Thanh toán di động: Tiện ích và những điều cần chú ý

(khoahocdoisong.vn) - Thanh toán di động (Money Mobile) cho phép thanh toán mua bán hàng hóa bất cứ lúc nào, ở đâu, bảo mật và tiện lợi. Với tốc độ phát triển thương mại điện tử như hiện nay, Việt Nam không thể trì hoãn phát triển thanh toán di động.

An toàn hơn quẹt thẻ

Theo PGS.TS Đặng Ngọc Đức, Viện trưởng Viện Ngân hàng Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân, ở các nước đang phát triển, thanh toán di động là một công cụ quan trọng cho các hoạt động giao dịch, trong đó có các dòng tiền xuyên biên giới như kiều hối. Lợi ích của thanh toán di động là người dùng có thể sử dụng thiết bị di động để thực hiện việc thanh toán mua bán hàng hóa bất cứ lúc nào, ở đâu, bảo mật, tiện lợi, hoạt động đơn giản, dịch vụ cá nhân, đa chức năng, chi phí thấp, phạm vi rộng, không bị ràng buộc về thời gian, không gian và nhiều ưu điểm khác.

Hiện thế giới đã có nhiều loại thanh toán di động, có thể được chia thành 2 loại. Gồm: Thanh toán từ xa và thanh toán tiệm cận. Trong đó, thanh toán từ xa (còn được gọi là thanh toán trực tuyến) là việc người thanh toán không trực tiếp tương tác với hệ thống bán hàng của người bán. Các giao dịch được thực hiện thông qua mạng viễn thông như: 3G, 4G, internet hoặc GSM... Thanh toán tiệm cận là giao dịch trực tiếp với các điểm bán hàng hoặc thiết bị POS di động của người bán. Thanh toán tiệm cận có thể sử dụng ở 2 địa điểm (cửa hàng và máy bán hàng tự động). Thanh toán tiệm cận dựa vào công nghệ và mã vạch kết nối không dây phạm vi tầm ngắn để đạt được thanh toán không tiếp xúc.

Những năm gần đây, thế giới đã chứng kiến sự tăng trưởng của các giải pháp thanh toán di động đến từ các thương hiệu công nghệ lớn nhất như Apple, Samsung, Google, Amazon... Những nền tảng truyền thông xã hội cũng bổ sung chức năng thanh toán cho phép người dùng vẫn có thể tiến hành thanh toán trong khi chat với bạn bè. Theo các chuyên gia, thanh toán di động an toàn hơn nhiều so với công nghệ thẻ chíp thông thường. Nhiều khách hàng thường có thói quen đưa thẻ visa cho nhân viên thanh toán mỗi khi sử dụng dịch vụ tại siêu thị, nhà hàng, khách sạn… Thói quen này có nguy cơ bị mất thông tin nếu nhân viên ghi lại số thẻ, tên chủ tài khoản, ngày hết hạn, số CVV… in trên thẻ để tạo thẻ giả. Với thanh toán di động, mọi thông tin cá nhân sẽ được mã hóa. Kể cả khi người khác cầm vào chiếc điện thoại, họ cũng không đọc được thông tin của chủ thẻ.

Khi mất thẻ tín dụng, ngoài nguy cơ mất tiền vì người khác sử dụng thẻ còn gặp những phiền hà khác như thủ tục, chi phí phát sinh để khóa thẻ, xin cấp thẻ mới. Nếu sử dụng thanh toán di động trên điện thoại, dù mất điện thoại, các nền tảng bảo mật cho phép xóa tài khoản từ xa, giữ an toàn tuyệt đối cho thẻ và thông tin trên thẻ. Các ví điện tử thường có từ 2 đến 3 lớp bảo mật như đăng nhập, nhập lại mật khẩu xác nhận, mã OTP… Thậm chí với những dòng điện thoại tích hợp công nghệ bảo mật sinh trắc học bằng vân tay hoặc mống mắt, ngay cả khi mất điện thoại và lộ mật khẩu cũng không thể thanh toán.

Hiện nay, tại thị trường Việt Nam đang nở rộ dịch vụ ví điện tử. Có gần 30 đơn vị trung gian thanh toán được Nhà nước cấp phép cung cấp dịch vụ ví điện tử như: MoMo, VTC-Pay, ZaloPay, AirPay, Vimo, Vnmart, Payoo, Moca… Ứng dụng ví điện tử cho phép tạo và nạp tiền vào tài khoản để thanh toán cho hơn 200 dịch vụ như nạp tiền điện thoại, thanh toán điện nước, thanh toán vay tiêu dùng, v.v... Với việc bổ sung tính năng thanh toán QR Pay, không chỉ ngân hàng mà ngay cả doanh nghiệp cũng sẽ cắt giảm được nhiều chi phí, đồng thời hạn chế nhầm lẫn trong thanh toán và hoạt động kiểm kê.

Cần chú ý gì ?

PGS.TS Đặng Ngọc Đức cũng cho hay, một trong những hình thức thanh toán trên di động đang được quan tâm là QR Pay – thanh toán bằng cách quét QR code (Quick response code - mã phản hồi nhanh, mã vạch ma trận). QR Code sẽ được kết hợp với thanh toán điện tử thay vì chỉ dùng để quét ra thông tin về xuất xứ sản phẩm như trước đây. Người tiêu dùng có thể mua hàng trên website, các trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích,… mà không cần dùng tiền mặt, thẻ ATM hay thẻ Visa, MasterCard. Tuy nhiên, việc xây dựng chuẩn công nghệ cho loại hình thanh toán điện tử này tại Việt Nam còn chưa đồng bộ. Việc thanh toán thông qua mã QR, mỗi ngân hàng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ lại xây dựng cho mình một chuẩn công nghệ riêng, không liên thông với nhau…

Dù tiện lợi và an toàn hơn rất nhiều so với quẹt thẻ nhưng người dùng thanh toán di động và ví điện tử cũng cần cảnh giác. Hầu hết các dịch vụ ví điện tử và ngân hàng trực tuyến đều có công nghệ bảo mật xác thực 2 lớp, tuy nhiên vẫn có những khách hàng bị mắc lừa. Ví điện tử MoMo đã cảnh báo nhiều trường hợp lừa đảo trên mạng. Đối tượng theo dõi các trang Facebook, khi thấy khách hàng post nhờ kiểm tra giao dịch, hỗ trợ thì tức khắc dùng tài khoản giả mạo được đặt tên, avatar giống như trang chính chủ, mạo danh là Trung tâm chăm sóc Khách hàng MoMo để yêu cầu cung cấp OTP, mật khẩu, sau đó lấy tiền trong ví.

Các chuyên gia tài chính cảnh báo, ngay khi mất điện thoại, tất cả các thông tin ngân hàng, ví điện tử hay dịch vụ tài chính khác cần được khóa lại và đổi mật khẩu ngay lập tức. Đã có nhiều trường hợp vì nạn nhân chậm khóa, kẻ gian đã đi từ tài khoản email, mạng xã hội đến các dịch vụ tài chính và rút mất tiền. Đồng thời, không giao OTP hoặc số tài khoản cho người khác.

Theo bà Đàm Bích Thủy, cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng ANZ Việt Nam, dù thuận tiện nhưng vấn đề chi phí và an toàn trong các giao dịch điện tử là một trở ngại với người dân. Thực tiễn diễn ra tại một số nước có mức độ thanh toán điện tử phổ biến ghi nhận mối lo về đảm bảo quyền riêng tư dữ liệu khách hàng, rủi ro an ninh mạng, rủi ro vận hành như mất điện, thiên tai, khoảng cách giữa nhóm người am hiểu công nghệ với nhóm yếu thế như người già, trẻ em… Đây cũng là điều cần lưu tâm trong quá trình phát triển thanh toán điện tử tại Việt Nam.

Dù còn một số tồn tại đang được cải cách nhưng thanh toán di động có ưu điểm vượt trội bắt kịp xu hướng phát triển của thế giới. Với cơ cấu dân số trẻ, hơn 70% người dân dùng điện thoại thông minh, nhanh chóng ứng dụng thanh toán di động sẽ thúc đấy hệ sinh thái thương mại điện tử phát triển tăng tốc, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế đến tận nông thôn, vùng sâu, vùng xa một cách dễ dàng.

Theo Đời sống
Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng giá rẻ bất ngờ?

Sá sùng có giá bán lên tới 5 triệu đồng/kg. Tuy nhiên thị trường hiện nay, loại hải sản quý hiếm này được rao bán tràn lan với giá rẻ bất ngờ.
back to top