Tàu trật bánh do công nghệ lạc hậu

(khoahocdoisong.vn) - Tàu trật bánh khiến hệ thống đường sắt Bắc Nam tê liệt nhiều giờ là do công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng kiên cố hóa bằng tà vẹt dự ứng lực…

Theo TS Trần Đình Bá, Hội Kinh tế Vận tải Đường sắt Việt Nam, sự cố đoàn tàu TN7 trật bánh ở Đồng Nai khiến hệ thống đường sắt Bắc Nam tê liệt nhiều giờ là do công nghệ cũ, lạc hậu, sử dụng kiên cố hóa bằng tà vẹt dự ứng lực…

Nhiều vụ trật bánh liên tiếp

Rạng sáng ngày 14/2, đoàn tàu TN7 từ Hà Nội vào Sài Gòn khi đến địa phận Đồng Nai đã trật bánh khiến đường sắt Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ. Theo thông tin ban đầu, vào thời điểm trên tàu khách TN7 (Hà Nội – Sài Gòn) chở theo 142 hành khách khi đến địa phận P.Tân Hiệp (TP.Biên Hòa, Đồng Nai) thì có hai toa tàu bị trật bánh khỏi đường ray. Sự cố khiến đường sắc Bắc - Nam tê liệt nhiều giờ. Các hành khách trên tàu thì được ngành đường sắt chuyển tải bằng xe khách về TP.HCM.

TS Trần Đình Bá nhận định, trong vài tháng qua đã xảy ra nhiều vụ tàu trật bánh và dự báo trong tương lai sẽ còn xảy ra nữa. Nguyên nhân của việc tàu trật bánh làm tê liệt cả hệ thống đường sắt Bắc Nam là bởi sự xuống cấp nghiêm trọng của hệ thống đường sắt khổ 1m đã lạc hậu. Việc kiên cố hóa bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực chứ không mở rộng thành loại đường sắt hiện đại 1,435m là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng tàu trật bánh.

Chỉ cần một đoạn tàu trật bánh là tê liệt cả hệ thống đường sắt Bắc Nam là bởi hiện nay công nghệ cũ thiết kết đường sắt chỉ có một nhánh. Trong khi kết cấu đường yếu, lạc hậu dẫn đến cứ tàu trật bánh là các đoàn tàu khác cũng “đứng im”. Điều này theo TS Trần Đình Bá cũng cần được xem xét khi thay đổi, mở rộng, hiện đại hóa hệ thống được sắt hiện tại, khắc phục sự lạc hậu về công nghệ để đổi mới, mở rộng, nâng cao hiệu quả của tuyến đường sắt quan trọng của đất nước.. .

“Nếu không hiện đại hóa, đổi mới ngành đường sắt mà vẫn giữ nguyên công nghệ lạc hậu như hiện nay thì sẽ còn nhiều vụ trật bánh xảy ra nữa. Nghiêm trọng hơn là các vụ tai nạn tàu hỏa có thể xảy ra vì công nghệ lạc hậu. Đã đến lúc phải mở rộng sang đường sắt khổ 1,435m có nhiều nhánh, sử dụng công nghệ hiện đại giống như nhiều nước trên thế giới đang áp dụng”, TS Trần Đình Bá cho biết.

Nhược điểm của đường sắt khổ 1m

Theo TS Trần Đình Bá, kiên cố hóa đường sắt khổ 1 mét bằng tà vẹt bê tông cốt thép dự ứng lực cũng chỉ khổ 1 mét là một sai lầm nghiêm trọng về luận chứng kỹ thuật. Là vì, ĐSQG  khổ 1 mét có mô men kháng lật thấp, dù có kiên cố hóa đến đâu cũng chỉ là “ĐSQG tốc độ thấp”. Tốc độ trung bình chỉ 45- 50 km/h và nguy cơ gây lật rất cao, lật tàu ngay cả trong sân ga khi dồn toa chỉ 5km/h . Đây là sai lầm nghiêm trọng về kỹ thuật công nghệ dẫn đến đường sắt cứ mãi sống trong lạc hậu kéo dài. Các quốc gia trên thế giới đã mở rộng thành công đường sắt 1m sang 1.435m trong khi chúng ta lại cứ khăng khăng cho rằng không thể mở rộng được, mở rộng sẽ tốn kém hơn làm mới…

TS Trần Đình Bá cho biết, thời Pháp thuộc, so với các nước ASEAN, Việt Nam có một hệ thống ĐSQG tốt nhất nối mạng quốc tế, trở thành một kỳ quan mà nhiều nước thèm muốn. Nhưng giờ, công nghệ đường sắt này đã lạc hậu. Khổ đường sắt 1m thời Pháp chỉ chạy toa tàu đầu máy kích thước nhỏ, hành trình kỷ lục bắc nam là 36 tiếng. Nay ta dùng loại đầu máy toa xe khổ tiêu chẩn quốc tế có tải trọng và kích thước lớn nên cứ như “chàng lực sỹ đi trên đôi chân khẳng khiu” thì lật tàu như cơm bữa là đương nhiên. Tai nạn đường sắt liên miên, trật bánh, lật tàu. Đường sắt cũ, công nghệ lỗi thời, như Bộ GTVT tự nhận là do “tham mưu kém”.

Đường sắt khổ 1m không còn giá trị sử dụng nữa, nếu duy trì sẽ là gánh nặng quốc gia, nếu vứt bỏ sẽ là lãng phí. Lối thoát duy nhất cho giải cứu ĐSQG lúc này là  phải nhanh chóng mở rộng hiện đại ĐSQG 1.435m tốc độ cao. ĐSQGG 1.435m tốc độ cao được gọi là “đường sắt tiêu chuẩn” chiếm 60% tổng chiều dài ĐS thế giới.

“Đất nước ta đã hơn 3 thập niên đổi mới nhưng ngành đường sắt dường như chưa có biến chuyển gì trong việc chuyển động, thay đổi, hiện đại hóa. Không phải vì không thể mà vì người làm bảo thủ, không chịu đổi mới, đánh giá sai tầm quan trọng của Đường sắt quốc gia (ĐSQG) trong tổng thể chiến lược giao thông vận tải nên đã lựa chọn sai phương án công nghệ đường sắt, dẫn đến đường sắt bị “bức tử”, TS Trần Đình Bá nhận định.

Theo Đời sống
back to top