Tháng 5: Doanh số bán ô tô giảm 15%

(khoahocdoisong.vn) - Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) vừa công bố doanh số bán xe trên toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 5 vừa qua đạt 15.585 xe, giảm 15% so với trước. Dịch Covid-19 và thiếu chip được cho là nguyên nhân khiến doanh số bán ô tô giảm.

Theo công bố mới nhất của VAMA, doanh số bán xe trên toàn thị trường của các đơn vị thành viên trong tháng 5 đạt 15.585 xe, giảm 15% so với trước. Trong tháng 5 vừa qua, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ 17.581 xe du lịch, giảm 14%; 7.482 xe thương mại, giảm 16%; và 522 xe chuyên dụng, giảm 33% so với tháng trước. Nếu tính doanh số được công bố chính thức từ VAMA và TC Motor, trong tháng 5/2021, toàn thị trường ô tô Việt Nam tiêu thụ tổng cộng 21.638 xe các loại. Dẫn đầu doanh số bán hàng của các thương hiệu ô tô tại Việt Nam trong tháng 5 tiếp tục là Hyundai khi đạt doanh số 6.053 xe. Tiếp đến là các thương hiệu Toyota (5.139 xe), Kia (3.336 xe), Mazda (2.426 xe), Ford (1.666 xe), Honda (1.423 xe)...

Về nguồn gốc xe, trong khi doanh số của xe lắp ráp trong nước đạt 13.825 xe, giảm 20% thì doanh số của xe nhập khẩu nguyên chiếc là 11.760 xe, giảm 7% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 5, các đơn vị thành viên VAMA tiêu thụ tổng cộng 126.894 xe các loại, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, xe ô tô du lịch tăng 51%; xe thương mại tăng 56% và xe chuyên dụng tăng 59%.

Về mẫu xe bán chạy nhất, nếu như trong tháng 4/2021 thị trường ô tô Việt Nam có đến 8 mẫu xe (gồm Hyundai Accent, Toyota Vios, VinFast Fadil, Mitsubishi Xpander, Ford Ranger, Kia Seltos, Hyundai Grand i10 và Mitsubishi Attrage) đạt doanh số trên 1.000 xe đến hơn 2.000 xe thì bước sang tháng 5 chỉ có bốn mẫu xe (gồm Toyota Vios, Hyundai Accent, Mitsubishi Xpander và Kia Seltos) đạt được con số bán trên 1.000 xe.

Theo nhìn nhận của giới chuyên môn, doanh số bán ô tô trong tháng 5 giảm 15% so với tháng trước một phần có thể do tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương, khiến nhiều doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân hạn chế mua sắm mặt hàng này hơn. Đặc biệt, tình trạng thiếu chip bán dẫn cho sản xuất lắp ráp ô tô đã và đang diễn ra toàn cầu và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ khiến cho việc lắp ráp nhiều mẫu xe bị ngưng trệ dẫn đến thời gian giao xe cho khách kéo dài từ 1 - 2 tháng so với bình thường.

Giới chuyên môn nhìn nhận, tình trạng thiếu chip bán dẫn này sẽ còn kéo dài đến hết năm nay, thậm chí có thể kéo dài sang năm 2022 và điều này ít nhiều sẽ tác động đến hoạt động kinh doanh của các hãng xe trong thời gian tới và thị trường ô tô khó có thể tăng trưởng như mong muốn.

Theo Đời sống
back to top