Thang rượu bổ khí huyết, cường gân cốt

(khoahocdoisong.vn) - Người ta thường nói “bệnh của người già là tích lại từ khi còn trẻ”. Cho nên, nói về chữa bệnh, chữ “bổ” ở đây có nghĩa là bù đắp lại sự hao tổn suy yếu về khí huyết âm dương trong cơ thể người ta do nhiều nguyên nhân khác nhau.

Thuốc cứ bốc bừa, họa khôn lường

Trong các pho sách y học cổ truyền (nay gọi là Đông y) từ xưa tới nay hầu hết đều có những bài thuốc nói về bổ dưỡng và chữa bệnh cho những người cơ thể bị suy nhược, đồng thời cũng nâng cao sức khỏe của người cao tuổi. 

Trước hết, nói về chén rượu thuốc bổ đích thực mà những người cao tuổi cũng như những người cơ thể suy nhược thường dùng để mong được dồi dào sức khỏe, ăn ngon cơm, ngủ ngon giấc. Đó cũng là một trong những phương pháp dưỡng sinh của người cao tuổi. 

 Tuy nhiên, cần lưu ý bài thuốc nào cũng có tác dụng nhất định trong bổ dưỡng và điều trị bệnh, nhưng phải đúng với cơ chế của bệnh thì có lợi, nếu không tác dụng sẽ ngược lại. Còn cơ chế của bệnh là do thầy thuốc khám và kết luận.

Có người không khám bệnh mà tự mua một thang thuốc bổ ngâm rượu, trong đó có không ít quế tâm và những vị tân nhiệt khác để uống cho “bốc”. Với thang thuốc này, nếu người thuộc thận dương hư, kiêm hàn thấp thì còn khả dĩ, nhưng lại thuộc thận âm hư, chân âm khuy tổn, uống vào quả là tai hại. Bởi lẽ, rượu đã nóng, thuốc lại bốc hỏa, nhiệt ngộ nhiệt, dương dự càng “bốc” và thận tinh ngày càng khô kiệt, người bệnh sẽ suy sụp lúc nào không biết.

Ngoài ra, có người đã ngâm nhiều con tắc kè hoặc những vị kích dương khác vào bình rượu thuốc bổ của mình, hoặc ngâm riêng tắc kè để uống. Tuy là rượu bổ thật, song người nào thuộc thận âm hư, chân âm khô táo ho suyễn phong hàn hoặc thực nhiệt uống rượu này chắc sẽ không có lợi. Hơn nữa, không kể những ai rượu ngon quá chén mà nhập phòng, có khi còn bị “mã thượng phong” là đằng khác. 

Về làm thuốc và dùng thuốc, người xưa đã từng nói: “Y tuy tiểu đạo nhi tính mệnh khả quan. Dược nhược vọng đầu nhi tai họa bất thiển” tức là: Đạo y tuy nhỏ nhoi thôi – Liên quan tính mệnh con người rất to- Nếu thuốc cứ bốc bừa cho – Thì tai họa ấn khó dò nông sâu.

Thang rượu bổ khí huyết, cường gân cốt

Dưới đây chúng tôi xin mạnh dạn giới thiệu một thang thuốc bổ ngâm rượu nhằm nâng cao sức khỏe của người cao tuổi kể cả người cơ thể suy nhược. Thuốc có tác dụng bổ khí huyết, cường gân cốt, gồm có các vị: Đương quy thân (đầu), 50g, thục địa (chưng kỹ) 60g, bạch thược 30g, phòng đảng 60g, sa sâm 50g, sâm cao ly hoặc sâm cát lâm 50g, bạch linh 50g, cam thảo 20g, đỗ trọng bắc 60g, tục đoạn 50g, mộc qua 30g, cẩu tích 50g, trích kỳ 50g, ngưu tất 20g, ba kích 30g, kỷ tử 60g, đại táp 50g, long nhãn 50g, hoài sơn 50g, liên nhục 50g, nhục thung dung 30g, độc hoạt 10g, tang ký sinh (chích tầm gửi cây dâu) 50g.

Thang thuốc này ngâm với rượu gạo ngon chừng 15 – 20 ngày. Sau đó cho thêm từ 200 – 300g mật  ong hoặc kẹo mạch nha nấu bằng thóc nếp, quấy nhẹ cho đều rồi cất đi, 15 – 20 ngày sau là uống được. Thời gian ngâm rượu càng lâu càng tốt. Mỗi ngày uống 1 lần, mỗi lần 1 chén trà vào bữa tối hoặc trước khi đi ngủ.

Kiêng kỵ: Người vốn bị cao huyết áp không nên uống rượu kể lả loại rượu bổ này, người bị bệnh ngoài da lở ghẻ ung nhọt, đang cảm sốt không được uống.

Ngoài ra, có thể căn cứ vào triệu chứng cụ thể của người bệnh để gia giảm. Chẳng hạn: Nếu là tỳ hư, đại tiện hay đi lỏng giảm đương quy, thục địa, bạch thược, nhục thung dung, ngưu tất, gia thêm: bạch truật 30g, trần bì 30g, sa nhân 20g, phá cổ chỉ (sao muối) 50g, khiếm thực 50g, mạch nha sao 50g. Nếu là can thận âm hư, đại tiện táo bón, kém ngủ thì gia thêm 50g sinh địa, 30g mạch môn, 50g tảo nhân (sao), 30g Sơn thù, 30g đơn bì.

Thang thuốc bổ ngâm rượu này đã dùng cho nhiều người có tác dụng tốt.

TTND.Lương y Giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top