Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly

Thái Tể, Phụng Quốc công Lê Bá Ly (1476 – 1557) là quan võ thời Lê sơ, Hiệu úy dưới quyền chỉ huy của Mạc Đăng Dung. Khi Mạc Đăng Dung dựng nhà Mạc (1527), ông phụng sự nhà Mạc, sau theo Lê Trang Tông.

Hình minh họa.

Đánh thắng Mạc Chính Trung
“Khâm định Việt sử thông giám cương mục” chép: Lê Bá Ly người làng Cổ Phạm, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Năm 1546, Mạc Hiến Tông qua đời, con trai còn nhỏ lên ngôi, tức Mạc Tuyên Tông; Khiêm vương Mạc Kính Điển làm phụ chính; trong khi tướng Phạm Tử Nghi muốn lập con thứ Mạc Thái Tổ là Hoằng vương Mạc Chính Trung đã trưởng thành làm vua, nhưng không được nên cùng Chính Trung khởi binh nổi loạn.
Mạc Kính Điển sai Trần Phỉ đưa Mạc Tuyên Tông sang sông về Dương Kinh, rồi cùng Nguyễn Kính đánh Tử Nghi, nhưng không nổi phải huy động Lê Bá Ly tham chiến.

Bá Ly sai con trai quản lý việc trong phủ, còn mình cùng người con khác là Phổ quận công Lê Khắc Thận truyền lệnh cho Quảng quận công Nguyễn Khải Khang cùng các tướng Phú quận công Nguyễn Hữu Mệnh là con Tây quận công Nguyễn Kính, Khổng Toàn hầu và Khang Phụ hầu cùng đánh.
Nhờ lực lượng mạnh, Mạc Kính Điển và Lê Bá Ly đánh thắng, buộc Tử Nghi phải chạy ra chiếm giữ An Quảng, còn Mạc Chính Trung, Mạc Văn Minh, Mạc Phúc Sơn bỏ chạy sang Trung Quốc. Tình hình tạm yên, Mạc Tuyên Tông được rước về Thăng Long.
Quyền thế lớn
Mạc Chính Trung chạy sang Trung Quốc, kể tội đại thần Nguyễn Kính chuyên quyền, đuổi người thừa kế ngôi vị là Chính Trung. Nhà Minh ngờ vực Mạc Tuyên Tông không phải dòng dõi Mạc Thái Tổ nên sai sứ đưa thư sang hỏi.

Lê Bá Ly cùng Mạc Kính Điển hộ vệ Mạc Tuyên Tông lên ải Trấn Nam gặp sứ Minh. Bá Ly được lệnh làm tờ biện bạch và cam kết không nói dối; đồng thời xin được chiếu theo lệ cũ để nhận phong như các đời trước.

Quan nhà Minh tại Lưỡng Quảng chấp thuận công nhận Mạc Tuyên Tông. Sau lần hội khám trở về, Lê Bá Ly được thăng chức Thái tể.
Thái tể Lê Bá Ly quyền thế rất lớn, ông còn có thông gia với Thư quận công Nguyễn Thiến – Thượng thư bộ Lại; con trai trưởng Lê Khắc Thận trấn thủ Sơn Nam và là phò mã nhà Mạc, con trai thứ Thuần Lương hầu, cai quản đội cấm binh, người cháu Vạn An hầu cũng là phò mã, giữ chức Kim ngô vệ sự; con rể Phái Văn hầu Nguyễn Quyện giữ vệ Phù Nam, con nuôi Tả Ngự hầu giữ vệ Cẩm y; một người thông gia khác là Đổng Giáng hầu Bùi Trụ giữ chức Tán lý quân vụ.
Trong triều khi đó có hai sủng thần là Phạm Quỳnh, Phạm Dao. Phạm Quỳnh nguyên quán ở Đặng Xá, Thanh Lâm, đến cư ngụ tại thôn Bùi Tây, xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, nhà nghèo làm nghề bán trà.

Khi Mạc Kính Điển hai tuổi, thường đau ốm quặt quẹo luôn, muốn tìm người vú nuôi. Lê Bá Ly bèn sai vợ Phạm Quỳnh vào cung làm vú nuôi Kính Điển.

Khi Mạc Kính Điển giữ quyền bính nghĩ tới tình nghĩa nuôi dưỡng của vợ Quỳnh nên trọng dụng cả hai cha con Phạm Quỳnh. Phạm Quỳnh giữ quyền Tiết chế Đông đạo, Phạm Giao trấn thủ Sơn Nam, gia hàm Thái bảo.

Năm 1548, Phạm Quỳnh được phong tước Vinh quận công, Phạm Giao lúc đầu phong tước Phú Xuyên hầu, sau thăng lên Văn Quận công.

(còn nữa)

 Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top