Tham gia EVFTA không chỉ để bán tôm, cá

(khoahocdoisong.vn) - Việt Nam đang hướng sự tập trung vào những chỉ tiêu xuất khẩu mà quên đi những thế mạnh, cơ hội của nền kinh tế khi tham gia EVFTA. Cơ hội của Việt Nam chính là kết nối với khu vực có những đối tác đầu tư FDI hàng đầu thế giới, có nguồn vốn, công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay.
Chế biến cá tra xuất khẩu sang EU.

Chế biến cá tra xuất khẩu sang EU.

Mới chỉ bán con tôm, cân gạo...

Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến kinh tế thế giới đình trệ, nhu cầu các thị trường thu hẹp và thay đổi, các biện pháp kiểm soát luồng hàng hóa bị thắt chặt, hoạt động dịch chuyển đình đốn, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt quãng... EVFTA đã mở ra một “cánh cửa sáng” cho kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm. Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, tăng 14,4% so với cùng kỳ.

Bộ Công Thương đánh giá sau gần 2 tháng EVFTA được thực thi, nhiều mặt hàng xuất khẩu ghi nhận chuyển biến tích cực tại thị trường EU. Từ đầu tháng 8 đến hết tháng 9, số đơn hàng xuất khẩu thủy sản tăng khoảng 10% so với tháng 7, kim ngạch xuất khẩu sang EU đồng thời tăng 1,7% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu tôm tháng 8 đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ đầu năm (15,7%).

Bên cạnh thủy sản, gạo Việt xuất khẩu sang châu Âu cũng có những tín hiệu khả quan, giá tăng phổ biến 80 - 200USD/tấn, tùy loại so với thời điểm trước khi EVFTA có hiệu lực. Ngày 22/9, 126 tấn gạo thơm đầu tiên đã được xuất khẩu sang EU với thuế suất 0%. Theo EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo (gồm 30.000 tấn gạo xay xát, 20.000 tấn gạo chưa xay xát và 30.000 tấn gạo thơm). Đặc biệt, EU sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm.

Tuy nhiên, để xuất khẩu có hiệu quả, tận dụng tốt lợi thế này thì không phải dễ dàng, đặc biệt là khi EU là thị trường có yêu cầu cao và khác so với các thị trường truyền thống mà gạo Việt Nam đang xuất khẩu. EU là thị trường có yêu cầu về hàng rào kỹ thuật rất cao, đặc biệt là về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, quy cách đóng gói...

Kể từ khi EVFTA có hiệu lực đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1, với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, gia nhập EVFTA nông sản Việt Nam sẽ chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ các mặt hàng nông sản nhập khẩu. Sức ép này có thể trở thành lợi thế của các quốc gia khác - đặc biệt là Trung Quốc - chứ không dành cho Việt Nam. Đặc biệt, chúng ta đang hướng sự tập trung vào những chỉ tiêu xuất khẩu mà quên đi những thế mạnh, cơ hội của nền kinh tế khi tham gia EVFTA. Ý nghĩa của xuất khẩu là tạo ra nguồn ngoại tệ để nhập về những thiết bị cần thiết nhằm nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế. Không phải nhập về để lại làm ra sản phẩm, rồi xuất khẩu ra ngoài, vì điều này không giúp nâng cao nền tảng của nền kinh tế.

Chưa chú trọng nguồn FDI công nghệ cao

EVFTA là FTA thứ 13 có hiệu lực của Việt Nam và là FTA thế hệ mới thứ 2 của Việt Nam. Tuy nhiên, EVFTA là một hiệp định đặc biệt. EU là đối tác nhập khẩu hàng đầu với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm. Cơ hội lớn là EVFTA cũng tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ một đối tác đầu tư FDI hàng đầu thế giới, với nguồn vốn, công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại Đa biên thuộc Bộ Công Thương cho biết, thực thi Hiệp định EVFTA gồm hai mục tiêu: Tận dụng tốt các cơ hội để xuất khẩu hàng hoá sang EU – thị trường hiện có 500 triệu dân. Và nhập khẩu những thiết bị cần thiết từ EU để nâng khả năng sản xuất của nền kinh tế. Nhưng hiện Việt Nam chưa dành sự quan tâm đúng mức cho mục tiêu thứ hai.

Theo ông Thái, các doanh nghiệp đừng chỉ nghĩ đến việc bán con tôm, cân gạo sang EU. Cái lớn hơn, quan trọng hơn là kết nối được với một khu vực có hàm lượng công nghệ cao, có tri thức, có cách làm ăn bài bản. Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore). Vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng VCCI cảnh báo: “Con đường tới với thị trường EU đã mở, nhưng thị trường có nhu cầu với sản phẩm của chúng ta hay không lại là câu chuyện khác. Đôi khi không phải hàng rẻ là họ mua của mình. Doanh nghiệp phải chấp nhận thay đổi sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Đồng thời, điều chỉnh hoạt động sản xuất, nguồn cung nguyên liệu từ nội địa để đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của thị trường xuất khẩu”.

Hiệp định EVFTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội xuất khẩu mạnh cho dệt may Việt Nam vào EU, khi khoảng 77% kim ngạch xuất khẩu sẽ về 0% sau 5 năm. Tuy nhiên, nếu không giải được bài toán nguyên liệu thì cơ hội cũng không thành hiện thực. Để được miễn thuế, dệt may phải đáp ứng quy tắc xuất xứ yêu cầu 2 công đoạn từ vải trở đi. Tức là, vải nguyên liệu được dùng để may quần áo xuất sang EU phải được dệt tại Việt Nam hoặc tại các nước thành viên EU, hoặc các nước đã có FTA với EU. Trong khi đó thì vải sản xuất trong nước hiện mới chỉ đáp ứng 25 - 30% nhu cầu.

Do vậy, thay vì chỉ “chăm chăm” bán “con tôm, cân gạo”, Việt Nam phải chú trọng thu hút đầu tư vào những lĩnh vực đang thiếu, đang yếu. Cần có chính sách “bật đèn xanh” cho các công ty nước ngoài đầu tư những “lỗ hổng” thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu. Bên cạnh đó, cần đầu tư, xây dựng các khu công nghiệp tập trung, trọng điểm với cơ sở hạ tầng hiện đại để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất, tăng cường liên doanh, liên kết, tăng tỷ lệ nội địa hóa và sức cạnh tranh trên thị trường. 

Theo Đời sống
back to top