'Tất cả kịch bản tăng trưởng sẽ thất bại nếu không nhập được vaccine'

Chuyên gia đánh giá tiềm năng của Việt Nam rất lớn khi kinh tế thế giới phục hồi. Tuy nhiên, tất cả kịch bản tăng trưởng đều sẽ thất bại nếu không nhập được vaccine Covid-19.

Sáng 10/6, tại hội nghị gặp gỡ để nghe kiến nghị của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bàn giải pháp hỗ trợ, ông Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - HIDS) trình bày 3 kịch bản phát triển của thành phố về kinh tế - xã hội.

Nguy cơ lạm phát

Theo ông Ngân, thế giới hiện có 175 triệu người nhiễm nCoV; Việt Nam có hơn 9.600 ca bệnh. Riêng đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm ở nước ta cao gấp 2 lần tổng bệnh nhân của 3 đợt dịch đầu tiên.

“Tiêm vaccine là con đường duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường. Do đó, thời gian qua thế giới đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử”, ông Ngân nói.

Theo chuyên gia, năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra những kịch bản kinh tế lạc quan hơn so với năm 2020, đặc biệt ở các nước phát triển. Báo cáo gần đây cho thấy kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh, thể hiện ở tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay như Mỹ 6,4%, Trung Quốc 18,3%, Hàn Quốc 1,8%, và Việt Nam là 5,58%...

Ông Ngân cho biết thế giới nhìn nhận lạc quan về Việt Nam bởi năm 2020, chúng ta kiểm soát dịch rất tốt. WB đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2021. Mỹ xếp Việt Nam và nhóm ít nguy cơ, người dân được ưu tiên khi tới Mỹ.

"Điều đó cho thấy sự lạc quan về kinh tế Việt Nam rất lớn”, ông chia sẻ.

dich Covid-19 anh 1

Ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS). Ảnh: Hoàng Hà.

Trong bài phát biểu, Viện trưởng HIDS cho biết sự phục hồi kinh tế thế giới có một số tác động tiêu cực đến tình hình cung cầu. Kinh tế phục hồi nên tổng cầu hàng hóa tăng lên, dẫn đến "cú sốc" về mặt giá cả. Chi ngân sách các nước tăng lên và nguồn thu giảm xuống dẫn đến bội chi, nợ công tăng.

Ông Ngân nhấn mạnh vấn đề lớn nhất cần quan tâm là tình hình lạm phát, giá cả một số mặt hàng quan trọng tăng cao. Ví dụ quặng sắt tăng từ 100 USD lên 210 USD, dầu thô tăng từ 31 USD lên 70 USD. Giá thép, nhôm, phân bón, thức ăn, gia súc, đậu bắp, đậu tương đều tăng từ 50 đến 100%. Điều này dẫn đến tác động nặng nề với ngành xây dựng, nông nghiệp cũng như đầu tư công.

"Rồi tới đây, kinh phí các dự án đầu tư công sẽ bị tác động", ông dự báo.

Về mặt tích cực, kinh tế phục hồi dẫn đến nhu cầu hàng hóa tăng. Điều này cho thấy thị trường cho Việt Nam đang rất lớn. Ông Ngân dẫn chứng một doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam cho biết đơn đặt hàng hiện dày đặc, từ nay đến cuối năm "chỉ lo làm không hết". Tuy nhiên, doanh nghiệp rất lo lắng về nguy cơ công nhân nhiễm bệnh, phải phong tỏa, cách ly.

Nếu vaccine không về được, doanh nghiệp rất bấp bênh

Chuyên gia kinh tế đưa ra 3 dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, gồm thấp, trung bình và cao.

"Tất cả kịch bản sẽ thất bại nếu Việt Nam không nhập được vaccine và tiêm cho công dân, người lao động. Tuy nhiên, kế hoạch này lạc quan khi Việt Nam đã đặt hàng được 120 triệu liều vaccine của các nước", ông Ngân đánh giá.

Ông nhận định nếu kế hoạch không về được trong năm 2021 thì "doanh nghiệp rất bấp bênh". Do đó, Việt Nam cần hướng về mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là triển khai tiêm chủng.

dich Covid-19 anh 2

Tiêm vaccine là giải pháp duy nhất để Việt Nam trở lại bình thường. Ảnh: Chí Hùng.

Với kịch bản thấp, nếu TP.HCM khống chế được dịch bệnh trong tháng 8, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm của TP.HCM sẽ tăng 5,02%, cả năm đạt 4,9%.

Với kịch bản trung bình, nếu đến tháng 7, TP.HCM kiểm soát được dịch thì tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm đạt 5,26%, cả năm 5,53% so với cùng kỳ.

Với kịch bản cao, trong điều kiện TP.HCM khống chế được dịch trong quý II/2021, tốc độ tăng trưởng GRDP 9 tháng đầu năm 2021 là 5,74% và cả năm đạt 6,37%.

Ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng tranh thủ mật độ giao thông ít trong giai đoạn giãn cách xã hội để triển khai các dự án hạ tầng, đặc biệt là giải quyết vấn đề ngập, thoát nước.

Kiến nghị hỗ trợ chi phí vaccine cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại hội thảo, bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, nhận định doanh nghiệp thành phố đối mặt nhiều gánh nặng tài chính trước làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4. Nắm bắt tình hình này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đề xuất Chính phủ chỉ đạo bộ, ngành triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là phân bổ nguồn chi phí tiêm vaccine cho người lao động.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Kế hoạch cho biết thành phố có chính sách xem xét, hỗ trợ về tài chính đối với người lao động (như lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nghỉ việc không lương trong thời hạn hợp đồng 30 ngày liên tục trở lên).

dich Covid-19 anh 3

TP.HCM đề xuất hỗ trợ chi phí tiêm vaccine cho doanh nghiệp - người lao động. Ảnh: Quỳnh Trang.

Chính sách hỗ trợ cũng được triển khai đối với người lao động ngừng hợp đồng hoặc còn hợp đồng nhưng không có điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động ngừng việc không lương và lao động tự do mất việc…

Về các chương trình mở rộng thị trường, bà Mai cho biết TP.HCM đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hội chợ, kênh thương mại trực tuyến xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới thay cho thị trường truyền thống.

Thành phố khuyến khích doanh nghiệp tăng ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, triển khai chương trình bình ổn thị trường, xây dựng hoạt động đầu tư dựa trên cơ sở nắm bắt nhu cầu thực tế năm 2021.

Đối với vấn đề cải cách thủ tục hành chính, thành phố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về kiến thức gắn với nhiệm vụ thực tế. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được hỗ trợ trong xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, đồng thời giải quyết các khó khăn về mặt bằng sản xuất, kinh doanh.

"Sự phát triển, phồn vinh của thành phố không thể tách rời với sự phát triển của doanh nghiệp. Và khi chúng ta đã đồng hành cùng nhau thì phải có trách nhiệm chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau. Khi doanh nghiệp gặp trở ngại, khó khăn, chắc chắn thành phố không thể đứng ngoài cuộc", Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong khẳng định tại hội nghị.

Trước đó, ngày 8/6, Sở LĐTBXH đã đề xuất TP.HCM chi 1.075 tỷ đồng để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch Covid-19.

 
Theo zingnews.vn
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top