Thách thức với ông Nguyễn Văn Thắng khi ngồi “ghế nóng” Bộ trưởng GTVT
Hải Ninh
Đối mặt với những thách thức không nhỏ, tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng nói rằng sẽ cùng cán bộ ngành GTVT cố gắng, nỗ lực hết mình để hoàn thành được các nhiệm vụ.
chia sẻ
Chiều 21/10, với đa số phiếu đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn bổ nhiệm ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên, giữ chức vụ Bộ trưởng GTVT nhiệm kỳ 2021-2026.
GTVT là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò hết sức quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước. Ngồi “ghế nóng”, tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong thời điểm nhiều dự án hạ tầng lớn đang được triển khai.
Bộ GTVT được coi là một trong những đầu tàu quan trọng, được ưu tiên bố trí một lượng vốn đầu tư rất lớn cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Năm 2022, Thủ tướng Chính phủ giao hơn 50.000 tỷ đồng kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, đây là khối lượng giải ngân được giao lớn nhất từ trước đến nay.
Bộ GTVT đã phân bổ chi tiết toàn bộ số vốn đầu tư công này thông qua 6 đợt giao và điều chỉnh kế hoạch. Đến hết tháng 9/2022, Bộ giải ngân khoảng 27.027 tỷ đồng, đạt 53,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy nhiên, con số này vẫn chậm so với kế hoạch đã đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (61%). Do đó, từ nay tới cuối năm, Bộ GTVT cần tiếp tục giải ngân khoảng 23.301 tỷ đồng (46,3%). Để hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân năm 2022, Bộ cần giải ngân mỗi tháng trên 7.000 tỷ đồng, đây là thách thức rất lớn đòi hỏi sự quyết tâm cao hơn nữa.
Đối với Cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2 (2021 - 2025), theo kế hoạch sẽ phải hoàn tất các thủ tục liên quan để khởi công các gói thầu đầu tiên vào cuối tháng 12/2022. Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu xây lắp, tư vấn giám sát trước ngày 20/12; chuẩn bị công tác khởi công các gói thầu đầu tiên từ ngày 21 đến 24/12. Các gói thầu còn lại hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu và tổ chức thi công trong quý 1/2023. Đây cũng là một thách thức không nhỏ với tân Bộ trưởng.
Sau gần 4 tuần kể từ khi Bộ GTVT phát động đợt thi đua nước rút 120 ngày đêm thông xe kỹ thuật, dù đã có những cải thiện đáng kể trên công trường triển khai 4 dự án thành phần thuộc Dự án Xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây. Tuy nhiên, ngày 31/12 là thời hạn hoàn thành phần lớn các gói thầu xây lắp mà các nhà thầu ký với Bộ GTVT. Nếu không có sự hỗ trợ, động viên, khích lệ, thì khó có thể đạt được tiến độ đề ra.
Thực tế, áp lực trong đợt nước rút 120 ngày đêm đối với các ban quản lý dự án, nhà thầu, đơn vị thi công là rất lớn, bởi tính đến thời điểm phát động thi đua hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc này, tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45 mới đạt 69,5%; Phan Thiết - Dầu Giây đạt 55,72%; Vĩnh Hảo - Phan Thiết đạt 50,18% giá trị hợp đồng. Thời hạn 3 tháng để hoàn thành công việc bằng cả 2 năm trước đó đòi hỏi các chủ thể tại 4 dự án nói trên phải nỗ lực cao độ. Do đó, để đợt nước rút có kết quả, Chính phủ, Bộ GTVT, các địa phương liên quan cần sớm có sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt là trong việc đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng vật liệu, cần có cơ chế thanh toán nhanh gọn, kịp thời và ban hành các thông báo giá sát thực tế.
Mục tiêu tới năm 2025 cả nước có 3000 km cao tốc. 20 năm qua, Việt Nam mới xây dựng được khoảng 1.500 km đường bộ cao tốc. Tuy nhiên, mục tiêu tới năm 2025 cả nước sẽ có 3.000 km, và tới năm 2030 là 5.000 km. Trước đó, khi còn đương nhiệm, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể từng cam kết tới năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao là có 3.000 km cao tốc. Mục tiêu này sẽ là thách thức rất lớn với tân Bộ trưởng GTVT.
Với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, dù các báo cáo của Bộ GTVT đều khẳng định các mốc đang đáp ứng cơ bản tiến độ đặt ra. Tuy nhiên, tới nay, các hạng mục quan trọng như nhà ga hành khách, đường băng sân đỗ, đường kết nối... vẫn chưa được khởi công. Trong khi đó, mục tiêu đặt ra là cuối năm 2025, tức chỉ còn hơn 3 năm, phải hoàn thành và đưa vào khai thác sân bay này.
Hiện nay, công tác thi công đất tại dự án đạt khoảng 16 triệu m3 nhưng vẫn chậm so với tiến độ yêu cầu do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều. Khi đương nhiệm, Bộ trưởng Thể yêu cầu từ nay đến tháng 6/2023, toàn bộ công tác đắp đất gồm 110 triệu m3 đất phải hoàn thành. Đồng thời, đầu tháng 10/2022 phải khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất…Trong khi đó, vấn đề quy hoạch sân bay, một trong 5 quy hoạch ngành lớn của Bộ GTVT hiện chưa được thông qua cũng là một thách thức với tân Bộ trưởng GTVT.
Chia sẻ với báo chí ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn ngồi “ghế nóng” ngành GTVT chiều 21/10, tân Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng khẳng định sẽ cùng với các cán bộ, nhân viên trong ngành nỗ lực để hoàn thành các nhiệm vụ, đáp ứng sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
Ông Thắng cho biết, bản thân đã có quá trình công tác ở ngành ngân hàng hơn 22 năm, ông thấy rằng hiện nay nguồn lực trong xã hội còn rất lớn. Do vậy, trong bối cảnh ngân sách nhà nước hạn chế, chúng ta cố gắng lấy vốn nhà nước làm vốn mồi. Cùng với đó là nghiên cứu đưa ra giải pháp thu hút được nguồn vốn ngoài xã hội, đặc biệt là từ các doanh nghiệp để đưa vào xây dựng kết cấu hạ tầng. Đây cũng là kế thừa các thành quả trước đây.
Các dự án đầu tư công trước đây theo hình thức PPP là chủ trương rất đúng, trúng và thực tế rất hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế xã hội. Đây chính là kinh nghiệm, là cơ sở để Bộ GTVT tiếp tục nghiên cứu đưa ra các giải pháp làm thế nào để thu hút nguồn lực ngoài xã hội đưa vào xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án kết cấu hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, ngành Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục tập trung, rà soát lại các dự án BOT trong thời gian vừa qua, để tháo gỡ những khó khăn, tồn tại của các dự án, đưa ra giải pháp để tiếp tục thu hút các nguồn vốn xã hội cũng như các nguồn vốn khác. Từ đó, thúc đẩy xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh nguồn ngân sách nhà nước có hạn.
Người dân, doanh nghiệp vận tải kỳ vọng, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Văn Thắng, ngành giao thông vận tải sẽ hoàn thành các mục tiêu đề ra, thúc đẩy kinh tế, xã hội đất nước phát triển.
>>> Mời độc giả xem thêm video Tân Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng trả lời phỏng vấn bên lề Quốc hội chiều 21/10. Nguồn: Vietnamnet
Theo kế hoạch vừa ban hành, từ ngày 15/12/2024 đến hết 15/3/2025, Hà Nội tổ chức 4 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP phục vụ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025.
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Bộ Chính trị điều động, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước nhiệm kỳ 2020-2025.
Số liệu từ Cục ATTP, Bộ Y tế cho thấy, có tới 70 - 80% thức ăn đường phố, trong đó có quà vặt cổng trường được xác định là bị nhiễm khuẩn như E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Ngày 22/11, lãnh đạo UBND xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội cho biết, cơ quan công an đang điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ thanh niên cướp ô tô, đánh người tử vong xảy ra trên địa bàn.
Mới đây, mặt trận Kupyansk đang thu hút được sự chú ý của dư luận khi một trận chiến ác liệt chưa từng có đang diễn ra, với hơn 8.000 binh sĩ của cả hai bên tham gia.
Thông qua hội thảo, Chủ tịch Phan Xuân Dũng hy vọng các đại biểu sẽ đánh giá cụ thể vai trò của phổ biến kiến thức khoa học công nghệ đối với bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh.
Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Phạm Văn Vọng bị đề nghị kỷ luật khai trừ Đảng do có nhiều vi phạm gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn ngân sách Nhà nước.