Thanh tra, giám sát quan lại

Thanh tra, giám sát quan lại thời phong kiến có chức năng uốn nắn, chỉnh đốn hiệu quả hoạt động của hệ thống quan lại trong triều và giữ nghiêm kỉ cương phép nước.

Hình minh họa.

Tuyển lựa đã khó, phát huy tài năng không dễ

Bên cạnh việc cải cách, củng cố bộ máy nhà nước ngày càng vững mạnh, các triều đại phong kiến còn có cơ chế giám sát hành vi của đội ngũ quan lại các cấp.

Từ thời Lý, để can gián nhà vua, Lý Thái Tổ đã đặt ra chức quan “Ngự sử đại phu” hoặc “Gián Nghị đại phu” như trường hợp Lý Đạo Thành. Thời Lý Thái Tông đặt thêm chức “Tả hữu Gián nghị đại phu”.

Dưới triều Trần, năm 1250, Trần Thái Tông đặt ra Ngự sử đài, là cơ quan giám sát các hoạt động của quan lại, giữ gìn kỷ cương trong triều.

Thời Lê Thái Tổ, cũng theo chế độ nhà Trần, đặt Ngự sử đài giữ việc xem xét, chấn chỉnh kỉ cương trong triều, gọi là “ngôn quan”. Đồng thời đặt thêm các chức Trung thừa, Chủ bạ, Đô ngự sử, Phó đô ngự sử, Thiên đô ngự sử.

Năm 1456, Lê Nhân Tông hạ chiếu chỉ: “Viên quan trong Ngự sử đài thì tâu hặc điều lầm lỗi, trừ bỏ việc xấu, biểu dương việc hay, không nên lấy việc riêng bàn việc công hoặc sợ hãi mà im miệng không nói”.

Với quan niệm, tuyển lựa được nhân tài có đủ phẩm chất và năng lực đã khó, nhưng để phát huy được tài năng và đức độ của họ quả là điều không dễ, Lê Thánh Tông đã xây dựng chế độ thanh tra, giám sát đối với đội ngũ quan lại như là một biện pháp hữu hiệu nhằm “khuyến khích và buộc quan lại đương chức, tiếp tục trau dồi năng lực, đạo đức và loại bỏ kịp thời người thoái hóa, biến chất” thông qua đó làm trong sạch đội ngũ quan lại.

Lê Thánh Tông xây dựng được bộ máy nhà nước phong kiến nói chung và cơ quan làm nhiệm vụ thanh tra nói riêng một cách chặt chẽ từ trung ương đến địa phương.

Khi đã ổn định các vùng biên giới phía Bắc và phía Nam, Lê Thánh Tông tiến hành cuộc cải cách hành chính trên phạm vi cả nước.

Trong bản “Hiệu định quan chế”, Lê Thánh Tông nêu: “Đồ bản, đất đai ngày nay so với trước đã khác nhau xa, ta cần phải tự mình giữ quyền chế tác, hết đạo biến thông. Ở trong kinh, quân vệ nhiều thì đặt năm phủ để giữ, việc công bề bộn thì đặt sáu bộ bàn nhau cùng làm, sáu khoa để xét bác trăm quan, sáu tự để thừa hành mọi việc”.

Lục khoa- cơ quan thanh tra ở sáu bộ

Trong cuộc cải cách này, Lê Thánh Tông rất đề cao công tác thanh tra, giám sát. Ngoài Ngự sử đài, vua cho đặt Lục khoa là cơ quan thanh tra ở sáu bộ, có trách nhiệm xem xét các hành vi sai trái của quan lại và các việc không đúng thể thức ở mỗi bộ.

“Bộ Lễ nghi thức không hợp thì Lễ khoa được phép đàn hặc. Bộ Hộ có Hộ khoa giúp đỡ. Hình khoa có quyền xét lại sự thẩm đoán của bộ Hình…”

Năm 1466, cùng với việc thành lập các bộ, các tự, Lê Thánh Tông chia lại cả nước thành 12 đạo thừa tuyên (ngang với cấp tỉnh ngày nay) và một phủ Trung đô (khu vực kinh thành). Mục đích của việc này là tăng cường giám sát đối với đội ngũ quan lại “để cho lớn nhỏ cùng ràng buộc nhau, khinh trọng cùng kiềm chế nhau, uy quyền không giả mà lẽ nước khó lay suy”.

Thực hiện nguyên tắc thanh tra, giám sát quan lại trước khi được bổ dụng chính thức, quan lại đều phải trải qua thời gian thử việc, sau một thời gian nếu đạt thì được bổ dụng chính thức, ngược lại có thể hủy bỏ kết quả tuyển dụng: “Phàm quan trong kinh sư và ngoài thừa tuyên, lúc bắt đầu bổ dụng hãy cho thí nghiệm về công việc làm, người nào trong 3 năm làm đầy đủ chức vụ không lỗi lầm mới được thực thụ; nếu người nào không làm đủ chức vụ sẽ bị truất bãi”.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Trung

Theo Đời sống
back to top