Teo tóp nghề làm vàng mã Sài Gòn

Thật ra thì nghề làm vàng mã ở Sài Gòn đã bị “teo tóp” gần 5 năm nay rồi, người ta ngày càng ít đốt vì không còn mê tín như xưa, nên xóm này bây giờ mới chỉ còn vài nhà duy trì nghề”, anh Oai, một hộ dân sản xuất hàng mã cho biết.

Mẫu mã như hàng thật

Tìm đến một gia đình lâu năm có uy tín gần khu vực sân vận động Thống Nhất, quận 10 để tìm hiểu về phong tục đốt vàng mã từ chính những người làm nghề này. Anh Oai (48 tuổi) chủ cơ sở chia sẻ: “Hóa vàng mã cho tổ tiên, thần linh xuất hiện từ chữ Tâm. Nhà tôi hơn ba đời làm nghề vàng mã rồi. Nghề này nhìn vậy mà…“chua” lắm. Mình phải thăm dò thị hiếu người ta để hướng dẫn thợ làm như: Nhà, xe, quần áo, hình nhân, ngựa, tiền, tàu thuyền… đủ mọi kích cỡ. Rồi chờ người ta đến mua, chứ ở đây ít làm hàng đặt lắm”.

Nghề làm vàng mã.

Hình nhân người hầu cho người chết ở cõi âm.

Cũng theo anh Oai, nhà đốt xuống âm phủ cũng có đủ loại nhà như ở trên trần này vậy. Giá cũng thế, nhà nhỏ chỉ khoảng trên 100 ngàn, còn nhà lầu khoảng 350 ngàn, cứ mỗi tầng lên cao thì giá lên thêm khoảng 150 ngàn. Biệt thự thì giá từ 1 triệu trở lên. Chỉ chiếc xe hơi Mercerdes dài khoảng 1m màu trắng mà cơ sở mình mới làm xong, anh Oai cho biết giá khoảng 1,5 triệu, còn chiếc khác dài khoảng 1,5m giá khoảng 3 triệu.

Căn nhà chứa chật ních hàng trăm kiểu vàng mã trên đời này, anh Oai tự hào giới thiệu chiếc SH đồ mã mới làm kích cỡ bằng xe thật, màu đỏ chói, có giá khoảng 3 triệu. Còn chiếc thuyền rồng dài khoảng 1m, cao 2 tầng như loại “thuyền ngự” của vua chúa thời phong kiến có giá là 3,5 triệu.

Tại cơ sở sản xuất vàng mã của bà Hòa (52 tuổi, gần khu vực chợ Lớn) có các cặp hình nhân, theo lý giải, đó là cặp người hầu cho các chủ nhà “đại gia” trên dương trần, sau này người nhà cũng thích hóa vàng để có người… hầu hạ người thân dưới địa phủ. Giá mỗi cặp hình nhân có giá 1 triệu đồng.

Theo bà Hòa, giá thành của mỗi sản phẩm chỉ khoảng 1/3 giá bán nhưng không phải ngày nào cũng bán được, chỉ bỏ cho các mối, đại lý, ít khi bán được trực tiếp, chỉ bán được khi có người đặt hoặc có người biết, đến tận nơi chọn mua.

Biến tướng?

Bà Hòa chia sẻ: “Đồ mã ngày xưa làm nhỏ nhỏ xinh xinh, mỗi lễ gồm những loại tiền gì, bao nhiêu đều quy định rất cụ thể, chứ không phải cứ như bây giờ, thiên hạ ai cũng thích hoành tráng, phải to. Ngày xưa, cái xóm này có khoảng tám nhà làm vàng mã, nay chỉ còn có gia đình tôi. Cách bán cũng khác đi nhiều. Lúc trước, khách đến mua đồ lễ sắp sẵn theo đúng phong tục.

Bộ đồ lễ cúng ông Công, ông Táo gồm ba chiếc mũ nhỏ, ba đinh tiền, ba thếp tiền vàng. Còn lễ cúng giao thừa gồm hai mũ áo cho quan hành khiển của năm cũ và năm mới và hai lễ tiền hoặc như lễ giải sao cũng chỉ vài ngàn tiền vàng. Mỗi khi một người thân bốc mộ, chuyển về “nhà” mới thì mới hóa nhà cho họ. Nhà cũng nho nhỏ tượng trưng thôi, chứ không phải làm to như thật. Còn nữa, chỉ cần dâng cúng tiền vàng, tiền vàng đó có thể trao đổi và mua được các vật dụng cần thiết trong thế giới bên kia, chứ không phải hóa tủ lạnh, tivi, xe máy, xe hơi như thiên hạ bây giờ”.

Chiếc xe SH kích thước như thật và chiếc xe ô tô dài cả mét.

Những năm gần đây, lễ cưới cho “vong” – người chết xuất hiện ở Sài Gòn, những gia đình có người chết trẻ, chưa lập gia thất theo phong tục xưa người ta phải đốt kiệu hoa võng đào và hình nhân xuống tượng trưng cho lễ rước dâu. Nhiều người đã có gia đình nhưng đoản mệnh, mất khi còn trẻ thì gia đình đốt hình nhân để tránh về “bắt” vợ hay chồng.

“Đồ” cho người âm cũng phải theo một nguyên tắc cơ bản “thời thượng”. Thế gian có mặt hàng nào mới thì đồ hàng mã cũng thiết kế y chang. Vì thế, đã có một số gia đình làm lễ cưới cho vong giống như đám cưới người trần. Cũng tráp trầu cau, lễ vật, quần áo cô dâu, chú rể, nhẫn cưới, xe hoa… và không thể thiếu hình nhân.

Khi nghe đề cập đến quy định mới đây là sẽ cấm đốt vàng mã, bà Hòa “chùng” hẳn nét mặt, bà nói: “Thật ra thì nghề làm vàng mã ở Sài Gòn này đã bị “teo tóp” gần 10 năm nay rồi, người ta ngày càng ít đốt vì ít mê tín đi nhiều, nên xóm này bây giờ mới chỉ còn mình nhà tôi sản xuất. Nay nhà nước cấm luôn thì mình phải chuyển nghề thôi. Chứ làm thì bị phạt thì chịu sao thấu. Mai này có nhớ nghề, ai đặt thì mình làm cho vui thôi”.

Nghề bị… “teo tóp”

Làm hàng mã đồ quân trang là những sản phẩm…“độc”, để có được bộ súng, quần áo bộ đội, dây lưng, nón tai bèo, nón cối… bằng giấy, nhiều gia đình phải đặt trước cả tháng. Tuy phải chờ đợi nhưng không ai kêu ca hay bỏ cuộc.

Chị Sa (47 tuổi) nhà ở Phú Nhuận nói: “Tôi không phải là người mê tín, nhưng theo tập tục dân gian nên cũng đặt một số đồ mã đốt cho người thân của tôi là liệt sĩ. Sau mấy chục năm người thân của mình phải nằm ở nơi đất khách, quê người, thôi thì làm được việc gì mình cứ làm, chủ yếu cho đỡ áy náy trước vong linh người đã khuất. Tuy vậy, quan điểm của tôi là không nên bỏ quá nhiều tiền bạc vào việc này, cốt sao cái tâm mình thành là đủ”.

Chuyển đồ vàng mã từ cơ sở sản xuất đến đại lý.

Ông Xứng (55 tuổi), chủ một cơ sở chuyên làm đồ mã loại “độc” này ở đường Hưng Phú (quận 8) cho biết: “Loại đồ mã này, thiên hạ chỉ có nhu cầu khoảng 5 năm trở lại thôi. Ban đầu tôi còn bỡ ngỡ, nhưng người ta nài nỉ quá nên tôi mới mày mò để làm. Mỗi bộ giá chỉ khoảng 800 ngàn. Đây là một nhu cầu bức thiết của những ai có người thân là lính, là bộ đội đã hy sinh ở chiến trường mà nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt mang về để cải táng, để thờ nên người ta mới yêu cầu như vậy. Không làm thì thấy… tội tội thế nào. “Mà mai mốt nhà nước cấm rồi thì tôi phải làm sao để từ chối yêu cầu của người ta? Thôi thì cứ làm đại một vài bộ để cho người thân các liệt sĩ thỏa lòng thì mình cũng an tâm. Cái xóm làm hàng mã này chỉ còn vài gia đình làm, còn lại họ bỏ nghề. Bởi dân Sài Gòn nhất là các gia đình trẻ giờ ít cúng bái. Lễ Tết, giỗ họ đi chùa thắp hương và đi du lịch là nhiều”, ông Xứng nói.

Nghề vàng mã ở Sài Gòn ngày càng “teo tóp”, thất truyền là có thật. Bởi người dân, nhất là các gia đình trẻ, ngày càng thờ ơ với việc đốt vàng mã. Các chùa từ lâu nói không với việc đốt vàng mã, nay thì cấm hẳn. Trước đây, Chính phủ cũng đã có nghị định 75 (ngày 12/7/2010) về việc xử phạt hành chính trong hoạt động văn hoá, trong đó việc đốt vàng mã.

Thiên hạ nhiều nơi người dân ngày càng thờ ơ với vàng mã, nên như tâm tình của ông Xứng, anh Oai cùng nhiều người chuyển nghề khác. Ngay các lễ hội lớn như chùa Bà (Bình Dương), Bà Chúa Xứ (Núi Sam, Tây Ninh), cũng ít người đốt vàng mã, thì họ… bỏ nghề sản xuất vàng mã là phải.

Theo Đình Đình (Tiền phong)

Theo Đời sống
back to top