Thái độ khó chịu

Vào bệnh viện thăm người ốm, khó chịu nhất là thái độ của nhân viên y tế. Lúc vào phòng bệnh, em  vào trông bố ốm ở đây đã quen rồi, lấy cho mỗi người một đôi dép từ trên giá để đi.

Lúc ra, có người không biết cứ để dưới sàn, không cất lên giá, thế là cậu y tá có cái giọng rất khó chịu, nói kiểu chì chiết, nào là vô ý thức, nào là cứ suốt ngày đi theo sau mà cất dép…

/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/trong-benh-vien-300x213.jpg

Hình minh họa.

Tôi thấy, trước tiên cách làm việc của bệnh viện chưa chuẩn. Đáng lẽ ở cửa ra vào phải dán thông báo, trước khi ra khỏi phòng bệnh, phải để dép lên giá… Rõ ràng thế để ai cũng biết mà thực hiện.

Còn nếu không, thì tự mình cúi xuống nhặt dép mà cất lên. Vất vả một tí còn hơn cau có, cạu cọ, tự biến mình thành ra đáng ghét trong con mắt người khác. Cứ thế lâu dần thành ra tính cách, rất khó chịu.

Thái độ đó có lẽ xuất phát từ chỗ việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp chưa được làm tốt. Anh là y tá, nhiệm vụ của anh là phục vụ người bệnh chứ không phải là ban ơn cho người ta. Nếu ngại việc thì chọn nghề khác mà làm.

Có lần tôi phải vào viện chăm người ốm, trong phiếu theo dõi có ghi: chăm sóc toàn diện. Thế nhưng từ việc vệ sinh, đến theo dõi dịch truyền, dịch từ ống xông, nước tiểu…người nhà toàn phải tự làm rồi báo lại cho y tá.

Sáng chiều chỉ thấy mấy cô y tá đến phát thuốc, đuổi người nhà ra khỏi phòng (đuổi ra rồi mà nếu người bệnh cần đi vệ sinh thì họ lại gọi vào để đưa đi). Mỗi lần hết dịch truyền là lại tất tả đi tìm cho được y tá. Đến mệt.

Mà cũng chả cứ gì trong bệnh viện, cái thái độ khó chịu đó còn gặp ở rất nhiều nơi. Chỉ là nhân viên thôi mà cứ làm như mình là những ông bà tướng, hạch sách, nói năng chỏng lỏn, cau có với cả những người đáng tuổi ông bà, bố mẹ mình. Làm công ăn lương mà cứ như ban ơn, bố thí cho người khác không bằng.

Vẫn biết là dân mình lắm lúc cũng không chịu đọc thông báo, cái gì cũng hỏi, trả lời nhiều thành ra bực. Nhưng trước hết đó là do khâu hướng dẫn anh làm chưa tốt dẫn đến nhiều người không biết mới phải hỏi.

Vì vậy, cùng với việc hoàn thiện các quy chế, hướng dẫn, một điều vô cùng quan trọng là việc giáo dục đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ mỗi ngành nghề phải được làm thường xuyên. Như một số cơ sở tư nhân đã làm rất tốt.

Minh Anh

Theo Đời sống
back to top