Thẩm định sách Công nghệ giáo dục: Thấu tình mới đạt lý!

(khoahocdoisong.vn) - Liên quan tới việc sách công nghệ giáo dục bị loại, GS.TS Đặng Quốc Bảo. nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho rằng, cần phải lắng nghe ý kiến của nhân dân trong việc thẩm định sách, có thấu tình cũng mới đạt lý.

Bộ GD&ĐT: Hội đồng thẩm định khách quan, minh bạch

Vòng 2 của thẩm định sách giáo khoa (SGK) lớp 1 khép lại, có thêm sách Đạo đức 1 - công nghệ giáo dục bị loại.

Theo nhóm tác giả, những đánh giá trong biên bản nhận xét lần 2, nhóm thấy không thuyết phục. Cụ thể, hội đồng can thiệp quá sâu vào nội dung bài học thay vì căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu, chuẩn kiến thức, kỹ năng cần đạt của chương trình.

Sự việc này một lần nữa lại xới lên những băn khoăn về chất lượng của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa cũng như việc loại sách công nghệ giáo dục – một bộ sách đã được thực hiện tới 40 năm và cho kết quả tốt thì liệu có thỏa đáng?

Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) chia sẻ với báo chí, việc thành lập Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới CT, SGK GDPT đã đưa ra, và mới đây được quy định trong Luật Giáo dục 2019 (Điều 32).

Thành phần Hội đồng thẩm định bao gồm những nhà khoa học có chuyên môn đầu ngành của môn học, các nhà sư phạm đến từ các khoa của trường sư phạm đại diện cho những nhà phương pháp, những nhà quản lý đang công tác ở các sở, các phòng GD&ĐT.

Đặc biệt, hội đồng thẩm định lần này có quy định ít nhất là 1/3 giáo viên (GV) đang trực tiếp giảng dạy môn học. Riêng với lớp 1, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT yêu cầu cần quan tâm tới yếu tố vùng miền trong lựa chọn GV tham gia thẩm định SGK.

Những quy định về hội đồng thẩm định cho thấy sự đa dạng, đa chiều về thành phần và có sự đánh giá bao quát, toàn diện đối với một bản thảo SGK.

Đối với quy trình làm việc của hội đồng thẩm định, ông Tài cho biết, rất khách quan, minh bạch.

Cụ thể, mỗi thành viên được dự kiến mời tham gia vào hội đồng sẽ được tập huấn để tìm hiểu về chương trình. Chương trình lần này thay đổi về mục tiêu, mục đích phát triển phẩm chất năng lực của học sinh nên từ cách thiết kế mạch nội dung cho đến các phương pháp giảng dạy đều phải thay đổi, mới đạt được mục tiêu của CT.

Sau khi được tập huấn sẽ thiết kế thành phần của Hội đồng. Thành viên Hội đồng sẽ có 15 ngày để đọc độc lập bản thảo khi có bản thảo gửi tới. Sau đó, Hội đồng sẽ làm việc tập trung. Trong ngày làm việc tập trung đầu tiên của Hội đồng, tác giả sẽ được mời đến để trình bày bản thảo của mình.

Sau đó, Hội đồng có 7 ngày làm việc tập trung để thảo luận dựa trên tiêu chí mạch kiến thức theo quy định và những cấu trúc cần đạt, minh chứng cụ thể cho SGK rồi bỏ phiếu.

Trước khi cống bố kết luận, tác giả một lần nữa được mời đến để nghe nhận xét, kết luận của Hội đồng và có quyền “phản biện”. Trong trường hợp giữa tác giả và Hội đồng không thống nhất được, sẽ mời lực lượng độc lập thứ ba.

Tất cả các bước làm việc của Hội đồng đều vô cùng khách quan, minh bạch, thể hiện sự dân chủ giữa hội đồng thẩm định và tác giả. Các tác giả hết sức đồng tình với cách làm đó, nhiều tác giả bày tỏ sự cảm ơn Hội đồng đã chỉ ra những chỗ cần phải chỉnh sửa trong bộ sách của mình, để khi SGK đến với học sinh sẽ là những bản thảo tốt nhất.

Điều quan trọng là thực hiện đúng luật

Ông Tài cho biết, sách được thẩm định trước hết dựa trên quy định của 2 Thông tư (32, 33). Trong 5 bộ sách với 45 bản thảo, đến thời điểm này có 11 bản thảo SGK không đạt.

Nhiệm vụ của Bộ GD&ĐT là thực hiện đúng luật và Luật Giáo dục quy định ở Điều 32 là SGK phải cụ thể hóa CT.

Vì vậy, với những bộ sách không đáp ứng được CT GDPT 2018, Hội đồng phải nghiêm túc thẩm định, đảm bảo sự công bằng giữa các bộ sách. Và điều quan trọng ở đây là thực hiện đúng luật. 

PGS.TS Đào Đức Doãn, Chủ tịch Hội đồng thẩm định sách giáo khoa môn Đạo đức cũng nhận định: Các tiêu chí thẩm định được quy định rất đầy đủ, tường minh, giúp Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa làm việc thuận lợi.

Việc có những điều kiện khung mà sách giáo khoa phải tuân theo là cần thiết, nhằm đảm bảo các bộ sách giáo khoa có sự thống nhất chung về yêu cầu và định hướng lớn, đúng với chương trình môn học, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mà các văn bản Luật, Nghị quyết Quốc hội, Quyết định của Chính phủ đã quy định.

Thấu tình mới đạt lý

Trao đổi với PV KH&ĐS, GS.TS Đặng Quốc Bảo. nguyên giám đốc Học viện Quản lý giáo dục cho biết, ông đồng ý là phải tuân thủ pháp luật, không ai phản đối tiêu chí pháp lý.

Tuy nhiên, ngoài pháp lý thì còn phải có đạo lý, công lý. Ở đây, Bộ GD&ĐT đã chú ý tới đạo lý và công lý hay chưa, hay mới chỉ nói  tới pháp lý?

Công lý tức là người dân ở đây người dân đã chọn. Người dân có đủ nhận thức, năng lực, thấy cái gì tốt thì người ta dùng.

Còn đạo lý tức là tính nhân văn và khoa học của bộ sách đó. Hay nói cách khác thì bộ sách đó có dạy con người ta nên người, yêu nước, có sống tử tế hay không.... hay không?

“Chân lý là một tổ hợp của pháp lý, ngoài ra còn có công lý và đạo lý. Ở đây cần xem nó đã thấu tình đạt lý hay chưa? Mà người Việt Nam có thấu tình thì mới đạt lý”, GS Bảo nói.

Theo GS,TS Đặng Quốc Bảo, cần phải lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, nhưng quan trọng hơn là ý kiến của nhân dân, đặc biệt là của cha mẹ học trò, của những thế hệ mà 40 năm nay sách Công nghệ giáo dục đã áp dụng, triển khai xem họ nói thế nào.

Có những người là đại biểu Quốc hội, có những nhà toán học như Ngô Bảo Châu, vì sao người ta lại ủng hộ… Có câu nói cần phải “thực chứng”, “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chỉ có cây đời mãi mãi xanh tươi”. Cho nên, cần lắng nghe ý kiến nhân dân.

“Tôi đến nhiều gia đình người ta bảo không hiểu sự chỉ huy của Bộ GD&ĐT là như thế nào mà cho thực hiện bộ sách Công nghệ giáo dục hơn 40 năm, và GS Hồ Ngọc Đại tự hào rằng nhờ có bộ sách này mà có hàng trăm ngàn học sinh xóa mù chữ. Rất nhiều người dân ủng hộ và chọn bộ sách Công nghệ giáo dục. Vậy người dân đúng hay sai, Bộ GD&ĐT cần trả lời câu hỏi đó”, GS.TS Đặng Quốc Bảo nói.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top