Tập luyện phòng tránh, phục hồi sau mắc Covid-19

Việc duy trì thói quen sinh hoạt, tập luyện tốt là một vũ khí vô cùng quan trọng giúp chúng ta luôn khỏe mạnh trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đặc biệt, sau khỏi Covid-19 thì cần tập luyện đúng cách để phổi phục hồi tốt.

Tập để mạnh mẽ và bền bỉ

ThS.BS Trần Trung Kiên, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội chia sẻ bí quyết để cơ thể khỏe mạnh, phòng nhiễm và tái nhiễm Covid-19 như sau: Mỗi sáng thức dậy tập luyện nhẹ. Duy trì đi bộ và chạy trung bình 4 - 5km mỗi ngày, có thời gian dành cho tập thở và nghiên cứu thêm về các bài tập giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Cách tập thở kiểm soát hơi thở: Là cách thở nhẹ nhàng, ít dùng sức; điều này giúp đường thở được thả lỏng nhất có thể. Mỗi lần tập, cố gắng hít thở thật sâu, nhẹ nhàng. Nên giữ hơi thở trong 2 - 3 giây sau mỗi nhịp hít vào hay thở.

Nên tập khi cảm thấy khó thở nhẹ hoặc khi thấy ho nhiều, quan trọng nhất phải duy trì và tập hằng ngày, mỗi lần tập cố gắng duy trì tầm 10 phút cho đến khi cảm thấy phổi sạch hơn. Nên tập ở tư thế bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Các bài tập được chia làm 3 mức độ tương ứng: Mức độ 1 - Tập khi bạn cảm thấy mệt và chỉ có thể nằm. Mức độ 2 - Tập khi bạn vượt qua được mức độ 1 dễ dàng và có thể ngồi trong thời gian dài. Mức độ 3 - Tập khi bạn vượt qua được mức độ 2 dễ dàng, có thể đứng, đi lại vững vàng trong nhà. Chú ý: Tập đúng theo thứ tự bài tập, cố gắng duy trì 2 - 3 lần/ngày.

phuc-hoi-covid-19.jpg
Tập luyện phòng tránh, phục hồi sau mắc Covid-19.

Khắc phục mệt mỏi, hụt hơi, khó thở

BS Đỗ Anh, Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, người đã trực tiếp tham gia điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện dã chiến số 16, TPHCM nhấn mạnh, tập luyện đóng một vai trò vô cùng quan trọng đối với người bệnh không chỉ trong thời gian mắc Covid-19 mà còn giúp người bệnh phục hồi lại sức khỏe tốt nhất sau khi khỏi bệnh.

Chúng ta nên thực hiện các bài tập như đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu, đạp xe, chống đẩy, squat... với cường độ vừa phải và tăng dần. Điều này giúp tăng nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu, có thể giúp phổi phục hồi nhanh hơn.

Nếu người mới khỏi Covid-19 chủ quan, vẫn giữ nguyên cường độ tập như trước khi mắc bệnh sẽ khiến cơ thể không có thời gian phục hồi tổn thương (tổn thương cơ/rối loạn chuyển hóa/dinh dưỡng). Ngoài ra, việc vội vàng luyện tập trở lại và luyện tập không đúng phương pháp sẽ dẫn tới kéo dài thời gian hồi phục, thậm chí là tái phát bệnh và có thêm tổn thương như hụt hơi, đau ngực, giảm khả năng vận động, co cứng cơ, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt và các vấn đề về tim mạch cũng như hô hấp khác.

Thời điểm tập luyện tối ưu và an toàn được khuyến cáo là sau 7 - 10 ngày hết triệu chứng Covid-19. Người bệnh không nên tập luyện lại khi vẫn còn triệu chứng Covid-19.

Khi tập trở lại nên tập chậm và tăng dần cường độ. Đặc biệt, những người có vấn đề về tim mạch, hô hấp, sốt, ho, khó thở hay đau ngực kéo dài thì càng cần phải lưu tâm. Hãy lắng nghe cơ thể mình bởi sự hồi phục và thích ứng tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người.

Với những người thích tập cường độ cao, nên trao đổi với bác sĩ. Lộ trình được khuyến cáo là 4 tuần tập luyện để trở về trạng thái tập bình thường.

Một số trường hợp sau khi khỏi bệnh chỉ đạt được 50% năng suất và sức lực so với trước. Đừng quá lo lắng khi cơ thể bạn không hồi phục lại ngay khi khỏi bệnh. Ngay cả F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, tự khỏi, sau 7 ngày thì chỉ nên tập luyện lại 50% khả năng cũng như cường độ so với lúc khỏe...

Để cải thiện sức khỏe dần dần, người bệnh nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và ngủ đủ giấc, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Bên cạnh đó, nên tập yoga. Thực tế đã chứng minh rằng tập luyện yoga và thiền giúp cải thiện sức khỏe phổi, hồi phục cơ thể sau nhiễm Covid-19.

Người bệnh cũng không nên hút thuốc, hạn chế tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm, hóa chất độc hại để tránh làm tăng nguy cơ nhiễm trùng phổi và phát triển các bệnh về hô hấp khác. Đồng thời, nghiêm túc thực hiện 5K để tránh tái nhiễm biến chủng khác của Covid-19.

Để tránh bị virus, vi khuẩn tấn công trong giai đoạn hậu Covid-19, người dân nên tiêm sớm văcxin có tác dụng bảo vệ đường hô hấp. Theo nghiên cứu của Kaiser Permanente (Tổ chức chăm sóc y tế hàng đầu ở Mỹ), người từ 65 tuổi trở lên tiêm văcxin phòng phế cầu Prevenar 13 có 35% giảm nguy cơ mắc Covid-19; 32% giảm nguy cơ nhập viện do Covid-19, 32% giảm nguy tử vong do Covid-19.

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top