Tất cả cũng tại tâm mình không vững

Tất cả cũng tại tâm mình không vững nên mới thấy người khác làm gì là cũng theo, không theo lại không yên tâm.

Hình minh họa.

Ngồi với bác thủ từ đình Nam Hương (Hàng Trống, Hà Nội), tôi than thở về chuyện bây giờ đi chùa, ngại nhất là nhiều hòm công đức quá. Mang cả xếp tiền lẻ rồi chỗ nào cũng bỏ tiền vào hòm công đức, lại còn đặt cả lên ban thờ, vào tay Phật, gốc cây…

Dù biết đấy là việc làm không đúng, nhưng vì ai ai cũng làm thế cả, thành ra mình không theo lại thấy áy náy. Mà theo rồi lại thấy bực vì như thế chùa chiền cũng biến thành nơi xô bồ, tiền tiền nong nong.

Chung quy cũng tại các chùa, đã không cấm, lại còn đua nhau đặt các hòm công đức khắp nơi. Như thế khác nào khuyến khích mọi người đua nhau bỏ tiền.

Chứ như các chùa từ miền Trung trở vào trong Nam, đâu có việc đặt nhiều hòm công đức như thế. Đến chùa thấy nhẹ nhõm.

Bác chỉ cười bảo, tất cả cũng tại bản thân mình, tại cái tâm mình không vững nên mới thấy người khác làm gì là cũng theo, không theo lại không yên tâm.

Nếu mình biết ý nghĩa của việc công đức thì chỉ cần bỏ tiền vào một nơi là được, cần gì phải theo mọi người. Người ta đặt hòm công đức thì mặc người ta. Ai rải tiền lẻ thì kệ người ta. Mình cứ việc mình mình làm. Mà cũng đừng phán xét đúng sai. Ai làm thế nào thì phải gánh chịu thế ấy.

Đúng thế thật. Làm sao thay đổi được ngoại cảnh, thay đổi được người khác, ta chỉ có thể thay đổi được chính mình mà thôi. Mà muốn thế, quan trọng là phải biết phân biệt đúng sai, phải trái, thiện ác, biết mình thực sự có gì, cần gì, điều gì tốt cho mình… Để nhận thức được điều đó phải có kiến thức, có chính kiến, phải chịu khó học hỏi.

Khó thế nên không phải ai cũng chịu khó tìm hiểu. Mà nhanh nhất là làm theo người khác. Thấy người ta đốt mã cũng đốt. Thấy người ta đặt tiền cũng đặt. Cứ tự đặt ra đủ thứ thủ tục, rồi người nọ theo người kia, tự làm khổ mình, khổ người khác.

Không chỉ riêng việc đi chùa, mà trong cuộc sống hàng ngày chúng ta cũng cứ làm theo người khác, rồi lại kêu khổ. Người ta có điều kiện thì mua nhà to, sắm xe sang. Nhà mình vợ chồng lương công chức thì ở nhà bé, đi xe máy thôi, việc gì phải cố vay tiền mua cho được xe ô tô. Rồi lại than thở tốn kém.

Thực ra, quan trọng là phải biết mình đang ở hoàn cảnh nào, mình cần gì. Chứ không phải thấy người ta có gì, làm gì cũng theo.

Minh Anh

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top