thế là sáng các em học lớp 6 ở trường THCS, còn chiều lại về lại học lại lớp 5 ở trường tiểu học cũ. Chúng tôi rất ngại với phụ huynh, không biết là họ đánh giá gì về các giáo viên, nhưng sự việc xảy ra rồi không biết làm thế nào, đành phải khắc phục hậu quả”, cô giáo này chia sẻ.

Theo giáo viên này, sở dĩ có việc này xảy ra là vì giáo viên bị áp lực bởi chỉ tiêu quy định phổ cập giáo dục đúng độ tuổi. Giáo viên để cho học sinh lưu ban sẽ bị ảnh hưởng thành tích thi đua, cấp trên nhắc nhở. Trường có nhiều học sinh lưu ban sẽ không đạt tiêu chí trường chuẩn quốc gia, hiệu trưởng cũng bị cấp trên nhắc nhở… Cứ như vậy thành một vòng luẩn quẩn, khiến học sinh bị “đẩy” lên, dù "ngồi nhầm lớp".

Nhiều giáo viên chia sẻ, không chỉ chuyện học sinh lưu ban, mà họ còn phải chịu rất nhiều áp lực để khiến không có được cái “thật” trong giáo dục.

Chẳng hạn, đối với việc chọn sách giáo khoa, giáo viên có thực sự có quyền chọn sách giáo khoa hay không, hay phải theo “định hướng” từ hiệu trưởng? Đến khi sách có sai sót, có “sạn”, thì cũng bị cấp trên ngăn, không được phép nói lên góp ý thẳng thắn của mình.

Hoặc những cuộc thi giáo viên dạy giỏi, sáng kiến kinh nghiệm… Có rất nhiều thứ áp lực từ thành tích buộc giáo viên đã phải “diễn”, làm theo kiểu đối phó, hình thức.

Cho nên, để có được cái “thật” trong giáo dục, làm tốt chỉ đạo của Thủ tướng về “học thật, thi thật, nhân tài thật”, trước hết ngành giáo dục hãy làm sao cởi bỏ được những áp lực thành tích đối với giáo viên, để giáo viên thực sự có niềm hứng khởi, yêu nghề. Nếu giáo viên vẫn còn bị trói buộc bởi những áp lực treo lơ lửng trên đầu, thì sẽ rất khó để có được những kết quả “thật”.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, để có được nền giáo dục thực chất, tự ngành giáo dục phải hành động, có sự thay đổi, chuyển mình rất lớn từ trong tư duy, từ trong nếp dạy, từ trong thói quen đã hình thành nhiều năm nay được định hình bởi quan điểm xã hội.

Ngành cũng cần phải có cơ sở vật chất tốt cho nhà trường, phòng thí nghiệm, phương tiện dạy và học đầy đủ, hiện đại để có thể tạo ra chất lượng giáo dục tốt nhất. Cần có đội ngũ giáo viên giỏi, năng lực thực và có thu nhập xứng đáng, yên tâm với nghề. Hai điều này chính là thực lực của ngành giáo dục. Có tạo được cái thực đó mới vực được chất lượng lên, mới đề cao được thực học.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top