Thân Cảnh Phúc – anh hùng chống Tống

Thân Cảnh Phúc là một thủ lĩnh dân tộc miền núi nổi tiếng, anh hùng của cuộc kháng chiến chống Tống, đã góp phần không nhỏ vào chiến thắng của nhà Lý trên chiến tuyến sông Như Nguyệt, dân trong vùng gọi ông là thần, là Thủ lĩnh áo chàm.

Đổi từ họ Giáp sang họ Thân

Một thủ lĩnh dân tộc miền núi nổi tiếng, anh hùng của cuộc kháng chiến chống Tống (1075 – 1077); tù trưởng châu Quang Lang (Châu Ôn, Lạng Sơn) được vua Lý gả công chúa Thiên Thành năm 1066, phong chức tri châu.

Năm 1075, ông cùng các tù trưởng Vi Thủ An, Tông Đản, Lưu Kế Tông, Hoàng Kim Mãn chỉ huy quân bộ đánh thẳng sang Ung Châu, cùng đại quân của Lý Thường Kiệt tiêu diệt lực lượng chuẩn bị xâm lược nước ta của nhà Tống.

Năm 1077, ba mươi vạn quân Tống tràn sang nước ta, ông cho quân rút vào rừng dùng chiến thuật du kích, tiêu hao sinh lực, chiến đấu sau lưng địch đến khi hy sinh, góp phần không nhỏ vào chiến thắng của nhà Lý trên chiến tuyến sông Như Nguyệt; dân trong vùng gọi ông là thần, là Thủ lĩnh áo chàm – ông là Thân Cảnh Phúc.

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/tuong-than-canh-phuc-den-ha-luc-ngan-11.jpg

Tượng thờ Thân Cảnh Phúc ở đền Từ Hả, Lục Ngạn, Bắc Giang.

Thân Cảnh Phúc (? – ?) còn có tên là Thân Cảnh Nguyên hay Thân Đạo Nguyên, Cảnh Long, biệt danh Phò mã áo Chàm, tương truyền có thể là Thân Vũ Thành, tù trưởng động Giáp châu Lạng tức Châu Quang Lang, ngày nay thuộc Lạng Sơn.

Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề Thân Cảnh Phúc có phải là Vũ Công Thành không, giới nghiên cứu đang còn tranh luận, nhưng theo thần tích các đền thờ về nhân vật này dọc bờ sông Lục Ngạn, thì Thân Cảnh Phúc được cho là Vũ Công Thành.

Thời nhà Lý, triều đình rất coi trọng việc thắt chặt các quan hệ với tù trưởng các tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới phía đông bắc giáp với nhà Tống.

Các tù trưởng họ Giáp ở động Giáp từ thời vua Lý Thái Tổ đã liên kết với triều đình bằng các mối quan hệ gia tộc, thường lấy công chúa nhà Lý và các tù trưởng động Giáp – phò mã nhà Lý này đã ra sức giúp dật, phò tá nhà Lý tạo nên vùng biên cương ổn định phía Bắc.

Ông nội Thân Cảnh Phúc là Giáp Thừa Quý, thời đứng đầu động Giáp được vua Lý đổi sang họ Thân bằng việc ban thêm một nét chữ vào chữ Giáp tên họ để trở thành chữ Thân.

Từ đó dân động Giáp phần nhiều mang họ Thân để ghi nhớ ơn vua; đây có thể được xem là một trong những nguồn gốc họ Thân ở Bắc Giang và ở Lạng Sơn.

Cùng Lý Thường Kiệt đánh quân Tống

Cha Thân Cảnh Phúc là Thân Thiệu Thái, khi làm chủ động Giáp năm 1029 được vua gả công chúa Bình Dương cho làm phò mã. Thân Cảnh Phúc là con trai của Thân Thiệu Thái với công chúa Bình Dương.

Tháng 3 âm lịch năm Kỷ Hợi, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ nhất (1059), vua Lý Thánh Tông đi săn ở vùng Nam Bình (tức lưu vực sông Thương) thuộc Châu Lạng, nhân đó ngự giá đến nhà Thân Cảnh Phúc.

Năm Canh Tý, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ hai (1060) triều Lý Thánh Tông, Thân Thiệu Thái đem quân sang Như Ngao châu Tây Bình nhà Tống, đánh bắt được viên chỉ huy sứ Dương Bảo.

Tháng 11 âm lịch năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066), Thân Cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiên Thành và cho làm phò mã, được phong làm Châu mục Lạng Châu.

Năm 1070, quân Tống ồ ạt kéo xuống biên giới, lăm le xâm lược Đại Việt; bằng thủ đoạn nham hiểm, đã mua chuộc được nhiều thủ lĩnh sát biên giới, riêng chỉ có Thân Cảnh Phúc không chịu khuất phục.

Năm 1075, trước nguy cơ đất nước bị xâm lược, Lý Thường Kiệt chủ động tiến công trước để phá kế hoạch của Nhà Tống.

Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng Vi Thủ An, Tông Đản, Lưu Kế Tông, Hoàng Kim Mãn chỉ huy cánh quân bộ vượt biên sang hợp vây Ung Châu, phối hợp với đạo quân của Thái uý Lý Thường Kiệt bằng đường thuỷ tấn công Liêm Châu, phá tan các căn cứ xuất phát xâm lược và căn cứ hậu cần của địch.

(còn nữa)

             TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top