Tháng 8 là thời điểm tốt nhất để quan sát các hành tinh

(khoahocdoisong.vn) - Ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam cho hay, tháng 8 này là thời điểm tuyệt vời để quan sát các hành tinh trong Hệ Mặt Trời.

Sao Mộc và Sao Thổ thẳng hàng với Trái Đất

Sao Mộc và Sao Thổ là hai hành tinh thú vị nhất để quan sát, nhất là khi bạn có một chiếc kính thiên văn hoặc ống nhòm. Sao Mộc vừa tới vị trí trực đối vào ngày 14/7, còn sao Thổ thì chỉ sau đó 6 ngày, tức 20/7. Vị trí trực đối của một hành tinh đối với Trái Đất là khi hành tinh đó nằm ở vị trí đối diện với Mặt Trời khi quan sát từ Trái Đất. Khi một hành tinh ở vị trí đó, nó dễ dàng được quan sát nhất do đồng thời hai điều kiện là nó nằm gần Trái Đất nhất có thể so với các vị trí quỹ đạo khác và toàn bộ phần được Mặt Trời chiều sáng của nó hướng về phía Trái Đất.

Sang tháng 8, thời điểm hai hành tinh này nằm ở vị trí trực đối vẫn chưa quá xa. Do đó, chúng vẫn rất dễ dàng được quan sát. Vào những tối tháng 8 này, Sao Mộc và Sao Thổ mọc khá sớm trên bầu trời phía Đông - Đông Nam. Nếu trời quang mây và có một góc nhìn đủ rộng bạn sẽ dễ dàng nhận ra sự có mặt của chúng ngay cả ở các đô thị có mức ô nhiễm không khí cao như Hà Nội hay TPHCM. Chúng là hai điểm sáng nằm khá gần nhau và nổi bật trên nền trời phía Đông Nam từ khi trời bắt đầu tối. Với một chiếc kính thiên văn nhỏ, Sao Mộc và Sao Thổ sẽ trở nên đẹp hơn rất nhiều. Qua kính thiên văn, bạn có thể thấy màu vàng của Sao Thổ và những sọc sáng tối trên bề mặt Sao Mộc nếu điều kiện quan sát đủ tốt.

Hành tinh đỏ (Sao Hỏa) hiển nhiên cũng luôn là một điểm sáng đáng chú ý trên bầu trời. Nó mọc lên muộn hơn nên phải tới gần giữa đêm bạn mới thấy nó nằm đủ cao để quan sát rõ trên bầu trời phía Đông. Lúc đó Sao Mộc và Sao Thổ đã dịch chuyển sang bầu trời phía Tây và sẽ lặn sau nửa đêm. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy Sao Hỏa bằng mắt thường và nó cũng khá nổi bật trên bầu trời phía Đông. Khá gần đó, cũng trong chòm sao Cetus là hành tinh thứ 7 của Hệ Mặt Trời: Sao Thiên Vương.

Người yêu thiên văn cũng có thể quan sát Sao Kim trong khoảng thời gian từ 3h sáng cho tới khi Mặt Trời mọc của toàn bộ tháng 8 này. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy Sao Kim ở bầu trời phía Đông. Khác với sao Mộc và Sao Thổ, khi quan sát Sao Kim qua kính thiên văn, bạn sẽ khó tìm thấy điểm gì khác biệt vì nó vốn là một hành tinh được bao phủ bởi một lớp khí quyển dày màu vàng sẫm. Ngược lại, khi nhìn bằng mắt thường, nó luôn là điểm sáng đáng chú ý nhất, nổi bật hơn bất cứ hành tinh hay ngôi sao nào khác trên bầu trời đêm.

Mưa sao băng lớn nhất năm

Mưa sao băng Perseids là một hiện tượng thiên văn được trông đợi hằng năm, sẽ có cực điểm vào đêm 12 rạng sáng ngày 13/8. Năm nay Mặt Trăng sẽ gây ảnh hưởng tới việc quan sát hiện tượng này. Các sao băng của nó là những mảnh vụn còn sót lại khi sao chổi 109P/Swift-Tuttle tiến về phía Mặt Trời. Nhiều năm qua, đây luôn là hiện tượng đáng chú ý đối với người yêu thích quan sát bầu trời đêm, một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất trong năm cùng với Geminids.

4 năm trước, năm 2016, Perseids đã thực sự là một vụ bùng nổ sao băng. Tuy nhiên, năm nay sẽ không có một vụ bùng nổ với nhiều sao băng được quan sát như thế. Một điểm không may đối với người quan sát là khoảng thời gian cực điểm của hiện tượng này rơi vào thời điểm trăng bán nguyệt, Mặt Trăng sẽ có vị trí khá gần khu vực trung tâm của hiện tượng. Ánh sáng của Mặt Trăng sẽ làm giảm đáng kể khả năng quan sát và bạn chỉ có thể thấy được những sao băng tương đối sáng của hiện tượng này. Vì lý do đó mật độ sao băng của Perseids năm nay bạn có thể thấy được vào đêm cực điểm sẽ chỉ khoảng 30-50 sao băng mỗi giờ nếu có điều kiện thời tiết lý tưởng và ít ô nhiễm.

Khoảng thời gian phù hợp nhất để quan sát mưa sao băng là vào các đêm lân cận cực điểm của nó. Đối với Perseids thời điểm đó là rạng sáng các ngày 12, 13 và 14/8. Trong đó, rạng sáng ngày 12 sẽ là lý tưởng nhất. Vào rạng sáng các ngày nêu trên, ngay sau  nửa đêm (hay lý tưởng hơn nữa là sau 1h sáng), hãy nhìn về phía bầu trời Đông Bắc và tìm chòm sao Perseus. Hoặc đơn giản nhất là bạn chỉ cần nhìn lên bầu trời Đông Bắc với góc nhìn tính từ mặt đất từ 30 - 50 độ.

Theo Đời sống
back to top