Thanh toán không dùng tiền mặt trở thành xu hướng tại Việt Nam

Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng đón nhận tài chính số nhiều hơn trong thời gian vài năm trở lại đây. Tỷ lệ sử dụng ứng dụng thanh toán điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch cho thấy triển vọng tích cực về xã hội không tiền mặt tại Việt Nam.

Tại các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam, xu hướng thanh toán mới này càng có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ có dân số trẻ và tỉ lệ sử dụng thiết bị di động và Internet cao.

Thanh toán không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán bằng các phương tiện khác không phải tiền mặt như tài sản, chứng chỉ có giá trị tương đương. Người tiêu dùng có thể sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt tương đương.

Theo đó, người tiêu dùng có thể sử dụng các loại giấy tờ có giá (chứng chỉ tiền gửi, chứng khoán,...), tài sản hữu hình (ngoại trừ vàng, bạc) hoặc sử dụng công cụ thanh toán thông qua các tổ chức tín dụng thay vì người mua và người bán trao đổi tiền mặt trực tiếp như phương thức truyền thống.

Mục đích của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt là để hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt. Từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội và giúp tiết kiệm thời gian.

Những tín hiệu tích cực trong thanh toán điện tử.

Đến tháng 4-2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị.

Giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.

94% người tiêu dùng sử dụng ít nhất một phương pháp thanh toán điện tử, 78% tần suất sử dụng cùng lúc hơn một hình thức thanh toán điện tử. Những công nghệ thanh toán mới được ưu chuộng tại Việt Nam gồm: Ví điện tử, chuyển khoản, mã QR...

Những con số tăng trưởng ấn tượng này cho thấy kết quả của những nỗ lực không ngừng thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng. Chương trình "Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đã xác định ngân hàng là lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước.

Số lượng và giá trị giao dịch thanh toán nội địa của thẻ ngân hàng đã tăng lên đáng kể. Các tính năng, tiện ích đã được tích hợp vào thẻ ngân hàng để người tiêu dùng có thể thanh toán hàng hóa, dịch vụ một cách đơn giản, nhanh chóng. Song song với đó, các ngân hàng cũng đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng dịch vụ, độ an toàn, bảo mật trong thanh toán thẻ.

Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng đón nhận tài chính số nhiều hơn.Ảnh (Phạm Huy)

Người tiêu dùng Việt Nam đang có xu hướng đón nhận tài chính số nhiều hơn.Ảnh (Phạm Huy)

Lợi ích khi thanh toán không dùng tiền mặt

Thanh toán không dùng tiền mặt mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, cụ thể:

1.Đối với kinh tế - xã hội

Giảm chi phí xã hội: Thanh toán không dùng tiền mặt giúp cho các cơ quan tài chính giảm chi phí in ấn, vận chuyển, kiểm soát và lưu trữ tiền. Nhờ đó, các chi phí xã hội đi kèm cũng được giảm xuống mức thấp nhất.

Giảm lạm phát: Lạm phát xảy ra khi đồng tiền bị mất giá. Nếu như dòng tiền mặt trong lưu thông trong nền kinh tế không nhiều thì việc xảy ra lạm phát cũng được giảm thiểu.

Phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố: Những tên tội phạm thường dựa vào những khe hở khi sử dụng tiền mặt để mua sắm vũ khí bất hợp pháp, việc kiểm soát được tiền mặt ở mức thấp giúp hạn chế được những hành vi đó.

2.Đối với cá nhân

Nhanh chóng, an toàn: Người tiêu dùng không phải trực tiếp mang tiền đến thanh toán cho người bán như trước đây. Thay vào đó, chỉ bằng một vài thao tác đơn giản trên các thiết bị điện tử là họ đã có thể thực hiện các giao dịch có giá trị lớn, cách xa về mặt địa lý một cách nhanh chóng. Nhờ đó, vấn đề an toàn cũng được đảm bảo. Thanh toán không dùng tiền mặt giúp người dân hạn chế được các tình trạng mất cắp, rơi tiền,...

Tiết kiệm: Bên cạnh việc giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian giao dịch thì thanh toán không dùng tiền mặt còn mang đến cho người tiêu dùng các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Mục đích là để kích cầu tiêu dùng, đồng thời mở rộng mạng lưới thanh toán không dùng tiền mặt ở phạm vi rộng hơn.

Độ chính xác cao: Khi sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng không còn phải lo lắng đã kiểm đếm đúng, đủ tiền hay chưa. Bởi vì các ứng dụng thanh toán cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng.

Hiện nay, người dân cũng đã hiểu được những lợi ích mà thanh toán không dùng tiền mặt đem lại. Nếu như trước đây bạn luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì giờ đây chỉ với một tấm thẻ hay điện thoại di động là đã hoàn tất quá trình thanh toán. Các cửa hàng, quán cafe, nhà hàng,... đã chuẩn bị sẵn những thiết bị cần thiết để người tiêu dùng có thể thanh toán bằng nhiều phương thức khác nhau. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua.
Theo Đời sống
back to top