Thái sư Đàm Dĩ Mông – nổi chìm giữa thời loạn lạc

Thái sư Đàm Dĩ Mông – nổi chìm giữa thời loạn lạc. Ông từng làm đến chức Thái uý và được phong đến tước Vương, nhưng sau lại bị giáng chức.

Hình minh họa.

Làm quan vì có chị làm vợ vua

Đàm Dĩ Mông là con của tướng quân Đàm Thì Phụng và là em của Đàm Thị – vợ vua Lý Cao Tông. Năm 1186, Đàm Thị – được phong làm An Toàn nguyên phi.

Có chị làm vợ vua, nên mặc dù (sử chép), là người nhu nhược, không quyết đoán, không có học vấn, Đàm Dĩ Mông vẫn được cất nhắc làm quan trong triều. Năm 1190, Thái phó Ngô Lý Tín qua đời, ông được phong làm Thái phó, phụ chính cho vua Cao Tông.

Năm 1192, giáp Cổ Hoành thuộc Thanh Hóa theo Lê Vãn nổi dậy chống lại triều đình. Đàm Dĩ Mông được lệnh phát binh đánh Lê Vãn. Tới nơi, ông cho quân chặt cây cối quăng xuống sông ngăn chặn thuyền quân nổi dậy. Thuyền quân của Lê Vãn chỉ có thể di chuyển ngang dọc mà không thể xếp thành thế trận, thừa cơ, Đàm Dĩ Mông thúc quân đánh gấp, phá tan và bắt được chủ tướng Lê Vãn nhốt vào cũi đưa về Thăng Long trị tội.

Tháng chạp năm 1192, Hồ Điệp ở Diễn Châu nổi dậy chống lại triều đình, Đàm Dĩ Mông lại được cử đi dẹp, ông lại thắng trận, bắt sống được Hồ Điệp. Đầu năm 1194, thủ lĩnh châu Chân Đăng là Hà Lê nổi dậy, Đàm Dĩ Mông lại được cử cầm quân đi dẹp. Lần này Đàm Dĩ Mông cũng thắng và bắt được Hà Lê.

Tuy đánh dẹp được nhiều lần các đội quân nổi dậy chống triều đình, nhưng sử sách đánh giá, ông là người không có bản lĩnh vững chắc, nhân tình trạng rối loạn lúc bấy giờ, ông đã chia bè kết đảng và dốc nhiều sức người, sức của vào việc tiễu trừ các phe phái đối lập, thực chất là làm cho nội bộ triều đình nhà Lý càng thêm hỗn loạn.

Bị giáng chức

Tháng 7 năm 1203, vua Chiêm Thành là Bố Trì bị chú là Bố Do đánh đuổi đã mang 200 thuyền chở gia quyến đến cửa Kỳ La cầu cứu. Lý Cao Tông sai Đàm Dĩ Mông và Khu mật xứ Đỗ An vào Kỳ La xử lý việc này.

Đến nơi, nghe theo lời Đỗ An mà không nghe theo Phạm Diên và Đỗ Thanh, ông bỏ không thu nhận Bố Trì mà trở về kinh đô. Kết quả hai tướng Phạm Diên và Đỗ Thanh sợ tội, tự mang quân đánh Bố Trì, nhưng bị bại trận, còn Bố Trì cũng bỏ về nước.

Thượng tướng Nguyễn Bảo Lương và Thượng thư bộ Lại là Từ Anh Nhị vốn là những người có tư thù với Đàm Dĩ Mông từ trước, nhân việc này tâu rằng, Đàm Dĩ Mông là mọt nước hại dân. Không biết nếp tẻ, Lý Cao Tông giáng ông làm đại liêu (dưới hàng Tam công), bỏ chức phụ chính.

Lúc này nhiều châu trong nước lại nổi dậy chống triều đình. Tháng 10 năm 1204, Lý Cao Tông sai Đàm Dĩ Mông mang quân đi đắp kênh bà Câu về phía bắc dọc theo cửa sông đến trại Vạn Lôi để ngăn chặn người châu Đại Hoàng theo Phí Lang nổi loạn.

Đắp kênh xong, ông  đóng vài chục chiếc thuyền lầu, cho quân cung nỏ người Phú Lương, Thái Nguyên trên thuyền để đánh quân nổi dậy. Sau đó Đàm Dĩ Mông trở về Thăng Long theo lệnh gọi của vua Cao Tông. Quân Phí Lang đến nơi, quân triều đình thấy địch thanh thế lớn quá đều bỏ chạy, quân cung nỏ do Đàm Dĩ Mông sắp đặt trên thuyền đều bị giết.

Tháng 2/1206, Đàm Dĩ Mông được phong làm Thái bảo, được đội mũ củng thần. Tháng 4 âm lịch năm 1207, Lý Cao Tông phục chức phụ chính cho ông.

(còn nữa)

Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top