Thảo dược trị viêm xoang mũi

(khoahocdoisong.vn) - Viêm xoang mũi là bệnh thường gặp, gây nhiều biến chứng nhưng có thể điều trị từ những vị thuốc quanh nhà rất hiệu quả.

Viêm xoang mũi là một bệnh lý khá phổ biến ở Việt Nam, chiếm từ 15 - 20% dân số. Hai dấu hiệu chủ yếu của viêm xoang là đau nhức và tăng tiết dịch mũi.

Nhức đầu, căng nặng đầu từng cơn hoặc thường xuyên xảy ra ở vùng xoang bị viêm. Dịch tiết chạy xuống họng hoặc ra mũi. Dịch mũi thường đặc, vàng hoặc xanh, đôi khi có cả máu, chứ không trong và loãng như dịch mũi ở chứng cảm cúm thông thường. Nếu bệnh nhân bị bệnh viêm xoang không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến một số biến chứng như viêm phế quản mãn tính hay lao phổi giả do mủ từ xoang viêm chảy xuống họng...

Khi bị viêm xoang mũi cần điều trị như sau:

-Rửa hốc mũi bằng nước muối sinh lý: Nên rửa từng bên mũi bằng nước muối sinh lý 0,9%, hoặc tự pha một thìa cà phê muối vào hai tách nước ấm kèm theo một nhúm bicarbonat. Rót nước muối vào một bát rộng, ngửa đầu ra sau, bịt một bên lỗ mũi, hít nước vào lỗ mũi bên kia, rồi nhẹ nhàng hỉ mũi ra; đổi bên và cũng làm tương tự. 

- Nước ép chanh hoặc cam giúp chống lại các mầm bệnh và giảm đáng kể lượng nước nhầy trong mũi. Uống nước cam chanh 2 - 4 lần mỗi ngày để mang lại hiệu quả tối ưu

- Vitamin C có nhiều trong các loại rau như rau chân vịt, bông cải xanh và trà có tác dụng giúp thông mũi nên rất có ích với những người bị viêm xoang.

- Tân di hoa (hoa mộc lan) 5-10gr sắc với 150ml nước còn 70ml; chia làm 3 lần/ngày, liên tục 4 tuần. Lưu ý, khi mua hoa lan cần chọn loại còn tươi, không giập nát mới nhanh có tác dụng.

- Hái hoa tươi của cây cứt lợn, rửa sạch, giã nát, lấy nước nhỏ vào mũi hằng ngày. Các nghiên cứu cho thấy hoa cứt lợn có tác dụng chống viêm, chống phù nề, chống dị ứng trong cả đợt cấp và mạn tính. Hoa cứt lợn bên cạnh tác dụng chống viêm còn kích thích niêm mạc mũi tăng xuất tiết cho nên khi dùng người bệnh thấy rát bỏng toàn bộ niêm mạc mũi, nước mũi chảy nhiều hơn kéo theo mủ đọng trong lòng xoang và hốc mũi. Vì thế hoa cứt lợn chỉ nên dùng trong giai đoạn viêm xoang đang có mủ vàng xanh tồn đọng, tránh hiện tượng lỗ thông mũi xoang bị bít tắc do mủ. Đến giai đoạn kế tiếp, khi nước mũi chuyển sang dịch trong, không nên tiếp tục dùng hoa cứt lợn mà nên phối hợp với các thuốc có tác dụng giảm xuất tiết của niêm mạc mũi.  

Thuốc xông

Dùng tinh dầu bạch đàn, hương nhu, đinh hương, bạc hà (menthol). Nấu nước cho sôi, cho mỗi thứ trên 1 giọt tinh dầu, trùm kín người, xông cho hơi thuốc vào mũi (hít vào từng bên càng tốt), miệng (há miệng cho hơi thuốc xông vào).

Hoặc cho nước thật sôi vào bình đựng trà có vòi, cho tinh dầu vào, đậy nắp lại. Chờ cho mùi thuốc bốc ra ở vòi bình thì kê vào từng mũi, hít hơi vào mũi cho sâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc cho nước và tinh dầu hòa lẫn với nhau; thay đổi từng mũi đến khi nước nguội, không còn hơi bốc ra là được.

Hiện nay có thể dùng loại máy xông, cho các tinh dầu trên vào, vận hành máy rồi xông theo hướng dẫn của từng loại máy…

Bài thuốc kinh nghiệm: Hoàng kỳ 16g, tân di 10g, bạch truật, phòng phong, quế chi, bạch chỉ, cát cánh, xuyên khung, mỗi vị 8g, thương nhĩ (tán), bạch thược 12g, bạc hà, tế tân, mỗi vị 4g, ma hoàng, kinh giới mỗi vị 6g. Các vị thuốc phơi khô, sao vàng, sắc nước uống hoặc có thể tán thành dạng bột để uống, mỗi ngày uống 2 lần vào buổi sáng và tối, mỗi lần uống khoảng 5g sau bữa ăn. Tốt nhất nên nuốt bột thuốc trước rồi uống nước sôi nguội theo sau.

LY Hoàng Duy Tân (nguyên Phó chủ tịch Hội Đông y Đồng Nai)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top