Tể tướng đất Đông Triều – Trần Thì Kiến

Trần Thì Kiến là người giữ nhiều trọng trách trong triều đình nhà Trần, nổi tiếng về tính liêm khiết và tài thao lược, được các sử gia xếp vào hàng những nhân tài nổi tiếng thời Trần.

Hình minh họa

Trần Hưng Đạo mến tài
Huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh là vùng đất cổ, một trong những địa phương có dân cư quần tụ từ lâu đời. Nơi đây đã sinh ra nhiều nhân tài nổi tiếng như nữ tướng Lê Chân, nữ tướng Vĩnh Huy, thời Hai Bà Trưng.

Đây là miền đất thiêng của nhà Trần, có những người đỗ đạt cao như bảng nhãn Lê Hiến Phủ, thám hoa Trần Đình Thâm và nơi đây thời nhà Trần đã sinh ra một danh nhân xuất chúng, đó là Trần Thì Kiến.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Trần Thì Kiến (1260 – 1330) người làng Cự Xạ, huyện Đông Triều, phủ Tân Hưng (nay là thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); là một môn khách của Trần Quốc Tuấn, nổi tiếng là một vị quan liêm khiết, đặc biệt là rất giỏi Kinh dịch.

Vì mến tài của Trần Thì Kiến nên Trần Hưng Đạo đã giữ ông lại làm môn khách và sau đó tiến cử ông lên vua Trần Nhân Tông, rồi được bổ nhiệm làm An phủ sứ phủ Thiên Trường, sau đó sang phủ Yên Ninh và qua nhiều chức vụ khác như: Kiểm pháp quan kiêm chức Đại An phủ sứ Kinh sư; Nhập nội hành khiển hữu gián nghị đại phu và cuối đời ông được thăng lên đến chức Tả bộc xạ – Tể tướng.
Thời đó chỉ những người được tin cậy đặc biệt mới giữ chức An phủ sứ Thiên Trường, nơi các vua Trần cho xây hành cung riêng và có thể sử dụng như kinh đô thứ hai khi cần thiết.

Năm thứ 5 niên hiệu Hưng Long năm 1297, Trần Thì Kiến lại được vua Trần Anh Tông bổ nhiệm làm Đại an phủ kinh sư, chuyên về kiểm pháp (tư pháp). Thăng đến chức Hành khiển gián nghị. Chỉ những ai sau khi làm An phủ sứ Thiên Trường mới được thăng lên An phủ sứ Đại kinh sư.
Tính thanh liêm hiếm có
Về sở trường khoa đoán quẻ Kinh dịch, sử sách còn ghi: trước khi diễn ra cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2, nhà vua sai Trần Thì Kiến bói, được quẻ Dự biến sang quẻ Chấn là tốt. Mùa hạ năm sau, quân Nguyên đại bại, quả đúng như lời đoán của ông.
Mùa thu năm 1286 niên hiệu Trùng Hưng thứ 2, quân Nguyên – Mông vào cướp nước ta lần thứ 3, vua lại sai ông bói và ông gieo được quẻ Quán biến sang quẻ Hoán, rồi đoán: “Hoán nghĩa là tan, là điềm giặc tan”. Sau quân Nguyên – Mông đến sông Bạch Đằng quả nhiên bị thất bại nặng nề phải tan chạy. Nhà vua khen tài của ông.
Trần Thì Kiến được bổ dụng làm Kiểm pháp quan, kiêm chức Đại an phủ Kinh sư. Chức vụ Kiểm pháp quan của Trần Thì Kiến không phải ngẫu nhiên mà có. Trước hết, bởi tính thanh liêm hiếm có của ông.

Truyện kể rằng, lúc đang làm An phủ sứ Thiên Trường, có người trong hương nơi ông trị nhậm, nhân ngày giỗ đem biếu ông mâm cỗ, Trần Thì Kiến hỏi vì cớ gì mà biếu. Người ấy trả lời là vì ở gần trị sở nên đem biếu chứ không có ý gì khác đâu.
Tuy nhiên, mấy ngày sau biếu mâm cỗ giỗ ấy, người ấy đến kêu xin, nhờ vả. Khi người ấy trình bày việc vừa dứt, quan Thì Kiến liền móc họng mửa ra, ý là trả cỗ hôm trước không nhận, làm cho kẻ kêu xin muối mặt mà về, từ đó không dám ho he nhờ cậy nữa.

Bởi việc liêm của ông, nên vua Anh Tông thăng làm Kiểm pháp quan. Mỗi khi có kiện tụng, thì dùng lý lẽ mà bắt bẻ, việc đến thì tìm phương pháp để ứng phó.

(còn nữa)

TS Nguyễn Thành Hữu

Theo Đời sống
back to top