Tết là thiêng liêng

Tết là thiêng liêng. Vì vậy dù rất nhiều thứ đã đổi thay, nhưng có một điều cần phải giữ, đó là sự thiêng liêng của ngày Tết.

Tết là thiêng liêng.

Với mỗi người, Tết lại mang một ý nghĩa khác nhau. Với những người phụ nữ của gia đình, đó là những ngày tất bật lo toan sao cho đầy đủ lễ bên nội, bên ngoại, sao cho mâm cỗ cúng đêm 30 không thiếu thứ gì, sao cho mấy ngày Tết khách đến phải trầm trồ với bình hoa tươi quá, mâm ngũ quả đẹp quá, món bánh mứt kẹo mua ở đâu mà ngon quá…

Với những người đàn ông, đó là những ngày được nghỉ ngơi bên gia đình, đi chơi và gặp gỡ bạn bè. Với những người già đó là dịp để con cháu về sum họp. Với những đứa trẻ đó là dịp được mặc đẹp, ăn ngon, được mừng tuổi…

Nhiều khi cứ tự hỏi, tại sao phải vất vả đến thế để lo cho một cái Tết. Bánh chưng thì quanh năm lúc nào chả có, mứt kẹo cũng có ăn mấy đâu, rồi măng miến, gà, mọc… cứ phải nấu cho đủ, bê ra rồi bê vào, mấy ngày sau có khi lại bỏ đi.

Vậy mà vẫn cứ phải ầm ầm mua sắm, cả xã hội tốn đến cả nghìn tỉ đồng cho cái Tết. Rồi người ở xa chen chúc tàu xe, bồng bế nhau đi cả nghìn cây số về quê ăn Tết, được mấy ngày lại đùm dúm nhau đi…

Thế nhưng, cuộc đời là vậy, mọi cái nhiều khi không thể đơn giản được, ngày thường có thể thế nào cũng xong, chứ đến Tết là không thể lơ là. Bởi Tết là thiêng liêng. Có những thứ vô cùng quan trọng, vô cùng thiêng liêng cần được gìn giữ, đó là cái không khí ngày Tết.

Cái không khí thiêng liêng đó bắt đầu từ chiều 30, khi đường phố vắng hiu bởi ai cũng đã về với gia đình của mình. Những người còn ra ngoài đường thường là phải có việc gì gấp gáp lắm, không thể hoãn lại được.

Người ta đều muốn ở bên những người thân yêu, dọn dẹp lại bàn thờ, kê lại cây quất, sửa lại cành đào, chuẩn bị cho mâm cỗ cúng giao thừa, nấu nồi nước lá mùi tắm tất niên…

Và càng gần tới Giao thừa, cái sự thiêng liêng ấy càng tăng. Trẻ con thì đi lại rón rén, nói năng nhỏ nhẹ, người lớn cũng gượng nhẹ hơn, tránh không cáu gắt, mắng mỏ.

Có một cái gì đó vô hình nhưng lại vô cùng thiêng liêng, hiển hiện trong làn khói hương trầm, khiến tâm hồn con người như lắng lại, cùng hướng về cội nguồn, tổ tiên.

Cái không khí ấy còn kéo dài ít nhất cho đến tận hết ngày mùng Một. Người ta cẩn thận hơn khi bước chân ra đường, khi chúc tụng nhau, khi làm bất cứ một việc gì, bởi đó là ngày đầu năm mới.

Rất nhiều thứ đã đổi thay, đến cả ý nghĩa, cách thức ăn Tết, chơi Tết… cũng có nhiều thay đổi, nhưng có một điều cần phải giữ, đó là sự thiêng liêng của ngày Tết.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top